Chứng chỉ hành nghề: Điều kiện đủ để sinh viên sư phạm làm nghề

Khải Minh 30/05/2024 07:31

Theo TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội), chứng chỉ hành nghề thực sự là điều kiện đủ để sinh viên sư phạm làm nghề; bằng tốt nghiệp đại học sư phạm chỉ là điều kiện cần.

Muốn hành nghề, phải có chứng chỉ

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trong quá trình lắng nghe ý kiến đóng góp, phản biện để xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo. Một trong số những nội dung đáng chú ý dự kiến quy định tại Luật Nhà giáo là chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Theo đó, mỗi nhà giáo sẽ được cấp một hoặc hơn một chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề có giá trị sử dụng trong toàn quốc và quốc gia khác theo chương trình hợp tác quốc tế với Việt Nam.

,Cần thể hiện được kĩ năng nghiệp vụ của nhà giáo
Chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng, phát triển đội ngũ nhà giáo Ảnh: rtholdings.edu.vn

Theo dự thảo Luật Nhà giáo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ quy định mẫu giấy chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo. Các bộ, cơ quan ngang bộ cấp chứng chỉ hành nghề đối với giảng viên các cơ sở giáo dục đại học, trường cao đẳng, trường cao đẳng sư phạm; giáo viên dự bị đại học thuộc thẩm quyền quản lý. Sở Giáo dục và Đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục thường xuyên) và giảng viên các trường cao đẳng sư phạm và các cơ sở giáo dục đại học thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cấp chứng chỉ hành nghề đối với giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (đối với giáo viên dạy chương trình giáo dục nghề nghiệp) và giảng viên các trường cao đẳng thuộc thẩm quyền quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Cơ quan có thẩm quyền cấp thì có thẩm quyền cấp lại, thu hồi chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo.

GS.TS. Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ủng hộ việc nhà giáo cần có chứng chỉ hành nghề và cho rằng, bất kỳ nghề nào, cứ hành nghề thì cần có chứng chỉ. Giáo viên bất luận dạy trường công hay trường tư, dạy trung tâm… đều cần có chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, hiện nay, việc đào tạo giáo viên đã có các trường sư phạm tổ chức thực hiện. Do đó, để cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo ngay sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm thì trước tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo cần kiểm tra lại chương trình đào tạo của các trường sư phạm được Bộ cấp phép. “Từ trước đến nay việc cấp chứng chỉ vốn chỉ cho những người không học ở các trường sư phạm nhưng muốn làm nghề dạy học. Nếu triển khai cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo một cách đồng loạt thì việc kiểm tra lại các chương trình đào tạo là cần thiết”.

GS.TS. Đinh Quang Báo cũng chỉ ra thực tế hiện nay, sau khi tốt nghiệp sư phạm, sinh viên được hành nghề ngay nhưng vẫn phải qua 1 năm tập sự. Nếu cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo, sinh viên tốt nghiệp có cần tập sự nữa không? Trong trường hợp vẫn duy trì tập sự, thì sau 1 năm, đội ngũ này phải thực hiện một kỳ thi kiểm tra chất lượng tương đương như việc cấp chứng chỉ.

Sinh viên học sư phạm được đánh giá là kém khâu thực hành. Vì vậy, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo cần tập trung vào kỹ năng nghiệp vụ. “Nếu học xong 4 năm đại học lại thi tiếp một bài lý thuyết để lấy chứng chỉ thì cũng không đánh giá được hết chất lượng của người làm nghề”, GS.TS. Đinh Quang Báo nói.

Dưới góc độ nhà tuyển dụng, TS. Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch Hội đồng Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) nhận xét, sinh viên tốt nghiệp các trường sư phạm đều còn yếu về mặt nghiệp vụ, nhà trường thường phải dành thời gian đào tạo thêm 1 năm. “Sau thời gian đào tạo tại trường, từ năm thứ hai, cũng chỉ 70% người mới làm được việc. Một giáo viên có thể làm thầy của 30.000 người nếu dạy trong 30 năm. Nếu như người thầy đó không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ, thì sẽ làm hại cả một thế hệ”.

Mục tiêu để phát triển nhà giáo

Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ việc cấp chứng chỉ hành nghề cho nhà giáo thì quy định này cũng khiến nhiều người băn khoăn, liệu có phát sinh thêm “giấy phép con” không cần thiết? Theo TS. Nguyễn Văn Hòa, đây không phải "giấy phép con”, mà thực sự là điều kiện đủ để sinh viên sư phạm làm nghề; bằng tốt nghiệp đại học sư phạm chỉ là điều kiện cần. “Để đứng trên bục giảng dứt khoát phải có một chứng chỉ”.

Ông Hòa cũng cho rằng, thời hạn cấp chứng chỉ hành nghề 5 năm là hợp lý. Kiến thức xã hội thay đổi, khoa học phát triển, người thầy không thể học 4 năm sư phạm thì có thể dạy cả đời. "Người thầy tự học cũng được, qua lớp đào tạo cũng được, nhưng phải kiểm tra để cấp lại chứng chỉ. Có như thế mới phát triển được đội ngũ, mới thay đổi được chất lượng giáo dục... Các trường đào tạo sư phạm cũng phải phấn đấu nâng cao chất lượng đào tạo, nếu nhiều sinh viên tốt nghiệp của trường không đạt chứng chỉ hành nghề thì bản thân các trường sư phạm sẽ mất uy tín”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, chứng chỉ hành nghề không phải là tăng cường quản lý nhà giáo, tăng thêm sức ép về văn bằng, chứng chỉ đối với nhà giáo, mà là để phát triển nhà giáo. Tùy theo nhu cầu và năng lực, mỗi nhà giáo có thể có một hay nhiều chứng chỉ. Khi có chứng chỉ hành nghề và đầy đủ điều kiện, thì nhà giáo có thể dạy ở cấp học mầm non, tiểu học hoặc cấp học cao hơn. 

Khải Minh