Hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống giao thông

Xuân Tùng 08/05/2024 10:15

Chia sẻ tại Tại tọa đàm “Phát triển giao thông bền vững tại Việt Nam trong bối cảnh mới”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Việt Trường cho rằng, muốn có an toàn giao thông, cần “an toàn” trên 4 khía cạnh: thể chế, kết cấu hạ tầng, phương tiện và con người.

An toàn giao thông cần đồng bộ 4 khía cạnh

Nêu ý kiến về Dự thảo Luật Đường bộ, theo ông Lê Việt Trường, cần làm rõ thế nào là đồng bộ, thế nào là hiện đại trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng đường bộ, để phù hợp với phương châm “giao thông phải đi trước một bước”. Do vậy, cần bổ sung khái niệm kết cấu hạ tầng đường bộ đồng bộ, hiện đại theo nghĩa rộng bao gồm phát triển kết cấu hạ tầng đường bộ đồng bộ, hiện đại, các loại hình giao thông - tức là trong nội bộ ngành giao thông và đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông với kết cấu hạ tầng các lĩnh vực khác như năng lượng, viễn thông,...

Cùng với đó, cần đẩy mạnh phát triển giao thông thông minh. Chúng ta đã áp dụng và ngay lập tức có hiệu quả như thu phí không dừng, rồi các hệ thống tín hiệu đèn đã tốt hơn, lưu thông nhanh hơn, đỡ phát thải hơn.

Hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống giao thông -0
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Việt Trường chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Góp phần cho giao thông xanh, ông Lê Việt Trường cho rằng, trong kết cấu hạ tầng đường bộ của chúng ta đối với các đô thị loại đặc biệt, loại một, loại hai, để lại bao nhiêu phần trăm diện tích làm giao thông thì phải giải thích rõ: Diện tích đó có bao gồm lòng đất để thực hiện nếu phát triển tàu điện ngầm không? Có bao gồm cả khoảng không trên không để phát triển đường sắt trên cao không? Điều này phải rõ ràng, nếu không sau này sẽ dẫn đến tranh cãi không cần thiết.

Thêm nữa, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ tới đây liệu có thực hiện được việc kiểm soát, đăng kiểm phát thải khí của xe gắn máy và xe mô tô hai bánh hay không?

Bên cạnh đó, ông Lê Việt Trường nhận định, chúng ta đang thiếu một quy định dành cho những thành phố lớn như Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh về quỹ đất dành lại cho phát triển hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ. Hiện nay, chúng ta quy định 2 thành phố này có khoảng 7 - 10 %. Nếu không có quy định chuyển tiếp cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh để xử lý vấn đề này thì rõ ràng khi Luật ra, chính quyền 2 thành phố này sẽ vi phạm luật. Cần trao thẩm quyền cho các thành phố để tổ chức giao thông. Hiện nay, trong Luật đã quy định, chính quyền địa phương có trách nhiệm tổ chức giao thông đường bộ trên địa bàn mình quản lý. 

Theo Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Việt Trường, Luật Giao thông đường bộ đầu tiên được biên soạn vào năm 2001, đến nay, qua hơn 20 năm, bức tranh chung về giao thông, trong đó có giao thông đường bộ Việt Nam đã có rất nhiều thành tựu. Tuy nhiên, giao thông đường bộ ở Việt Nam vẫn đang là một điểm nghẽn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong giai đoạn mới. Do vậy, ông Lê Việt Trường cho rằng, muốn có an toàn giao thông, cần “an toàn” trên 4 khía cạnh: An toàn từ thể chế; An toàn về kết cấu hạ tầng; An toàn phương tiện; An toàn về con người.

Hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống giao thông -0
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Việt Trường chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh khẳng định, người điều khiển phương tiện giao thông cũng cần phải an toàn - phải đáp ứng các điều kiện, quy định của pháp luật thì mới được tham gia giao thông.

“Vấn đề lớn bây giờ về an toàn giao thông cho Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn là vỉa hè và lòng đường. Hiện trạng đang thiếu an toàn, rất khó khăn cho người già, người khuyết tật, trẻ em khi tham gia giao thông!”, ông Lê Việt Trường chia sẻ thêm.

Quan tâm hơn cho vùng sâu, vùng xa và các vùng nông thôn

Cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ông Lê Việt Trường cho biết, dự thảo Luật có đặt vấn đề là có cả tín hiệu âm thanh để bảo đảm hoạt động của người tham gia giao thông. Nhưng liệu bây giờ có đảm bảo đủ ngân sách để thực hiện bắt đầu từ Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, ở tất cả các ngã tư đường, nhất là các ngã tư nơi tập trung mật độ giao thông cao đều có tín hiệu âm thanh, bảng chữ nổi dành cho người khiếm thị hay không? Bên cạnh đó, các cầu vượt hiện nay để sang đường cho người đi bộ, như khảo sát thì mỗi bậc cao trung bình khoảng 15 - 18cm. Vậy liệu người cao tuổi có lên được không?

“Tất cả những điểm đó, tôi cho rằng trong Luật lần này, các nhà làm luật phải tính đến” ông Lê Việt Trường nhấn mạnh.

Hướng tới mục tiêu phát triển hệ thống giao thông -0
Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Việt Trường chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Duy Thông

Bên cạnh đó, đối với đường cao tốc, có thể thấy lợi ích mang lại rất lớn, nhưng cũng bộc lộ rất nhiều nhược điểm như không đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn mà vẫn cho hoạt động với tư cách đường cao tốc. Ví dụ, đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai hay đoạn La Sơn - Túy Loan vừa rồi xảy ra những trận tai nạn kinh hoàng. Đường cao tốc không đủ điều kiện nhưng mà vẫn cho hoạt động, rõ ràng tai nạn là không thể tránh khỏi.

Ông Lê Việt Trường kiến nghị, bổ sung trong phần Luật đường bộ, đưa “nghiêm cấm việc đưa đường cao tốc không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vào sử dụng” vào điều quy định các hành vi bị nghiêm cấm. Đồng thời, quy định thẩm quyền cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công an tạm đình chỉ việc khai thác đường cao tốc không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn khi nhận được phản ánh của nhân dân và kiến nghị của cảnh sát giao thông, sau khi đã có kết luận của thanh tra giao thông.

Theo đó, khi nhận được phản ánh của người dân và cảnh sát giao thông, chúng ta đưa thanh tra giao thông đi kiểm tra, đánh giá đúng vấn đề; Bộ Giao thông vận tải hoặc Bộ Công an sẽ có thẩm quyền tạm đình chỉ, không cho hoạt động nữa. “Tôi rất mong muốn chúng ta phải giải quyết sớm vấn đề này”, ông Lê Việt Trường nói.

Bên cạnh đó, khi trẻ em đi ngang qua đường, trong trường hợp không có người nhà dẫn dắt hay người lớn nào dẫn dắt thì làm thế nào? Ông Trường đề nghị cần sửa trong Luật Trật tự an toàn giao thông một quy định. Theo đó, nguyên tắc đầu tiên của các nguyên tắc là tất cả người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải nhường đường cho người đi bộ ở nơi có vạch kẻ dành cho người đi bộ. Cần phải thực thi và có chế tài nặng trong những trường hợp như thế.

Đồng thời, ông Trường cho rằng cần phải quan tâm hơn cho vùng sâu, vùng xa và các vùng nông thôn. Chủ trương sáp nhập các xã không đủ tiêu chuẩn về dân số, diện tích là rất đúng, giúp giảm bộ máy để có thể cải cách hành chính. Nhưng một vấn đề mà có lẽ chúng ta chưa tính đến là khi 4 xã nhập 1, cơ sở giáo dục sẽ dồn vào một chỗ, tập trung giao thông, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

“Mong các Đại biểu Quốc hội nghiên cứu, đưa vào Luật quy định về vấn đề này, để chúng ta có thể tự “sửa sai” giữa việc sáp nhập các đơn vị hành chính ở cấp cơ sở với lại bảo đảm trật tự an toàn giao thông”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh Lê Việt Trường nhấn mạnh.

Xuân Tùng