Rồng - Vật tổ linh thiêng của người Việt

Hương Sen 02/02/2024 07:38

Trở thành biểu tượng gần gũi, thân quen đối với mỗi người Việt Nam nói riêng và văn hóa phương Đông nói chung, rồng mang đến điềm lành, tượng trưng cho quyền lực, sự cao sang.

Từ biểu tượng quốc gia thành sức mạnh nhân dân

Từ hàng ngàn năm nay, rồng là vật tổ linh thiêng trong tâm thức của người châu Á và người Việt. Rồng là loài vật có thể sống ở mọi môi trường sống, vừa có thể bay trên trời, đi dưới mặt đất và bơi dưới nước. Vì thế rồng mang năng lượng của cả đất trời, sự cân bằng âm - dương. Rồng còn là hình tượng cho quyền uy của bậc đế vương thời quân chủ, thể hiện sự oai hùng và sức mạnh của hoàng đế. Thường thấy nhất là hình rồng trong kiến trúc không gian tín ngưỡng như đền, miếu, đình, chùa hay trong lăng tẩm của vua chúa thời xưa. 

Hình rồng huyền thoại được vẽ nên từ sự kết hợp những nét tinh túy nhất của nhiều loài, với đầu hổ, sừng hươu, mắt thỏ, tai bò, cổ rắn, bụng ếch, vây cá chép, móng chim ưng. Thân rồng uốn lượn theo 12 khúc đại diện 12 tháng trong năm. Miệng rồng thường được ngậm viên minh châu, tượng trưng cho sự thông thái, sáng suốt của một vị thần. Nét mặt rộng thể hiện sự thoải mái, thể hiện sức mạnh tinh thần luôn luôn hướng đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống... 

Bộ thành bậc điện Kính Thiên. Nguồn: TL
Bộ thành bậc điện Kính Thiên. Nguồn: TL

Hình tượng rồng đặc biệt xuất hiện nhiều từ khi có địa danh Thăng Long, khi Lý Công Uẩn dời đô từ động Hoa Lư đến vùng đất phía nam bên dòng sông Nhĩ hà. Trong một nghiên cứu, PGS.TS. Đinh Hồng Hải, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết: "Các vua Lý không độc chiếm biểu tượng rồng cho riêng mình như các bậc đế vương Trung Hoa mà khéo léo biến rồng trở thành biểu tượng của quốc gia Đại Việt non trẻ, biến một biểu tượng nghệ thuật trở thành nguồn sức mạnh trong lòng dân để bảo vệ quốc gia, bảo vệ vương quyền”.

Trong gần 1.000 năm, từ thời Lý đến hết thời Nguyễn, rồng trở thành linh vật biểu trưng của quyền lực trung ương tối cao, gắn liền với vua, cung đình và hoàng tộc. Hình rồng được đặc biệt gắn/vẽ trang trọng trên các đồ dùng của vua (ngự dụng), trên các biểu tượng lễ nghi, trên lễ phục có tính quan phương ở cấp cao. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh thành, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, PGS.TS. Bùi Minh Trí, “vì là đồ dùng của vua nên trên đồ gốm sứ, đồ án trang trí chủ đạo là hình rồng, hoa văn xung quanh tỉ mỉ và tinh xảo, lòng viết chữ “Kính” (敬) hoặc in nổi chữ “Quan” (官) - là cách xác định rõ nhãn hiệu của những xưởng gốm chỉ chế tác sản phẩm phục vụ hoàng cung. Hình rồng năm móng được trang trí các đồ gốm đó là biểu tượng cho quyền lực tối cao của nhà vua, khẳng định chắc chắn đây là đồ ngự dụng”.

Biến tấu tạo hình rồng qua thời gian

Bước ra khỏi cung đình, hình tượng rồng cũng phản ánh sự biến đổi, phát triển nhiều mặt về tín ngưỡng và văn hóa, về cảm quan thẩm mỹ, trình độ tạo tác của người Việt trên các công trình, tác phẩm của nghệ nhân.

Họa tiết rồng phát triển ở các vương triều, mỗi thời đều có đặc điểm phong cách đặc trưng. Các nghiên cứu cho thấy, hình rồng thời Lý (thế kỷ XI - XII) có mình trơn, thân uốn cong nhiều vòng uyển chuyển, mềm mại và nhỏ dần về phía đuôi, chân có khuỷu. Rồng thời Trần (thế kỷ XIII - XIV) uy nghi đường bệ, biến đổi nhiều hình vẽ. Có dạng đuôi thẳng vút nhọn, lại có đuôi xoắn tròn, hay có đuôi chạm văn xoắn ốc.

Rồng thời Lê sơ (thế kỷ XV) thể hiện quyền uy trong nhiều tư thế khác nhau, với thân vạm vỡ lượn khúc lớn, chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Trịnh - Nguyễn (thế kỷ XVI - XVIII) còn được nhân cách hóa đưa vào đời thường trong hình rồng mẹ cùng bầy rồng con quây quần. Rồng thời Nguyễn (thế kỷ XIX) trở lại vẻ uy nghi trên các đồ quốc bảo, ấn triện. Trên các công trình kiến trúc, rồng được thể hiện sinh động nhiều tư thế, ẩn mình trong mây, hoặc rồng chầu mặt trời, mặt trăng, chầu hoa cúc, chữ thọ, hay hình cửu long tranh châu trên vòm trần các lăng, điện…

TS. Ngô Vương Anh cho biết, hình tượng rồng luôn mang nội dung cao quý trong nền mỹ thuật dân tộc mà ở trung tâm Hoàng thành Thăng Long là nơi thể hiện đậm đặc nhất, tinh mỹ nhất. Tại đây có một Bảo vật quốc gia đặc tả đầu rồng thời Trần. Đó là khối tượng tròn bằng đất nung khá lớn và nguyên vẹn, là chi tiết quan trọng trang trí trên bộ mái các kiến trúc thời Lý, Trần. Đầu rồng như đang bay, bờm và mào hướng ra sau, miệng ngậm ngọc báu, răng nanh dài và uốn cong theo mào lửa, lưỡi nhỏ dài bao ngoài ngọc báu và cũng uốn theo mào lửa rất sinh động…

Bộ thành bậc điện Kính Thiên thời Lê sơ được đặt trên lối lên xuống chính gồm hai thành bậc chạm rồng ở giữa và hai thành bậc chạm mây hóa rồng ở hai bên đã trở thành Bảo vật quốc gia từ năm 2020. Rồng đá thành bậc thời Lê sơ tạo hình vạm vỡ, đầu rồng ngẩng cao oai vệ, bảy khúc thân uốn lượn mềm mại như sóng. Điện Kính Thiên xưa còn giữ lại được một bộ thành bậc thứ hai tạo tác thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII - XVIII) trên lối đi phía sau, bên trái. Bộ thành bậc này được công nhận Bảo vật quốc gia tháng 1.2023. Đôi rồng trong bộ thành bậc thời Lê Trung hưng cũng đi từ trên xuống với dáng cứng cáp, thân rồng vẫn uốn bảy khúc, có nhiều mào lửa. Dưới thân rồng chạm các hình cá hóa long, chim phượng, hoa sen trên nền các cụm vân mây.

Cũng tại Hoàng thành Thăng Long, theo công bố mới nhất của Viện Nghiên cứu Kinh thành cuối tháng 11.2023, hình ảnh nhiều "mảnh" ngói đầu, thân, đuôi rồng tìm thấy ghép khớp lại, để sau cùng hiện ra hình rồng năm móng. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy cả ngói rồng men vàng và xanh lục. PGS.TS. Bùi Minh Trí cho rằng, chính ngói rồng màu vàng này đã làm nên bộ mái của điện Kính Thiên với vai trò là nơi thiết triều. Những mảnh đầu, thân, đuôi này đã tạo thành hình rồng hoàn chỉnh, so sánh vật liệu kiến trúc tại Hoàng thành Thăng Long với các cung điện ở Đông Á, nhất là Trung Quốc, thì thấy đây là loại ngói chỉ ở Việt Nam mới có, thể hiện nét độc đáo của kiến trúc thời Lê sơ.

Hình rồng cũng được gắn lên nhiều Bảo vật quốc gia khác như: cột đá chùa Dạm (Bắc Ninh), bia Sùng Thiện Diên Linh (Hà Nam), bệ tượng Adiđà ở chùa Phật Tích (Bắc Ninh), quai chuông thời Trần ở chùa Vân Bàn (Hải Phòng), bia Vĩnh Lăng ở Lam Kinh (Thanh Hóa), sập đá ở đền vua Đinh (Ninh Bình), bệ tượng trong chùa Bà Tấm (Hà Nội), ngai vàng trong điện Thái Hòa, ấn Sắc mệnh chi bảo, Cửu Đỉnh, quai chuông ở chùa Thiên Mụ (Huế)... 

Hương Sen