Bộ GD-ĐT trao quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam
Ngày 7.6, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã trao Quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Tiến Thanh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời là Tổng giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (gọi tắt là Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam).
Hai từ “giáo dục” không chỉ là tên gọi mà còn phải là một tinh thần, một triết lý
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn chia sẻ, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là đơn vị có bề dày truyền thống gần 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành. Đối với mỗi học sinh, mỗi nhà giáo trong ngành giáo dục đều nhớ và biết đến Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bởi các ấn phẩm của nhà xuất bản đã trở nên hết sức quen thuộc và có vai trò, vị trí rất quan trọng đối với giáo dục Việt Nam.
Bộ trưởng đánh giá, trong quá trình xây dựng và trưởng thành, nhà xuất bản đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giáo dục nước nhà. Nhiều năm gần đây trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cũng tiên phong trong đổi mới và có nhiều đóng góp, đặc biệt trong việc biên soạn, xuất bản sách giáo khoa phục vụ cho triển khai chương trình GDPT 2018. Với những đóng góp trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Bộ GD-ĐT đã có nhiều ghi nhận, đánh giá, biểu dương Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, so với kỳ vọng của ngành giáo dục, của giáo viên và học sinh, kỳ vọng của đất nước thì thời gian vừa qua, nhất là vài năm gần đây cũng có một số việc khiến dư luận xã hội có băn khoăn, trăn trở về sự phát triển và những đóng góp của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.
Bộ trưởng khẳng định, Bộ GD-ĐT, lãnh đạo Bộ đã rất sâu sát với các hoạt động của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Trong năm qua, lãnh đạo Bộ thường xuyên làm việc, nghe báo cáo, trao đổi công việc. Cán bộ, nhân viên của nhà xuất bản với tinh thần nỗ lực rất cao, vượt qua khó khăn, đổi mới chính mình đã hoàn thành được trách nhiệm trước đất nước, xã hội. Sách giáo khoa đã đảm bảo được đúng tiến bộ, đảm bảo được số lượng và chất lượng ngày càng tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn bày tỏ mong muốn Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh cùng cán bộ nhà xuất bản sẽ tiếp tục đưa Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bước vào chặng đường mới với những kỳ vọng mới.
“Tôi nhấn mạnh rằng việc biên soạn sách giáo khoa trong chương trình GDPT 2018 đã đi được một chặng đường rất quan trọng. Năm nay, chúng ta đã biên soạn xong và đang xuất bản những đợt sách cuối cùng của lớp 5, lớp 9, lớp 12. Hy vọng rằng đúng tiến độ đến giữa tháng 8, chúng ta sẽ có sách đến nay tất cả học sinh và đến với trường học”, Bộ trưởng nói. Đồng thời, bày tỏ kỳ vọng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần có những đổi mới để tạo thành đột phá, tiên phong trong chặng đường đổi mới sắp tới của ngành giáo dục.
Bộ trưởng nhấn mạnh, không chỉ xuất bản sách giáo khoa mà đúng với tên của nhà xuất bản là “Giáo dục”, chúng ta cần cung cấp những ấn phẩm trở thành sự yêu thích của độc giả cả nhỏ tuổi và người lớn; ngoài cung cấp sản phẩm sách giáo khoa, tư liệu tham khảo còn bao gồm cả những sách khác như sách phục vụ nghiên cứu, học thuật, khoa học kĩ thuật, văn học nghệ thuật. Từ đó, vừa nâng cao dân trí, vừa phục vụ cho mục tiêu phát triển con người một cách toàn diện, đúng với mục tiêu đổi mới giáo dục và đào tạo.
“Trong tất cả các nhà xuất bản, hai từ “giáo dục” không chỉ là tên gọi mà còn phải là một tinh thần, một triết lý. Chúng ta không phải là một doanh nghiệp lớn có hoạt động kinh doanh sách giáo khoa, mà chúng ta là một nhà xuất bản cần mô hình hoạt đông của doanh nghiệp để hoàn thành trách nhiệm giáo dục. Đó là một tinh thần quan trọng”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nói.
“Tôi cảm nhận được sức nóng của công việc làm sách giáo dục nói chung, sách giáo khoa nói riêng”
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh chia sẻ, những ngày đầu tiên ông nhận nhiệm vụ, “va đập” với thực tế đúng vào thời điểm nước rút khi cả hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, 4 Nhà xuất bản Giáo dục tại các miền, 38 công ty thành viên gồng mình, căng sức, chạy đua với thời gian để in ấn, phát hành, cung ứng và tập huấn sách giáo khoa để kịp thời cho năm học mới. Ông bước đầu cảm nhận được sức nóng, tính áp lực và sự gian khổ của công việc làm sách giáo dục nói chung và sách giáo khoa nói riêng.
Cũng trong những ngày đầu làm việc, ông được nghe những câu chuyện cảm động về công tác biên soạn sách giáo khoa.
Cả tập thể trong hệ thống nhà xuất bản nhiều đêm thức trắng, có lúc không kịp ăn trưa để thực hiện thành công hai bộ sách giáo khoa “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” trong đợt đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo Nghị quyết 88/2014 của Quốc hội, với đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục theo quy định của chương trình và các loại sách, tài liệu giáo dục có chất lượng theo chỉ đạo của Bộ, với giá thành rẻ và chất lượng cao, được học sinh và giáo viên trên cả nước tin tưởng lựa chọn.
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Nguyễn Tiến Thanh cho rằng, công việc có thể mới mẻ, môi trường công tác và những kỹ năng cần thiết trong việc quản trị có thể mới mẻ, nhưng những giá trị cần dựa vào để hoàn thành công việc của mình trong thời gian tới lại là những điều rất cũ: tinh thần đoàn kết, khiêm tốn, học hỏi, sự liêm chính và tận tâm với trách nhiệm được giao…
Ông cũng khẳng định trách nhiệm của mình trong thời gian sắp tới: làm sao để trong thời gian ngắn nhất học hỏi, thích nghi và nắm bắt được công việc mới, để cùng tập thể cán bộ, biên tập viên, người lao động trong hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam bước tiếp hành trình mà những thế hệ đi trước đã khai mở.
Với tư cách là một doanh nghiệp Nhà nước, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cần tổ chức tốt công việc sản xuất - kinh doanh, đảm bảo hiệu quả, tăng trưởng về doanh thu và lợi nhuận, hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước, cải thiện đời sống người lao động.
Việc bảo toàn vốn Nhà nước, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận sẽ là phương tiện, là công cụ để thực hiện mục tiêu mang tính giá trị cốt lõi: hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nghĩa vụ xã hội, đó là cung ứng đủ, kịp thời với giá thành rẻ nhất, chất lượng cao nhất các loại sách Giáo dục nói chung và sách giáo khoa nói riêng.
Ông Nguyễn Tiến Thanh, sinh năm 1968, đã có hơn 20 năm làm công tác quản lý tại cơ quan báo chí.
Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Thanh từng đảm nhiệm các vị trí: phóng viên báo Thanh Niên (4.1991-3.1996); Phó ban biên tập Báo Thanh Niên (3.1996-1.1999); Phó Tổng biên tập Báo Gia đình và xã hội (1.1999-11.2001); Phó Tổng biên tập Báo Đời sống và Pháp luật (11.2001-5.2010); Tổng biên tập Báo Đời sống và Pháp luật (5.2010-4.2020); Tổng biên tập tạp chí Đời sống và Pháp luật (4.2020- đến 6.2024).