Diện tích đất phát triển nhà ở xã hội tăng thêm hơn 6 nghìn hecta

Hà Lan 13/07/2024 08:36

Trên địa bàn cả nước hiện quy hoạch hơn 10 nghìn hecta đất làm nhà ở xã hội, tăng thêm 6.641ha so với năm 2020. Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng… là những địa phương quan tâm quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội.

Gói 120 nghìn tỷ đồng mới giải ngân 1.234 tỷ đồng

Tại hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của ngành xây dựng mới đây, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết, trên địa bàn cả nước hiện đã quy hoạch hơn 10 nghìn hecta đất làm nhà ở xã hội. So với báo cáo năm 2020 là 3.359ha, đến nay diện tích đất phát triển nhà ở xã hội đã tăng thêm 6.641ha. Một số địa phương quan tâm đến việc quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội như: Đồng Nai 1.064ha, TP. Hồ Chí Minh 609ha, Quảng Ninh 704ha, Hải Phòng 837ha...

Về việc triển khai Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội giai đoạn 2021 - 2030, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Trong đó hoàn thành: 75 dự án với quy mô 39.884 căn; khởi công xây dựng 128 dự án với quy mô 115.379 căn; chấp thuận chủ trương đầu tư 300 dự án với quy mô 262.937 căn. Riêng 6 tháng đầu năm nay đã hoàn thành 8 dự án nhà ở xã hội.

Theo ông Hoàng Hải, nhiều địa phương đã tích cực thu hút đầu tư, thúc đẩy khởi công xây dựng nhà ở xã hội như: Bắc Ninh 16 dự án, 10.792 căn; Hải Phòng 9 dự án, 15.054 căn; Bình Dương 7 dự án, 6.557 căn; Đồng Nai 8 dự án, 9.074 căn; Thanh Hóa 10 dự án, 8.748 căn...

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước (BIDV, VietinBank, Agribank, Vietcombank), có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đăng ký tham gia với số tiền 5.000 tỷ đồng mỗi ngân hàng. Qua tổng hợp, đến nay mới có 32/63 UBND tỉnh, thành phố gửi văn bản hoặc công bố trên Cổng thông tin điện tử về danh mục dự án tham gia Chương trình với 73 dự án; trong đó một số tỉnh đã công bố nhiều dự án là Hà Nội (6 dự án), TP. Hồ Chí Minh (6 dự án), Bắc Ninh (6 dự án), Bình Định (5 dự án)... Các ngân hàng thương mại đã giải ngân 1.234 tỷ đồng.

Đưa chỉ tiêu nhà ở xã hội vào kế hoạch kinh tế - xã hội

Tỷ lệ giải ngân gói 120 nghìn tỷ đồng đến nay rất ít, thời gian tới cần đẩy mạnh hơn, ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, nói.

Cũng theo ông Hoàng Hải, tháng 4 vừa qua, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 1699/BXD-QLN hướng dẫn về việc xác định danh mục, đối tượng, điều kiện, tiêu chí vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư, áp dụng với gói 120 nghìn tỷ đồng (thay thế Văn bản số 1551/BXD-QLN ngày 20.4.2023 của Bộ Xây dựng).

Theo đó, điều kiện vay vốn của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ cần được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật về nhà ở; được lựa chọn là chủ đầu tư dự án theo pháp luật về nhà ở đã có quyết định giao đất hoặc đã có quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai. "Như vậy đã lược bỏ điều kiện về bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp phép xây dựng. Sau khi được công bố danh mục, chủ đầu tư dự án bảo đảm điều kiện theo pháp luật về tín dụng, cũng như thỏa thuận với các ngân hàng là được vay vốn" - ông Hoàng Hải khẳng định.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án 1 triệu nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24.5 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; đưa chỉ tiêu nhà ở xã hội vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm. Với dự án đã khởi công thì đôn đốc hoàn thành. Đối với các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư cần khẩn trương triển khai các thủ tục: lựa chọn chủ đầu tư; giao đất, cho thuê đất, lập, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật; cấp phép xây dựng để nhanh chóng khởi công, xây dựng ngay trong năm 2024.

Thị trường bất động sản có phản ứng tích cực

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, tốc độ tăng trưởng của hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 2,45% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường bất động sản đã có phản ứng tích cực với các tín hiệu, thể hiện ở mức độ quan tâm, tìm kiếm thông tin về bất động sản của khách hàng, nhà đầu tư tăng cao.

Cụ thể, lượng giao dịch đối với loại hình căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ và đất nền có xu hướng tăng. Tính chung 6 tháng, có 253 nghìn giao dịch thành công, tăng 10,26% so với 6 tháng cuối năm 2023, tập trung ở phân khúc đất nền.

Bên cạnh đó, nguồn cung bất động sản đang chuyển biến theo chiều hướng tích cực khi ghi nhận sự quay trở lại của hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới mở bán. Trong nửa đầu năm, có 18 dự án nhà ở thương mại hoàn thành, 23 dự án được cấp phép mới và 984 dự án đang triển khai. Về dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất xây nhà ở có 32 dự án hoàn thành, 16 dự án được cấp phép và 519 dự án đang triển khai.

Hà Lan