Thể thao cho mọi người

Anh Quân/TTXVN 27/03/2024 09:39

Bên cạnh mục tiêu tăng cường sức khỏe, tạo nguồn lực nhân lực có chất lượng cho xã hội, thể thao quần chúng còn là sợi dây gắn kết, thu hút mọi tầng lớp nhân dân, hướng đến mục tiêu "dân cường, quốc thịnh".

Nền móng của thể thao chuyên nghiệp

Tại các cơ sở, địa phương, phong trào tập luyện thể dục, thể thao quần chúng diễn ra sôi nổi, với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, không cần đầu tư nhiều về sân bãi, trang thiết bị như: chạy, đi bộ, thể dục dưỡng sinh, cầu lông, cờ tướng, võ thuật, bóng đá mini, đá cầu, bóng chuyền hơi…

Theo thông tin từ Cục Thể dục thể thao, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên cả nước ước đạt 36,7%. Số gia đình tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 27,7% tổng số hộ dân.

Thể thao quần chúng thúc đẩy phát triển xã hội -0
Số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên trên cả nước hiện ước đạt 36,7%

Bên cạnh đó, công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong trường học được quan tâm, chú trọng. Nội dung, phương pháp giáo dục thể chất được đổi mới; tăng số môn tập luyện tự chọn trong nhà trường, kết hợp chặt chẽ với tập luyện ngoài nhà trường.

Đến nay, toàn bộ các trường từ cấp tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đều tiến hành giảng dạy thể dục với thời lượng 2 tiết/tuần theo khung chương trình; 100% các trường thành lập câu lạc bộ thể thao phù hợp với thực tế như: võ, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, cờ vua... để huy động tối đa học sinh có năng khiếu với từng môn tham gia.

Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở được cải tạo, nâng cấp, đầu tư xây dựng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia tập luyện, thi đấu thể thao.

Cả nước hiện có 12 câu lạc bộ thể thao người khuyết tật ở cơ sở với trên 2,6 triệu người tham gia tập luyện hàng năm. 35 tỉnh, thành phố có phong trào thể thao người khuyết tật với nhiều môn thể thao phù hợp. Các môn thể thao cho người khuyết tật được ưa chuộng, phát triển gồm: điền kinh, bơi, cử tạ, bóng bàn, cầu lông, cờ vua…

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Hà Việt khẳng định, ngành thể dục, thể thao luôn coi trọng việc xây dựng nền móng, từ thể thao quần chúng đến thể thao trường học nhằm phát hiện, lựa chọn được những tài năng, làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp.

Thể thao Việt Nam tiếp tục đặt ra nhiều mục tiêu, nhiệm vụ mới; trong đó, lĩnh vực thể dục thể thao quần chúng phấn đấu số người luyện tập thể dục thể thao thường xuyên đạt 37,5%, số gia đình tập luyện thể dục thể thao đạt 28,5% trên tổng số hộ dân.

Xây dựng con người Việt Nam toàn diện

Tại Kết luận số 70-KL/TW về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới ban hành ngày 31.1.2024, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, thể dục thể thao quần chúng được coi là lĩnh vực then chốt góp phần nâng cao sức khỏe, xây dựng con người Việt Nam phát triển hài hòa, toàn diện.

Kết luận nêu rõ phương hướng phát triển toàn diện cho ngành thể dục, thể thao từ việc phát triển thể thao cho mọi người. Đáng chú ý là khuyến khích phát triển thể dục, thể thao quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí; tăng cường phổ biến kiến thức, hướng dẫn phong trào thể dục, thể thao quần chúng; xây dựng công trình thể thao công cộng ở khu dân cư...

Thể thao quần chúng thúc đẩy phát triển xã hội -0
Các giải thể thao phong trào tạo cơ hội cho mọi người tham gia tập luyện, biểu diễn, thi đấu để nâng cao sức khỏe. Ảnh: Q.Khánh

Đồng thời, đổi mới giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, tạo nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ; nâng cao chất lượng giáo dục thể chất, phát triển các loại hình hoạt động, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên được tham gia hoạt động thể dục, thể thao, phát triển thể chất... đổi mới giáo dục thể chất và thể thao trường học gắn với mục tiêu giáo dục, phát triển toàn diện về đạo đức, tri thức, văn hóa, sức khỏe, thẩm mỹ và kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên, tạo nền tảng để phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu và tài năng trẻ.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030.

Đồng thời, xây dựng hệ thống chỉ số rèn luyện, đánh giá thể lực con người Việt Nam; khuyến khích phát triển thể dục, thể thao quần chúng, tạo cơ hội cho mọi người được quyền tham gia hoạt động tập luyện, biểu diễn, thi đấu thể dục, thể thao để nâng cao sức khỏe, phòng bệnh, chữa bệnh, vui chơi, giải trí; tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao; quan tâm phát triển thể thao dân tộc, thể thao giải trí...

Cục trưởng Cục Thể dục thể thao Đặng Việt Hà khẳng định, với quan điểm "luôn coi trọng việc xây dựng nền móng, từ thể thao quần chúng đến thể thao trường học để lựa chọn được những tài năng thể thao làm nền tảng phát triển thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp", toàn ngành sẽ tập trung đổi mới nội dung, cách thức tổ chức Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, lồng ghép với thực hiện với phong trào, cuộc vận động lớn, chương trình mục tiêu quốc gia tạo thành phong trào rèn luyện thân thể sôi nổi, rộng khắp trong Nhân dân…

Anh Quân/TTXVN