Chính sách tài khóa góp phần tích cực hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022

Vy Hương 03/06/2024 08:11

Trong bối cảnh kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do tác động của kinh tế thế giới, ảnh hưởng của dịch Covid-19, chính sách tài khóa năm 2022 đã được điều hành chủ động, tích cực, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày 30.5, Quốc hội đã nghe Chính phủ trình bày Báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, Kiểm toán Nhà nước trình bày Báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 và Ủy ban Tài chính - Ngân sách trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo quyết toán NSNN năm 2022. Dự kiến, ngày 7.6 tới, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về nội dung này. 

Theo báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, năm 2022 Chính phủ, Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN. Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết số 91/2023/QH15 phê chuẩn quyết toán ngân sách năm 2021, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 23.6.2023 về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN và ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành có liên quan.

Thu, chi ngân sách đạt nhiều kết quả tích cực

Nhờ sự chỉ đạo điều hành quyết liệt nói trên, công tác thu, chi NSNN năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực.

Thứ nhất, công tác quản lý thu NSNN được tăng cường (đẩy mạnh thu từ hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, chống  chuyển giá, gian lận thương mại, trốn thuế...), triển khai nhiều chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân (như gia hạn tiền thuê đất, giảm 2% thuế VAT, giảm 50% lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn...). Nhờ vậy, thu ngân sách vượt 406.902 tỷ đồng, (tương đương 28,8%) so với dự toán. Qua đó, bảo đảm nguồn lực, tăng chi đầu tư phát triển; thực hiện các nhiệm vụ cấp bách phát sinh; đồng thời, tiếp tục tích lũy dành nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Thứ hai, chi NSNN được quản lý chặt chẽ, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai; triệt để tiết kiệm, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư. Theo đó, quyết toán chi giảm 104.851 tỷ đồng, tương đương 5,7% so với dự toán.

Thứ ba, do công tác quản lý chi chặt chẽ, bội chi ngân sách bằng 3,07% GDP, giảm khá cao so với dự toán (giảm 148.920 tỷ đồng, tương đương 33,7%) . Đây là nỗ lực lớn của Chính phủ trong điều hành cân đối NSNN.

Thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Thùy Linh
Thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: Thùy Linh

Thứ , công tác quản lý nợ công được thực hiện chủ động, bám sát đúng các quan điểm, mục tiêu, định hướng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn, an ninh tài chính quốc gia. Dư nợ công đến 31.12.2022 là 3.557.668,28 tỷ đồng giảm 1,63% so với năm 2021, bằng 37,26% GDP. Toàn bộ các chỉ tiêu an toàn nợ công năm 2022 nằm trong trần, ngưỡng an toàn được Quốc hội phê duyệt; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng lên.

Thứ năm, về công tác quyết toán NSNN năm 2022, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc chấp hành nghiêm Nghị quyết số 91/2023/QH15. Cụ thể, đã rà soát, thu hồi được khá lớn số tạm ứng quá hạn theo chế độ còn phải thu hồi từ năm 2021 trở về trước. Tăng cường kiểm soát chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, trong đó đã thu hồi được khá lớn số chi hủy dự toán, hết thời gian giải ngân theo quy định của các bộ, cơ quan Trung ương và 19.924 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương năm 2022 và năm 2021 trở về trước. Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của cơ quan KTNN, thanh tra được tăng cường, đẩy mạnh. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương điều chỉnh thông tin, số liệu quyết toán NSNN theo kết luận, kiến nghị của KTNN.

Thứ sáu, công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả hoạt động thu, chi NSNN, quản lý, sử dụng tài sản công.

Tránh lặp lại những hạn chế đã kéo dài nhiều năm

Bên cạnh các kết quả đạt được, báo cáo của Chính phủ cũng như báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, của Ủy ban Tài chính - Ngân sách đã chỉ ra một số hạn chế trong việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2022.

Đó là công tác dự báo, tính toán nhu cầu hỗ trợ của một số chính sách trong quá trình xây dựng chưa lường hết được khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện nên hiệu quả chưa cao. Việc lập, chấp hành dự toán NSNN tại một số bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, bất cập: lập dự toán không sát, giải ngân vốn đầu tư công chậm, chi chuyển nguồn lớn, chưa trích lập đủ nguồn cải cách tiền lương...

Việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật tài chính có nơi, có lúc chưa nghiêm. Tình trạng chậm tổng hợp, gửi báo cáo quyết toán NSNN năm 2022 tồn tại ở nhiều bộ, ngành, địa phương. Năm 2022 có đến 45 bộ, ngành, cơ quan Trung ương và 22 địa phương gửi báo cáo quyết toán NSNN chậm (gửi sau ngày 1.10.2023 hoặc gửi trước ngày 1.10.2023 nhưng chưa tổng hợp đầy đủ thông tin, số liệu báo cáo). Điều này ảnh hưởng lớn đến công tác thẩm định, tổng hợp, kiểm toán, thẩm tra quyết toán NSNN năm 2022. Bên cạnh đó, còn tình trạng HĐND một số địa phương phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương không đúng thời hạn quy định, chưa điều chỉnh đầy đủ số liệu theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại các báo cáo kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.

Các đại biểu Quốc hội nghe báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại hội trường chiều 30.5. Ảnh: Phạm Thắng.
Các đại biểu Quốc hội nghe báo cáo quyết toán ngân sách năm 2022 tại hội trường chiều 30.5. Ảnh: Phạm Thắng.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách và Kiểm toán Nhà nước thống nhất với các đề xuất của Chính phủ với Quốc hội về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022. Đồng thời, hai cơ quan cũng đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương tài chính, tránh lặp đi lặp lại các tồn tại kéo dài nhiều năm. Làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm các cơ quan, đơn vị, cá nhân không chấp hành nghiêm việc lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN năm 2022 và có các giải pháp, chế tài xử lý triệt để các tồn tại, hạn chế này. Tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện nhanh chóng, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN. Đối với các kết luận, kiến nghị kéo dài nhiều năm không có khả năng thực hiện cần báo cáo làm rõ lý do và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Cùng với đó, đề xuất sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước hoặc một số điều của Luật Ngân sách nhà nước và các luật có liên quan để rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán NSNN hằng năm theo yêu cầu tại các Nghị quyết của Quốc hội.

Vy Hương