Thủ tướng Phạm Minh Chính chúc mừng Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568
* Điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte Nhân Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024, sáng 22.5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tới chúc mừng Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và dự Đại lễ Phật đản với chức sắc, tăng ni, phật tử tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng gửi tới chư tôn giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tăng ni, đồng bào phật tử trong và ngoài nước, cùng toàn thể quý vị đại biểu lời chúc mừng tốt đẹp nhất; chúc Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568 - Dương lịch 2024 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành tựu viên mãn.
Thủ tướng trân trọng chuyển lời chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến đồng bào Phật giáo cả nước nhân Đại lễ Phật đản, đồng thời nhắc lại lời của Tổng Bí thư về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo: "Việt Nam là đất nước đa dân tộc, đa tôn giáo, với 54 dân tộc anh em, nhiều tôn giáo cùng sinh hoạt tại các cộng đồng... Hiến pháp, pháp luật Việt Nam quy định tất cả mọi người dân đều có quyền theo hoặc không theo tôn giáo. Ở Việt Nam không có xung đột tôn giáo, xung đột dân tộc, tất cả chung sống hòa thuận..." vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển.

Với tinh thần đó, cùng với các tôn giáo khác trong cả nước, Thủ tướng đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam thực hiện phương châm “1 đẩy mạnh - 2 tiên phong - 3 trọng tâm”. Trong đó, đẩy mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tinh thần đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế, đoàn kết các tôn giáo, đoàn kết trong nhân dân; tiên phong vận động đồng bào cả nước hiến tạng, hiến máu cứu người với tinh thần “Cho đi là còn mãi“, đẩy mạnh các hoạt động nhân đạo, từ thiện trong cả nước; tiên phong chống mê tín, dị đoan, bảo đảm hoạt động tôn giáo vui tươi, lành mạnh với tinh thần "Đạo và đời - đời và đạo", kiên quyết không để các hành vi lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng để chống lại Nhà nước, dân tộc, nhân dân, hoặc trục lợi, vì động cơ cá nhân, vi phạm quy định cả về Phật pháp và pháp luật.
Cùng với đó, thực hiện “3 trọng tâm”: góp phần giáo dục lòng yêu nước, thương dân trong phật tử và trong toàn xã hội với tinh thần "Hộ quốc an dân"; sống tốt đời đẹp đạo, phát huy hiệu quả hơn nữa tư tưởng “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”; góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau với tinh thần "Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng", "Thương người như thể thương thân", “Lá lành đùm lá rách”, “Lá rách đùm lá rách hơn", nhất là trong khó khăn, hỏa hoạn, thiên tai, bão lũ...
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán nguyên tắc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, các hoạt động tinh thần lành mạnh, chính đáng, hợp pháp của tín đồ các tôn giáo, thể hiện đầy đủ bản chất tốt đẹp của chế độ ta, của nền dân chủ XHCN, của Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân.
Thủ tướng mong muốn và tin tưởng, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đạt được nhiều thành công trong công tác Phật sự; hoạt động và phát triển theo định hướng “Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển” mà Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX đã đề ra, hướng dẫn tăng ni, tín đồ phật tử Phật giáo Việt Nam tiếp tục thực hiện phương châm hoạt động “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, đóng góp nhiều hơn nữa cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...
+ Chiều cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte. Đây là lần thứ 3 trong vòng 6 tháng qua hai Thủ tướng có các cuộc gặp, hội đàm, trao đổi với nhau.
Trong không khí hữu nghị, tin cậy và cởi mở, hai Thủ tướng bày tỏ vui mừng và đánh giá cao những tiến triển tích cực của mối quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Hà Lan trong thời gian qua với tin cậy chính trị tiếp tục được củng cố và tăng cường, gắn kết kinh tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả, các cơ chế hợp tác được triển khai với nhiều kết quả cụ thể và thực chất.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ Đối tác toàn diện với Hà Lan - “Người bạn châu Âu của Việt Nam”; đánh giá cao ý nghĩa và kết quả chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte vào tháng 11.2023 đã để lại nhiều kỷ niệm sâu đậm với đất nước và nhân dân Việt Nam, đồng thời góp phần làm sâu sắc nội hàm quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Hà Lan và hai khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước và Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực, cũng như mở ra những cơ hội hợp tác mới trong các lĩnh vực tiềm năng, nhất là công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, khai thác khoáng sản quan trọng... Thủ tướng đánh giá cao các bộ, ngành hai nước đã chủ động, tích cực triển khai hiệu quả các cam kết, thỏa thuận hợp tác sẵn có và mang lại nhiều tiến triển tích cực, thực chất cho hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan.
Thủ tướng Hà Lan bày tỏ ấn tượng với chuyến thăm chính thức Việt Nam tháng 11.2023 với những kết quả "vượt quá mong đợi", chia sẻ cảm nhận được tình cảm hữu nghị, nồng ấm của nhân dân Việt Nam và cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Chính phủ Việt Nam và cá nhân Thủ tướng Phạm Minh Chính; nhất trí với những đánh giá tích cực của Thủ tướng về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa Việt Nam và Hà Lan đang ngày càng được mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác; bày tỏ tự hào về những thành quả đạt được trong quan hệ hai nước và nhấn mạnh hai nước có thể chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau trong nhiều lĩnh vực hợp tác.
Thủ tướng Mark Rutte nhất trí hai bên tăng cường trao đổi đoàn các cấp trên các kênh Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội nhằm gia tăng tình hữu nghị và tin cậy chính trị; tiếp tục phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế để đóng góp cho các vấn đề hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Hai bên nhất trí phối hợp chặt chẽ thúc đẩy chuyến thăm cấp Nhà nước Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Hà Lan trong thời gian tới; tổ chức các hoạt động kỷ niệm 5 năm triển khai khuôn khổ Đối tác toàn diện (2019 - 2024), 10 năm triển khai khuôn khổ Đối tác chiến lược về nông nghiệp bền vững và an ninh lương thực (2014 - 2024) trong năm 2024 và 15 năm triển khai khuôn khổ Đối tác chiến lược về thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước trong năm 2025 (2010 - 2025); tiếp tục tận dụng các cơ hội của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), phấn đấu đưa kim ngạch thương mại song phương đạt 15 tỷ USD trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Hà Lan sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA); thúc đẩy Ủy ban châu Âu (EC) sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” IUU; hỗ trợ Việt Nam triển khai Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và phát triển các đô thị ứng phó với biến đổi khí hậu vùng duyên hải miền Trung; đề nghị hai nước làm sâu sắc hợp tác quốc phòng - an ninh hai nước, đặc biệt trong lĩnh vực đóng tàu, đào tạo gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, chống khủng bố, tội phạm có tổ chức...
Thủ tướng Mark Rutte nhấn mạnh luôn quan tâm đến việc phát triển khu vực đồng bằng sông Cửu Long kể từ chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam năm 2014; khẳng định tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực như công nghệ cao, sản xuất vi mạch điện tử, thiết bị bán dẫn, cảng biển, công nghệ đóng tàu, kết nối về logistics, hạ tầng chiến lược; nhất trí tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Hà Lan hội nhập thành công, trở thành cầu nối cho tình hữu nghị giữa hai nước.
Tại điện đàm, hai bên cũng đã trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Về vấn đề biển Đông, hai Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.