Tích cực bảo tồn nhà rông truyền thống

Thu Hường - Anh Minh 07/06/2024 22:42

Đối với bà con dân tộc Ba Na nói riêng và các dân tộc anh em trên đại ngàn Tây Nguyên nói chung, những mái nhà rông cao vút là biểu tượng cho sự đoàn kết, thịnh vượng. Bởi nhà rông không chỉ là di sản văn hóa truyền thống đặc sắc nhất của đồng bào các dân tộc vùng Trường Sơn - Tây Nguyên mà còn là một di sản văn hóa có giá trị trong di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Trách nhiệm gìn giữ mái nhà chung luôn được đặt lên hàng đầu, nhưng việc thực hiện không phải lúc nào cũng dễ dàng. 

Tại tỉnh Gia Lai, nhà rông làng Kon Sơ Lăl thuộc xã Hà Tây, huyện Chư Păh được biết đến là nhà rông lớn nhất Tây Nguyên với chất liệu hoàn toàn từ tự nhiên được dựng vào năm 2017. Tuy nhiên, hiện nay sau thời gian dài sử dụng phần mái nhà đã dần mục. Trong khi đó các nguyên vật liệu từ rừng để làm nhà rôngnhư gỗ, tranh khan hiếm nên việc nhà rông bị bê tông hóa là điều mà người dân nơi đây lo lắng nhất.

Cần tích cực bảo tồn nhà rông truyền thống -0
Cần tích cực bảo tồn nhà rông truyền thống -1
Người đồng bào Ba Na xây dựng, bảo tồn nhà rông truyền thống tại Gia Lai

Theo lãnh đạo xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai chia sẻ: "Trải qua thời gian dài sử dụng phần mái nhà rông bị mai mục đi để lưu giữ tu sửa cần nguyên vật liệu như cây gỗ rừng, mà thời điểm hiện nay mình không còn được phép sử dụng nữa, nếu lấy gỗ cần sự cho phép của cơ quan chức năng".

Với cán bộ Văn hóa xã Hà Tây, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai Rơ Chăm Pư cũng rất mong cơ quan chức năng nhà nước có sự quan tâm hơn để tạo điều kiện cho bà con có kinh phí và lấy những nguyên vật liệu tu sửa nhà rông nhằm duy trì bảo tồn bản sắc.

Còn tại tỉnh Kon Tum, để sửa lại nhà rông, bà con làng Kon Jơdri, xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum phải chuẩn bị gần một tháng. Huy động 190 hộ dân, các công đoạn đều hoàn toàn thủ công. Trong đó, việc chuẩn bị nguyên liệu cũng được sàng lọc kỹ càng. Chỉ một sơ suất nhỏ sẽ khiến căn nhà Rông trở nên méo mó. Sau hơn 10 ngày việc sửa chữa nhà Rông đã dần hoàn thiện.

Cần tích cực bảo tồn nhà rông truyền thống -0
Cần tích cực bảo tồn nhà rông truyền thống -0
Đồng bào Ba Na cùng nhau cắt gọt, xây dựng nhà rông tại Kon Tum

Già làng A Ngửi, Làng Kon Jơdri, xã Đăk Rơ Wa, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum chia sẻ: "Khi mình làm, già làng tổ chức họp làng hết, chia tổ cho bà con, từng nhà phải đi kiếm cây, kiếm tre, kiếm le, cỏ tranh để làm, không có những thứ đó không được làm. Bà con phải tập trung hết, người dân tộc Ba Na các lễ hội ăn uống lớn như cắt lúa xong, làm đường xong đều tập trung tại nhà rông".

Giá trị văn hóa gắn liền với nhà rông không chỉ có kiểu kiến trúc độc đáo, nhà rông trên địa bàn còn lưu trữ một số hiện vật có vai trò giống thần bản mệnh của dân làng như hòn đá, con dao, sừng trâu, cồng, chiêng… bà con sử dụng nhà rông làm không gian sinh hoạt chung của cả cộng đồng, là nơi tổ chức lễ hội hay các lễ cúng thường niên và không thường niên.  

Cần tích cực bảo tồn nhà rông truyền thống -0
Nhà rông truyền thống - nơi diễn ra toàn bộ sinh hoạt cộng đồng của thôn làng, là nơi để các nghệ nhân già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống

Trong những năm gần đây, văn hóa lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn liền với nhà rông đang được phục hồi và phát huy tác dụng làm phong phú thêm đời sống tinh thần của Nhân dân như: Lễ hội Ăn trâu, Lễ hội ăn lúa mới, Lễ cúng máng nước... Đây là nơi diễn ra toàn bộ sinh hoạt cộng đồng của thôn làng, là nơi để các nghệ nhân già truyền đạt lại cho thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống như cồng chiêng, múa xoang, nghề truyền thống…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh việc phát huy sức mạnh tổng hợp quốc gia, vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa, bản sắc của mỗi quốc gia, dân tộc đang là vấn đề thời sự. Giữ gìn bản sắc văn hóa và phát huy những giá trị văn hóa trong thời đại ngày nay có một tầm quan trọng đặc biệt và ảnh hưởng sâu sắc tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát huy, khai thác hiệu quả các giá trị văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.

Thu Hường - Anh Minh