Tăng chi đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2%/năm

NHÃ NAM 28/05/2024 15:33

Giám sát việc triển khai, thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg ngày 12.11.2021 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Bình Phước kiến nghị UBND tỉnh ưu tiên tăng chi đầu tư cho văn hóa để đáp ứng nhu cầu hoạt động thực tế, phấn đấu mức chi tối thiểu đạt 2%/năm so với tổng chi ngân sách hàng năm của địa phương.

73/86 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới

Qua giám sát cho thấy, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đã góp phần nâng cao vai trò, vị thế của văn hóa trong đời sống xã hội, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần của người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hiện nay, tỉnh đã đạt 3/8 mục tiêu cụ thể tại Quyết định số 1909/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn. Việc xây dựng môi trường, đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú được thực hiện thông qua phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Cuộc vận động “Người Bình Phước nói lời hay, làm việc tốt”. Tỷ lệ xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; gia đình văn hóa; khu phố, thôn, ấp văn hóa; cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đều ở mức cao. Trong đó, tính đến nay, đã có 73/86 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới.

Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh giám sát tại UBND thị xã Chơn Thành. Ảnh: Nguyễn Mai
Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh giám sát tại UBND thị xã Chơn Thành. Ảnh: Nguyễn Mai

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, lễ hội được tổ chức trang trọng, an toàn, lành mạnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc. Nhiều địa phương đã tích cực xây dựng, phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, xây dựng các câu lạc bộ, đội nhóm văn nghệ, thể thao nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân. Công tác bảo vệ, phát huy di sản văn hóa được quan tâm thực hiện, quản lý nhà nước về văn hóa được tăng cường; đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao từng bước trưởng thành. Hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật phát triển tích cực; hoạt động giao lưu, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa địa phương với nước ngoài được quan tâm...

Tăng chi đầu tư cho văn hóa đáp ứng nhu cầu hoạt động thực tế

Bên cạnh kết quả đạt được, Đoàn giám sát còn chỉ ra, một số hoạt động trong lĩnh vực văn hóa chưa đáp ứng so với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chưa đủ sức tác động mạnh mẽ đến việc xây dựng con người, môi trường văn hóa lành mạnh. Việc chăm lo phát triển văn hóa cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và công nhân ở các khu công nghiệp còn gặp khó khăn. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển chưa đồng đều, nhiều nơi vẫn còn mang tính hình thức, chạy theo thành tích. Cơ sở vật chất phục vụ sự nghiệp phát triển văn hóa còn hạn chế; một số di tích đang xuống cấp. Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở chưa hoàn thiện, có nơi đang xuống cấp, hiệu quả sử dụng chưa cao. Kinh phí chi cho văn hóa chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; chưa có sự đầu tư tương xứng giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; chưa có công trình văn hóa, khu vui chơi giải trí có quy mô lớn...

Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh giám sát tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Thanh Mai
Ban văn hóa - xã hội HĐND tỉnh giám sát tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Thanh Mai

Đến nay, tỉnh Bình Phước đã có 21/86 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 25/25 phường, thị trấn đăng ký, tổ chức xây dựng các tiêu chí phường, thị trấn đạt chuẩn đô thị; có 231.080/240.758 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt 95,98%); 824/843 khu dân cư được công nhận khu phố, thôn, ấp văn hóa (đạt 97,74%), 1.169/1.188 tổ chức được công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (đạt 98,4%).

Đoàn giám sát đề nghị trong thời gian tới cần tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm, tham mưu và thực hiện tốt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 tại địa phương. Đề nghị Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nâng cao hơn nữa tinh thần, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về văn hóa, rà soát các văn bản liên quan, tránh bỏ sót, khẩn trương tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 làm cơ sở để các địa phương ban hành kế hoạch thực hiện.

Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn rà soát, hệ thống hóa các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tỉnh ủy để trình UBND tỉnh văn bản triển khai, thực hiện Quyết định số 1909/QĐ-TTg hiệu quả, thống nhất, phù hợp với điều kiện thực tế. Ưu tiên tăng chi đầu tư cho văn hóa để đáp ứng nhu cầu hoạt động thực tế và phấn đấu mức chi tối thiểu đạt 2%/năm so với tổng chi ngân sách hàng năm của địa phương. Tiếp tục quan tâm quy hoạch, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để xây dựng 2 thiết chế văn hóa cấp tỉnh là Thư viện tỉnh và Bảo tàng tỉnh.

NHÃ NAM