Nhân Dân có bác Thợ Rèn
Bác Thợ Rèn chính là người chuyên viết thơ trào phúng, giữ chuyên mục “Chuyện lớn… chuyện nhỏ” trên Báo Nhân Dân. Đây là chuyên mục có sức sống lâu dài nhất sau “Xã luận”, từ sau hòa bình lập lại (1954) đến hết thế kỷ XX. Nhà thơ Mai Quốc Liên từng viết về bác Thợ Rèn: Tám chục năm rèn kiếm/ Một kiếp người luyện tâm/ Tâm thành và kiếm sắc/ Hiến cho đời trang văn.
Thâm thúy, dí dỏm

Bác Thợ Rèn tên khai sinh là Phạm Văn Huyến (1923 - 2008), là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957. Bạn đọc nhớ nhiều nhất Thợ Rèn với dòng thơ trào phúng, chủ yếu từ chuyên mục “Chuyện lớn… chuyện nhỏ” trên Báo Nhân Dân do ông phụ trách. Và ông đã chọn lọc các bài viết, xuất bản thành bốn tập thơ châm biếm “Chuyện lớn… chuyện nhỏ…” lần lượt xuất bản vào các năm 1959, 1960, 1974; riêng tập 4 mang tên “Trách nhiệm (Chuyện lớn… chuyện nhỏ)” in năm 1974.
Ngay từ lúc 5 - 6 tuổi, bác Thợ Rèn thường theo cha, một nhà nho, để nghe bình văn. Ông thú nhận, đã nghe thơ Đường rồi thì cả đời run tay, cả đời vẫn thấy mình dốt nát. Thế nhưng âm hưởng thơ Đường, phép cách làm thơ Đường lại cứ ngấm vào ông, cộng với sự phóng khoáng của miền đất mới Thái Bình, tạo nên một loại văn thơ tự do, phóng túng, gần với tự nhiên mà thâm thúy, dí dỏm một duyên riêng.
Trong kháng chiến viết ca dao thì ông tha hồ phóng bút. Sau này, ông cô ngắn lại, có bài thành một dạng “cao” chỉ hai câu: Bay xa nghìn dặm về cành “tĩnh”/ Đọc vạn kỳ thư thuộc chữ “quên” (Tĩnh - Hư). Có bài chỉ 12 chữ: Đường quan ngắn/ Đường dân dài/ Nhân hôm nay/ Quả ngày mai (Xem tướng tay).
Tuy được gặp ông nhiều lần, khi ở Báo Nhân Dân, khi ở Hội Nhà văn, nhưng chỉ đến đầu năm 1999, tôi mới được trò chuyện với ông lâu hơn trên căn gác nhỏ, nhà ông ở 75B Trần Hưng Đạo. Mở đầu, ông khoe ngay “tác phẩm mới”, đó là bản di chúc “Dặn lại”: Tin báo tang đừng nêu chức tước/ Huân huy chương cũng khước không đăng/ …Sau cùng dặn cháu đinh ninh/ Luyện tài, tích đức, nhiệt tình, chân tâm!
Hôm đó ông rất cởi mở, kể cho tôi nghe những ngày tháng ngắn ngủi nhưng thật vui khi được làm sinh viên Trường Y, Đại học Đông Dương ở Lê Thánh Tông. Ông kể, ông là người say mê, hăng hái với mọi công việc, và cũng ham chơi, hay “nhảy nước”, thích trải nghiệm. Năm 1952, ông được giải Nhất về ca dao của Báo Cứu Quốc. Không biết tên tuổi nổi đến đâu nhưng được Báo Nhân Dân lấy về. Đó là năm 1954. Cùng về Báo Nhân Dân đợt với Thợ Rèn có Hồ Dưỡng (từ Khu V), Trần Kiên (từ Báo Độc Lập), Hoàng Tuấn Nhã (từ Pháp), Nguyễn Thành Lê, Hồng Hà, Phan Quang (từ Báo Cứu Quốc), Nguyễn Địch Dũng, Bạch Diệp (Nguyễn Thị Thanh Tâm), Đinh Nho Khôi, Ngô Thi…
Tuy năm 1975, ông chuyển sang Ban Sáng tác Hội Nhà văn nhưng cũng như Phan Quang, ông luôn nhận mình là người làm Báo Nhân Dân với niềm tự hào không cần giấu.
Tiên phong chống tiêu cực
Bút danh Thợ Rèn xuất hiện lần đầu tiên ở chuyên mục “Chuyện lớn… chuyện nhỏ” trên số báo ra ngày 21.6.1958 có tên “Chiếc máy nổ”: Xóm Đào có đội văn công/ Phô trương hình thức thì không đâu bằng…
Ông không ganh đua, lương lậu, chức vụ nhưng quyết liệt trong đòn bút. Tôi thấy ông là người tiên phong trong việc chống tiêu cực. Tính chiến đấu của ngọn bút từ phê bình nhẹ nhàng đến đả kích sâu sắc. Ông đem sự hy sinh của nhân dân để mở mắt cho những kẻ công thần. Ông chọc thẳng vào tệ ô dù: Có ô bảo hộ thì râm/ Không ô bảo hộ mưa dầm mặc thây; vào nạn hối lộ, đục khoét, róc xương róc thịt dân nghèo: Da tay không bén hơi đồng/ Việc riêng cũng mặc, việc công cũng lờ; Dân cày ít thịt nhiều da/ Chuột đồng cắn lúa, chuột nhà gặm đô…

Sau năm 1975, mặc dù cái quan niệm, hay là câu kinh: “Xã hội ta cơ bản là tốt, cái xấu chỉ là hiện tượng”; “cường điệu cái xấu là bôi đen chế độ” còn thống trị trong tư tưởng nhiều người, thì nghệ sĩ chân chính, với sự nhạy bén của mình, đã nhận ra cái xấu đã trở thành một sức mạnh to lớn đang dẫn xã hội trượt theo hướng tiêu cực, là nguy cơ tồn vong của chế độ mà mãi sau này mới xuất hiện trong văn kiện của Đảng. Thợ Rèn là một trong những người tiên phong chống tiêu cực. Ông phân tuyến rõ ràng; coi tiêu cực là kẻ thù của nhân dân, của sự nghiệp cách mạng, chứ không còn là khuyết điểm nội bộ nữa. Ông dũng cảm vạch trần bóng tối, dù ở tầng trời nào. Ngòi bút của ông trở thành ngọn chông sắc nhọn.
Thợ Rèn không phải là “anh công an vui tính có văn học” nữa; mà trở thành người chiến sĩ ở tiền phương, trực diện, một mất một còn với “kẻ thù”. Nghệ thuật trào phúng không còn vui đùa bông lơn mà là đanh thép chính luận, là mũi dao nhọn chọc thẳng vào những ổ trùng và tỏ thái độ rạch ròi, quyết liệt. Kẻ thù ở đây trước hết là sự quan liêu bao cấp, mà nguy hiểm nhất là bao cấp, nô lệ về tư tưởng: Cái thời không dấu son kiểm duyệt/ Một lời vàng không biết từ đâu/ Thế là răm rắp cúi đầu/ Chung giàn bí lẫn cho bầu chịu oan/ Cái thời tiếng “liên quan” sợ lắm/ Qua đêm trường tóc trắng như bông/ Cái thời chỉ biết phục tùng/ Gọt chân cho gọn mà nong khuôn giày… (Dân chủ, tự do và đổi mới - ND, 1998).
Ông xé toang tấm mặt nạ của những kẻ xưng danh mác-xít, vì dân, thật ra là bọn vị kỷ, nịnh hót, vô dụng. Và ông cũng kêu gọi phá bỏ những trở lực, đập bỏ những cái chậu sành hẹp lượng để sức dân, sức nước được giải phóng, tung hoành: Chậu sành bé tự bản thân/ Nước non chứa đựng có ngần ấy thôi/ Tiếc chi một cái chậu sành/ Mà ngăn thác nước tung hoành biển Đông! (Vứt đi cái chậu sành).
Chưa có nghiên cứu nào về chuyên mục “Chuyện lớn… chuyện nhỏ” cũng như đóng góp của Thợ Rèn đối với báo Đảng, nhưng Bác Hồ thì thường xuyên đọc chuyên mục này, rất quý Thợ Rèn, từ những bài của Thợ Rèn mà chỉ đạo để các cấp điều chỉnh hành vi của cán bộ hoặc khen thưởng cho gương người tốt, việc tốt. Năm 1967, chuyên mục “Chuyện lớn… chuyện nhỏ” có đề cập đến chuyện ông chủ tịch huyện Hải Hậu cưới con ăn uống linh đình ba ngày. Ông Thợ Rèn đặt tít là “Hãy cho ông ấy về với cái vườn”. Bác Hồ đề nghị Tỉnh ủy Nam Định kiểm tra, chuyện có thật, thế là ông chủ tịch ấy được cho về vườn thật.