Bảo đảm an sinh xã hội cho người yếu thế

Hoàng Yến 11/05/2024 08:07

Mới đây, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị "Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình tặng sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), mang Tết ấm đến với người có hoàn cảnh khó khăn giai đoạn 2020 - 2023".

Lan tỏa tính nhân văn của chính sách

Chương trình Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT và mang Tết ấm đến với người có hoàn cảnh khó khăn được BHXH Việt Nam tổ chức trong bối cảnh phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không ai bị bỏ lại phía sau" của Thủ tướng Chính phủ phát động từng bước phát triển sâu rộng trong cộng đồng xã hội.

Tuy nhiên, thay vì kêu gọi quyên góp tiền về tài khoản tập trung, ngành BHXH đã kêu gọi các nhà tài trợ sử dụng mua sổ BHXH, thẻ BHYT, quà để trao trực tiếp tới tận tay người có hoàn cảnh khó khăn. Toàn bộ quá trình có sự tham gia của cấp uỷ, chính quyền các cấp, tạo ra sự công khai, minh bạch, công bằng, nhận được sự tin tưởng của các nhà tài trợ và người dân.

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, chương trình luôn đổi mới và tăng trưởng qua từng năm, tạo được hiệu ứng tích cực, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tham gia. Nhiều người được tặng sổ BHXH, thẻ BHYT tiếp tục tự tham gia, góp phần phát triển BHXH, BHYT bền vững. Đặc biệt, Chương trình đã tạo nên những dấu ấn quan trọng trong cộng đồng xã hội, được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp quan tâm hưởng ứng, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của ngành BHXH Việt Nam. 

 Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì hội nghị. Ảnh: BH
 Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam Trần Đình Liệu chủ trì hội nghị. Ảnh: BH

Mục tiêu Chương trình đã đạt được, trước hết là sự đồng thuận, hưởng ứng từ chính công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành. Thông qua việc tặng sổ BHXH, thẻ BHYT, Chương trình tiếp tục lan tỏa những giá trị nhân văn của chính sách BHXH, BHYT đến cộng đồng, góp phần thay đổi nhận thức của người dân, các cấp chính quyền về các chính sách này.

Để Chương trình được thực hiện tập trung, thống nhất trong toàn hệ thống, hàng năm, BHXH Việt Nam đã ban hành các kế hoạch tổ chức, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện Chương trình; phối hợp với Công đoàn cơ quan BHXH Việt Nam phát động, cổ vũ, động viên đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động tham gia, hưởng ứng.

Trên cơ sở kế hoạch hàng năm của BHXH Việt Nam, BHXH các tỉnh, thành phố đã chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế tại địa phương. Theo đó, một số tỉnh tham mưu với Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh có văn bản mời các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tham gia Chương trình; BHXH các tỉnh phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức hội, đoàn thể chính trị xã hội trên địa bàn kêu gọi các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm tham gia tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn.

Huy động sự quan tâm, vào cuộc của toàn xã hội

Thông qua Chương trình "Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT, mang Tết ấm đến với người có hoàn cảnh khó khăn", nhiều doanh nghiệp, tổ chức hội, đoàn thể đã chọn sổ BHXH, thẻ BHYT làm quà tặng cho thân nhân người lao động, thân nhân hội viên có hoàn cảnh khó khăn thuộc doanh nghiệp, tổ chức mình. Nhiều tổ chức giáo hội lựa chọn tặng thẻ BHYT cho tăng ni, phật tử, giáo dân thuộc giáo hội; cá nhân lựa chọn tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người thân.

Theo kết quả khảo sát bước đầu của BHXH Việt Nam trên cơ sở dữ liệu quản lý tập trung; với thẻ BHYT được tặng, nhiều người có hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nhiều người mắc bệnh nan y, chi phí điều trị cao đã có cơ hội được điều trị kịp thời… Có thể thấy, sổ BHXH, thẻ BHYT đã thực sự trở thành món quà an sinh ý nghĩa được trao tặng đến những người có hoàn cảnh khó khăn - những người chưa có đủ điều kiện kinh tế tự tham gia BHXH, BHYT để được hưởng chính sách an sinh xã hội ưu việt của Đảng và Nhà nước.

Tại hội nghị, lãnh đạo các Vụ, Ban thuộc BHXH Việt Nam, BHXH một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm triển khai Chương trình tại địa phương mình. Đơn cử như tại Hưng Yên, cơ quan BHXH trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, vận động sự hỗ trợ cho chính thân nhân người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp; Hòa Bình huy động nguồn lực thông qua phối hợp hỗ trợ kênh tiêu thụ nông sản cho nông dân; Thái Nguyên vận động sự vào cuộc trực tiếp của chính quyền địa phương…

Thời gian tới, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị, Trung tâm Chăm sóc khách hàng với vai trò là đơn vị đầu mối hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả định kỳ hàng năm của Chương trình trong phạm vi cả nước; trực tiếp tham mưu triển khai Chương trình ở cơ quan BHXH Việt Nam từ nguồn kinh phí hoạt động tình nghĩa của ngành. Bên cạnh đó, không ngừng đổi mới hình thức huy động nguồn hỗ trợ, tạo sự chủ động về kinh phí thực hiện Chương trình cũng như tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sử dụng nguồn quỹ từ thiện xã hội cùng tham gia.

Bên cạnh đó, BHXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu với Ban Chỉ đạo Thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh đề xuất phương án đổi mới Chương trình, nhằm huy động mạnh mẽ sự tham gia của công chức, viên chức, người lao động và tất cả những tập thể, cá nhân có quan tâm, với mong muốn đóng góp cho sự phát triển của an sinh xã hội cộng đồng; tạo nguồn quỹ chủ động để thực hiện các hoạt động an sinh xã hội cho người có hoàn cảnh khó khăn, người yếu thế.

Hoàng Yến