Hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, những năm qua, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống người dân, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đó, đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung hỗ trợ sâu rộng tới các đơn vị, tổ chức, cá nhân, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng với các địa phương tập trung rà soát quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với lợi thế từng vùng, từng địa phương và nhu cầu thị trường tiêu thụ.
Mặt khác, huy động mọi nguồn lực nâng cao chất lượng các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương, đường giao thông để phục vụ sản xuất; khuyến khích các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nhất là đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu thị trường...

Thực tế, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh ngày càng hình thành nhiều các vùng sản xuất chuyên canh, vùng sản xuất lúa hàng hóa, rau màu, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tập trung, có giá trị kinh tế cao. Toàn tỉnh có hơn 2.500 vùng sản xuất lúa, rau màu, cây ăn quả tập trung, trong đó có 50 cơ sở sản xuất trồng trọt được cấp giấy chứng nhận VietGAP, 59 cơ sở sản xuất rau, hoa trong nhà màng, nhà kính với tổng diện tích 39,6 ha, hơn 400 trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và thủy sản. Trong đó, có 80 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng ứng dụng công nghệ cao, 11 cơ sở nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP.
Nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao, điển hình là mô hình sản xuất lá tía tô xuất khẩu của Công ty CP Tập đoàn Hồ Gươm tại xã Lâm Thao (huyện Lương Tài). Cuối năm 2016, Công ty đầu tư xây dựng Trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trồng tía tô xuất khẩu với diện tích 11,3ha, tổng vốn đầu tư khoảng 150 tỷ đồng, trong đó 8,3ha nhà kính trồng tía tô, hơn 3ha xây dựng các công trình phụ trợ…
Đến năm 2021, Công ty triển khai dự án trồng nấm công nghệ cao trên diện tích 1,5 ha bao gồm xưởng làm phôi và hệ thống nhà lạnh hơn 2.000 m2. Các sản phẩm của Công ty sản xuất theo quy trình VietGAP, lá tía tô xuất khẩu sang Nhật Bản, nấm cung cấp cho các siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài tỉnh. Doanh thu từ sản xuất nông nghiệp của Công ty đạt hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Thực hiện Chương trình mỗi xã, phường, thị trấn một sản phẩm (Chương trình OCOP), đến nay, toàn tỉnh có 93 sản phẩm OCOP cấp tỉnh (59 sản phẩm đạt 4 sao và 34 sản phẩm đạt 3 sao) của 38 chủ thể. Tiêu biểu là HTX sản xuất rau củ quả nông sản an toàn thôn Liên Ấp, xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du), đến nay, có 4 sản phẩm đạt 3 sao OCOP cấp tỉnh.
Hiện nay, HTX có 20ha canh tác, gắn kết được 124 hộ cùng sản xuất các loại rau cải, dưa chuột, cà chua, hành, tỏi… theo quy trình VietGAP và tạo việc làm cho từ 300 đến 400 thành viên. Ông Nguyễn Văn Hiệp, Giám đốc HTX cho biết, tham gia chương trình OCOP giúp nông sản sạch của HTX được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh biết, tin dùng. Bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 1 tấn rau, củ, quả các loại, doanh thu 1 năm từ 12 đến 13 tỷ đồng.
Xét từ thực tế, nhằm phù hợp với tình hình phát triển ngành nông nghiệp trong tình hình mới, ngày 7.7.2022, tại Kỳ họp thứ Bảy, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số: 07/2022/NQ-HĐND về Hỗ trợ phát triển nông nghiệp, chương trình OCOP và các ngành nghề nông thôn. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 147/2018/NQ-HĐND ngày 6.12.2018 của HĐND tỉnh về việc ban hành Quy định Hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết số: 07/2022/NQ-HĐND ra đời đã khắc phục được những bất cập của các Nghị quyết được ban hành trước đây về hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Từ đó, góp phần nâng cao năng lực tổ chức sản xuất, tăng khả năng tiêu thụ và sức cạnh tranh của nông sản, nâng cao thu nhập cho người dân, thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.