Nỗ lực lớn trong chăm lo cuộc sống của Nhân dân
Tham gia thảo luận tại Tổ 12 (gồm Đoàn ĐBQH các tỉnh: Hưng Yên, Ninh Bình, Quảng Bình, Ninh Thuận) về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7.2024, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, trong bối cảnh tình hình nền kinh tế ở thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn sau dịch Covid-19, thì việc tăng lương lần này thể hiện nỗ lực của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, trong cải cách tiền lương, chăm lo cho cuộc sống của Nhân dân.
Mức tăng khá cao so với những lần điều chỉnh gần đây
Phát biểu tại Tổ 12, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc đổi mới, cải cách tiền lương cũng như các chính sách gắn theo lương. Việc làm này nhằm giúp cho người được hưởng lương từ ngân sách nhà nước bảo đảm được điều kiện cuộc sống để yên tâm công tác.

Theo đó, từ ngày 1.7 tới đây, lương ở khu vực công điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.
Ngoài ra, trong lần này cũng sẽ điều chỉnh tăng 15% mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội; đồng thời, đối với người đang hưởng lương hưu trước năm 1995, sau khi điều chỉnh mà có mức hưởng thấp hơn 3,2 triệu đồng/tháng, thì điều chỉnh tăng 0,3 triệu đồng/tháng, có mức hưởng từ 3,2 triệu đồng/tháng đến dưới 3,5 triệu đồng/tháng thì điều chỉnh bằng 3,5 triệu đồng/tháng.
Đối với, trợ cấp ưu đãi người có công theo mức chuẩn trợ cấp từ 2.055.000 đồng lên 2.789.000 đồng/tháng (tăng 35,7%); trợ cấp xã hội theo mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 360.000 đồng lên 500.000 đồng/tháng (tăng 38,9%). Đây là mức tăng khá cao so với những lần điều chỉnh tăng lương gần đây, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, với việc tăng lương lần này, đối với khu vực doanh nghiệp thực hiện đầy đủ theo đúng Nghị quyết số 27-NQ/TW, gồm toàn bộ 2 nội dung. Đối với khu vực công lập, thực hiện 4/6 nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW.
Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với những người hưởng lương trong khu vực công nhưng hiện đang có mức lương thấp và cũng là sự điều chỉnh tiền lương theo hưởng giảm sự chênh lệch giữa khu vực công và khu vực tư.
Theo Báo cáo của Chính phủ, tổng nhu cầu kinh phí điều chỉnh lương cơ sở tăng 30%, thực hiện tiền thưởng 10% quỹ lương cơ bản, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp lũy kế 3 năm 2024 - 2026 tăng thêm 913 nghìn tỷ đồng.
Trong bối cảnh, tình hình nền kinh tế ở thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19, thì việc tăng lương lần này thể hiện nỗ lực lớn của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong cải cách tiền lương, chăm lo cho cuộc sống của Nhân dân, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ.
Tiếp tục gia hạn khoản vay là điều cần thiết
Về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn cho Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (VNA) theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, do hệ lụy kéo dài của dịch Covid-19, môi trường kinh doanh có nhiều khó khăn, biến động, không như dự báo tại thời điểm trình Quốc hội xem xét thông qua các giải pháp như tại Nghị quyết số 135/2020/QH14, tình hình tài chính của VNA chưa được cải thiện; dự kiến đến cuối năm 2024, VNA sẽ âm vốn lớn; vay ngắn hạn, tái cấp vốn và nợ quá hạn ở mức cao, trong đó khoản nợ các tổ chức tín dụng vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14 có thời hạn hoàn trả từ tháng 7.2024 là áp lực lớn đối với dòng tiền của VNA.

Trường hợp không được gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn, VNA sẽ đối mặt với rủi ro mất khả năng thanh toán; có nguy cơ bị kiện, giảm uy tín với đối tác, khả năng Chính phủ phải trả nợ thay các khoản dư nợ có bảo lãnh; ảnh hưởng đến khả năng thu hồi khoản vay của các tổ chức tín dụng và tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động, việc làm của VNA.

Theo ĐBQH Vũ Đại Thắng (Quảng Bình), việc xem xét tiếp tục gia hạn khoản vay là điều cần thiết để tháo gỡ khó khăn cho VNA. Tuy nhiên, các chính sách "giải cứu" cho VNA "đang vá víu, không đồng bộ".
Nếu gia hạn khoản vay cho VNA mà tình hình vẫn tiếp tục không cải thiện thì năm sau chúng ta lại tiếp tục hỗ trợ hay như thế nào? Nêu vấn đề này, đại biểu Vũ Đại Thắng đề nghị Chính phủ cần tính toán kỹ lưỡng xem giải pháp nào đủ mạnh và dài hạn để thực sự có thể trợ giúp và vực dậy được VNA.