Hiện thực hóa mục tiêu kho bạc không có “bạc”

Tiểu Phong 16/06/2024 07:35

Trước đây, Kho bạc có kho chứa tiền, xe chở tiền nhưng nay thanh toán không tiền mặt, kho để không, xe thanh lý hết, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết. Năm 2023, tỷ lệ thu, chi ngân sách bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 99,9% tổng thu, chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước.

Tỷ lệ thu, chi ngân sách bằng tiền mặt chỉ còn 0,01%

Tại sự kiện “Ngày Thanh toán không dùng tiền mặt” do Ngân hàng Nhà nước và Báo Tuổi Trẻ vừa phối hợp tổ chức, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, nhận thức rõ tầm quan trọng của thanh toán không dùng tiền mặt, những năm qua, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực tài chính. Ngành Tài chính cũng đồng thời tích cực hoàn thiện khung khổ pháp lý để thúc đẩy các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt, tăng cường quy định các khoản thu, chi ngân sách nhà nước bắt buộc phải thanh toán qua tài khoản; thu hẹp dần các khoản được phép chi bằng tiền mặt.

Thời gian tới, Kho bạc Nhà nước tiếp tục mở rộng công tác phối hợp thu với ngân hàng thương mại. Ảnh: HT
Thời gian tới, Kho bạc Nhà nước tiếp tục mở rộng công tác phối hợp thu với ngân hàng thương mại. Ảnh: HT

Về thu ngân sách, Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và Kho bạc Nhà nước (KBNN) không ngừng mở rộng phối hợp thu ngân sách với các ngân hàng thương mại. Kết quả, đến nay hơn 99% giao dịch thu ngân sách đã thực hiện theo các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Về chi ngân sách, KBNN đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với tất cả các thủ tục hành chính và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia; đồng thời, triển khai trên diện rộng việc thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách. Đến nay, đã có hơn 40.000 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền cho KBNN tự động thanh toán các khoản chi điện, nước, viễn thông trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến, với tổng số tiền đã thanh toán là hơn 3.000 tỷ đồng.

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm mạnh tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt trong thu, chi ngân sách nhà nước. “Năm 2023, tỷ lệ thu, chi ngân sách nhà nước bằng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 99,9% tổng thu, chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết.

Đến năm 2025, không còn chi bằng tiền mặt

Lý giải việc vẫn còn một tỷ lệ rất nhỏ tiền mặt lưu thông trong hệ thống KBNN, đại diện Vụ Tổng hợp Pháp chế của KBNN cho biết, theo quy định hiện hành, một số khoản thu, chi vẫn được dùng tiền mặt như: thanh toán cá nhân của các đơn vị hưởng lương ngân sách chưa có điều kiện để chuyển khoản được tại các vùng sâu, vùng xa; một số khoản chi bằng tiền mặt (chi trả nợ, chi đền bù giải phóng mặt bằng); chi về nghiệp vụ mật của khối an ninh quốc phòng.

Bên cạnh đó, theo quy định, mua sắm hàng hóa dịch vụ dưới 5 triệu đồng được phép thanh toán bằng tiền mặt qua KBNN. Ngoài ra, với những khoản chi mua sắm hàng hóa ở mức dưới 100 triệu đồng cũng có thể được rút tiền mặt tại kho bạc. Từ 100 triệu đồng trở lên mới thực hiện rút tiền mặt tại ngân hàng. Vì vậy, trên thực tế vẫn còn những khoản chi bằng tiền mặt qua KBNN dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Trong Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn hệ thống đến năm 2025, KBNN đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt tại kho bạc.

Thời gian tới, KBNN sẽ tiếp tục mở rộng các kênh thanh toán phối hợp thu với ngân hàng thương mại; mở rộng các tài khoản chuyên thu, đẩy mạnh các kênh thu nộp điện tử qua các kênh trung gian thanh toán. Đồng thời, KBNN tiếp tục mở rộng phạm vi địa bàn bắt buộc phải thanh toán qua kênh chuyển khoản bằng cách phối hợp với NHNN khảo sát các địa bàn, những nơi có thể thực hiện tốt việc trả lương qua tài khoản, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa.

Đặc biệt, KBNN sẽ tiếp tục nghiên cứu các hình thức chi trả qua tài khoản với các khoản chi an sinh xã hội và các khoản chi khác qua tài khoản gắn với việc triển khai đề án của Chính phủ về ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Với kết quả đạt được cho đến nay và những giải pháp sẽ triển khai trong thời gian tới, mục tiêu không còn chi tiền mặt vào năm 2025 sẽ thành hiện thực. Về thu tiền mặt, KBNN hướng tới mục tiêu là giảm ở mức thấp nhất. Bởi, theo quy định của Luật Quản lý thuế, người nộp thuế, phí, lệ phí có quyền chọn phương thức nộp bằng tiền mặt hay chuyển khoản tại các điểm thu.

Tiểu Phong