Đánh giá kỹ lưỡng phạm vi điều chỉnh
Thảo luận tại Tổ 17 về Dự án Luật Phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ, các đại biểu thuộc Đoàn ĐBQH các tỉnh: Lai Châu, Gia Lai và An Giang tán thành việc xây dựng Luật nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ và việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
- Ưu tiên đưa giáo dục về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào trường học
- Làm rõ yêu cầu phòng cháy, chữa cháy đối với từng loại quy hoạch
- Những yếu tố nào cấu thành tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy?
- Cần nghiêm cấm sản xuất, buôn bán thiết bị phòng cháy, chữa cháy giả, kém chất lượng

Thảo luận tại tổ 17, các đại biểu cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ với những lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Đồng thời, đánh giá cao hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, chi tiết; các tài liệu bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Liên quan đến giải thích từ ngữ tại Khoản 17, Khoản 18, Điều 3, ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang) cho rằng, quy định tại hai khoản trên dễ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính gây khó khăn cho cá nhân tổ chức, phát sinh thêm chi phí. Đại biểu đề nghị, cần làm rõ sau khi Hội đồng nghiệm thu ban đầu gồm chủ đầu tư; chủ phương tiện... tiến hành nghiệm thu theo thiết kế xong, ký biên bản rồi thì có hiệu lực pháp lý để đưa vào sử dụng hay chưa? Sau này, cơ quan chuyên ngành PCCC tiếp tục kiểm tra công tác nghiệm thu này mà không đạt yêu cầu hoặc phát sinh thêm việc khác thì giải quyết thế nào?

Đại biểu đề nghị nên tích hợp 2 nội dung này lại tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân, tổ chức và bảo đảm xác định rõ hậu quả, trách nhiệm của công tác nghiệm thu. Theo đó, cơ quan chuyên ngành tham gia Hội đồng nghiệm thu ngay từ đầu, tiến hành công tác nghiệm thu Phòng cháy, chữa cháy trong 1 lần sẽ giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí...
Cho ý kiến về chính sách của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại Điều 4, các đại biểu hoàn toàn thống nhất với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh là cần nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; huấn luyện, diễn tập phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; có chính sách về bảo đảm đầu tư, phân bổ nguồn lực phục vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, vùng miền; chính sách bảo vệ, hỗ trợ các đối tượng yếu thế trong hoạt động này; chính sách huy động các tầng lớp Nhân dân, các lực lượng tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cũng như các chính sách cụ thể về xã hội hóa công tác này.

Liên quan đến nội dung cần quan tâm ưu tiên chính sách đưa công tác giáo dục, tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào trường học. Có ý kiến đề nghị, cần nghiên cứu, xem xét quy định theo hướng các trường có thể thiết kế đưa vào chương trình học các nội dung về kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ để học sinh có thêm kiến thức áp dụng trong thực tiễn.
Từ thực tế những vấn đề được nhiều cử tri rất quan tâm, hiện nay các vụ cháy diễn ra rất nghiêm trọng, ở một số nơi mặc dù đã được cấp phép, đã được kiểm tra, lập biên bản, đã xử lý, trách nhiệm chính thuộc về các cơ quan như thế nào? Có ý kiến đề nghị, quy định cụ thể trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức trong quản lý nhà nước, thẩm định, cấp phép, nghiệm thu, kiểm tra... về phòng cháy, chữa cháy. Từ đó, có cơ chế phân trách nhiệm thật rõ ràng, cụ thể và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan liên quan…
Về phạm vi điều chỉnh, ĐBQH Lê Hoàng Anh (Gia Lai) bày tỏ nhất trí với việc bổ sung quy định về hoạt động cứu nạn, cứu hộ với 1 Chương gồm 7 Điều. Đây là nội dung mới so với Luật Phòng cháy, chữa cháy hiện hành. Thực tế cho thấy, hoạt động phòng cháy, chữa cháy luôn gắn liền với các hoạt động cứu nạn, cứu hộ. Do đó, việc sửa đổi Luật lần này có bổ sung thêm nội dung về cứu nạn, cứu hộ là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, nội dung này đang còn chung chung. Nếu không quy định rõ thì rất nhiều người hiểu nhầm phạm vi cứu nạn cứu hộ ở đây chỉ bó hẹp trong phạm vi các vụ cháy chứ không phải trên bình diện rộng hơn của cuộc sống. Do đó, cần đầu tư thiết kế kỹ lưỡng hơn về mặt cơ cấu sắp xếp đến các nội dung cho chính sách cứu nạn, cứu hộ… Đồng thời, quy định rõ ràng trách nhiệm của các cơ quan tổ chức, cá nhân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ…