Khắc phục tình trạng chậm cấp phiếu lý lịch tư pháp
Thời gian qua, công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp (LLTP) tại Sở Tư pháp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật Lý lịch tư pháp. Vẫn còn tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu LLTP gây khó khăn, bức xúc cho người dân. Để khắc phục tình trạng này, Bộ Tư pháp đang đề nghị xây dựng Nghị quyết về việc thí điểm phân cấp việc cấp phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An.
Gỡ điểm nghẽn về cấp phiếu lý lịch tư pháp
Luật Lý lịch tư pháp có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2010. Sau hơn 10 năm thi hành, Luật Lý lịch tư pháp đã thực sự đi vào cuộc sống, cơ bản đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nhu cầu cấp phiếu LLTP ngày càng tăng của công dân, bảo đảm phù hợp với tiến trình cải cách tư pháp, xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác LLTP cũng đã bộc lộ một số khó khăn, hạn chế nhất định như: Nguồn lực, cơ sở vật chất phục vụ công tác LLTP còn hạn chế. Một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lạm dụng quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP của cá nhân trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động.
Tại Nghệ An, tỉ lệ trễ hạn cấp phiếu LLTP của tỉnh vẫn cao so với tỉ lệ chung toàn quốc (năm 2021 trễ hạn chiếm 3,8%; năm 2022 trễ hạn chiếm 7,4%; năm 2023 tỷ lệ này chiếm 7,88%). Trong khi đó, tại TP. Hà Nội, hàng năm số hồ sơ giải quyết trễ hạn chiếm 3%. Nguyên nhân trễ hạn phần lớn là do các cơ quan phối hợp chậm trả lời kết quả tra cứu, xác minh so với quy định; một số trường hợp do cần phối hợp với nhiều cơ quan để xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích; do Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và Hệ thống lý lịch tư pháp dùng chung bị chậm, lỗi kết nối…
Theo Bộ Tư pháp, một số tỉnh, thành phố chưa chủ động trong tổ chức tiếp nhận hồ sơ cấp phiếu LLTP để kịp thời đáp ứng yêu cầu tăng cao của người dân, dẫn đến tình trạng chậm trễ, ùn ứ tại một số thời điểm, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phối hợp cung cấp, trao đổi, tra cứu, xác minh thông tin LLTP còn hạn chế; chưa thực hiện chia sẻ, kết nối cơ sở dữ liệu LLTP với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan. Việc cấp phiếu LLTP trực tuyến chưa thực sự phát huy được hiệu quả thực chất, qua theo dõi, phản ánh cho thấy phần lớn người dân chưa sử dụng phương thức này khi yêu cầu cấp phiếu LLTP. Công tác xây dựng Cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Luật Lý lịch tư pháp. Vẫn còn một số lượng thông tin lý lịch tư pháp chưa được xử lý, cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu thông tin lý lịch tư pháp. Tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu LLTP gây khó khăn, bức xúc cho người dân vẫn còn xảy ra…
Nhằm khắc phục tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu LLTP trong thời gian qua, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau. Theo đó, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền, ứng dụng công nghệ số... Trong đó, việc phân cấp thẩm quyền cấp phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện là một giải pháp cần thiết.
Theo quy định của Luật Lý lịch tư pháp, cơ quan có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP bao gồm: Trung tâm LLTP quốc gia - Bộ Tư pháp và Sở Tư pháp cấp tỉnh. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về đơn giản hóa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền, khắc phục tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu LLTP trong thời gian qua, Bộ Tư pháp đề nghị phân cấp thẩm quyền cấp phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện. Việc phân cấp thẩm quyền cấp phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện sẽ khác với quy định hiện hành trong Luật. Bởi theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc thí điểm phân cấp này phải được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội “Quốc hội ban hành nghị quyết để quy định thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành”.
Đây là nội dung mới nên Bộ Tư pháp đề xuất tiến hành thực hiện thí điểm tại một số đơn vị cấp huyện của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Cụ thể, Bộ Tư pháp đề xuất thực hiện thí điểm phân cấp việc cấp phiếu LLTP cho một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An.
Tạo thuận lợi hơn cho người dân khi thực hiện thủ tục cấp phiếu LLTP
Lý do một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An được Bộ Tư pháp đề xuất thực hiện thí điểm phân cấp việc cấp phiếu LLTP là do đây là ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu LLTP lớn nhất cả nước.
Theo đó, từ năm 2021 đến năm 2023, trung bình mỗi năm TP. Hà Nội cấp 51.211 phiếu LLTP, TP. Hồ Chí Minh cấp 95.979 phiếu LLTP, tỉnh Nghệ An cấp 56.900 phiếu LLTP. Trong bối cảnh nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế thì việc tiếp nhận số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải cho bộ phận làm công tác LLTP tại các địa phương này. “Có thời điểm người dân phải xếp hàng từ rất sớm để nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP, gây bức xúc trong dư luận” - Bộ Tư pháp nhận định.
Hiện nay, TP. Hà Nội đang có 30 đơn vị hành chính cấp huyện; TP. Hồ Chí Minh đang có 22 đơn vị hành chính cấp huyện; tỉnh Nghệ An có 21 đơn vị hành chính cấp huyện. Bộ Tư pháp đề xuất thời gian thực hiện thí điểm chính sách này là 2 năm. Khoảng thời gian này đủ để các địa phương chuẩn bị các nguồn lực tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời cũng đủ để có lượng thời gian cho công tác sơ kết, tổng kết trước khi đề xuất sửa đổi quy định của Luật Lý lịch tư pháp để áp dụng trên phạm vi cả nước.
Trước thực tiễn yêu cầu cấp phiếu LLTP đang ngày càng tăng cao, đặc biệt tại các địa phương như TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Nghệ An, cần thiết có giải pháp nâng cao hiệu quả, chất lượng phục vụ hành chính công trong công tác LLTP, tránh tình trạng người dân phải chờ đợi, tốn kém chi phí, thời gian khi yêu cầu cấp phiếu LLTP.
Việc thực hiện thí điểm phân cấp việc cấp phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nhằm giảm tải cho Sở Tư pháp, Trung tâm Dịch vụ hành chính công, tăng sự lựa chọn cho người dân, cơ quan, tổ chức khi yêu cầu cấp phiếu LLTP. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của chính sách, bảo đảm thuận lợi cho người dân, cần có sự tính toán thấu đáo nguồn lực để thí điểm cả về nhân lực, kinh phí thực hiện.