Xuân về trên vùng đất tái định cư Mường Giàng

Văn Thiệu 12/01/2024 08:00

Vì công trình quan trọng của đất nước, vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, hơn chục năm trước, đồng bào các dân tộc xã Mường Giàng, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La đã đồng lòng rời xa “nơi chôn nhau cắt rốn” của mình để đến nơi ở mới với nhiều lạ lẫm, bỡ ngỡ và lo lắng. Tuy nhiên, với sự trợ giúp của chính quyền, cùng sự nỗ lực, đoàn kết, thay đổi nếp nghĩ, cách làm… nên đồng bào không những ổn định cuộc sống, mà còn phát triển kinh tế, chuyển mình đi lên, xây dựng nông thôn mới, diện mạo ngày càng đổi thay.

Phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ đang là thế mạnh
Phát triển nuôi trồng thủy sản trên lòng hồ đang là thế mạnh

Những ngày đầu năm mới 2024, trong tiết trời xuân se lạnh, phóng viên chúng tôi có dịp ghé thăm bản làng xã Mường Giàng - vùng đất tái định cư để phục vụ công trình Nhà máy thủy điện Sơn La. Nằm bên tả ngạn sông Đà, Mường Giàng nằm trên trục quốc lộ 279 và quốc lộ 6B, cách thành phố Sơn La 60km; xã có diện tích tự nhiên 6.432,40ha; được chia thành 14 bản, xóm; tổng số  2.833 hộ; dân số là 10.842 người; gồm 5 dân tộc anh em cùng sinh sống (Kinh, Thái, Mông, La Ha, Dao...).

Dọc các tuyến đường bê tông mới nối liền các bản, liên xã sạch đẹp là những nếp nhà khang trang. Tại bản tái định cư Phiêng Nèn trước đây còn bộn bề khó khăn vất vả, thì giờ đây bản đã khoác lên mình chiếc áo mới. Năm nay đã là lần thứ 18 bà con nơi đây được đón Xuân trên vùng đất mới; nhờ Đảng, Nhà nước đầu tư xây dựng, nhân dân chung tay góp công góp của nên kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm khang trang sạch đẹp. Người dân trong bản đã thành thông lệ, hàng năm khi cận kề Tết nhà nào nhà nấy tất bật quét dọn đường làng ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, trang hoàng lại nhà cửa, nhà văn hóa của bản để chuẩn bị đón Tết.

Trao đổi với phóng viên, Trưởng bản Phiêng Nèn Tòng Văn Thỉnh cho biết: bản Phiên Nèn gồm 3 bản trước đây sáp nhập lại, bản có 286 hộ với trên 1.000 nhân khẩu; có 3 dân tộc anh em cùng chung sống đoàn kết và hòa thuận. Lúc mới chuyển lên đây, đồng bào gặp rất nhiều khó khăn, vất vả, nhờ được Nhà nước đầu tư đường nhựa, bê tông nội bản, điện thắp sáng kéo về, người dân bắt tay vào dựng nhà mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, làm chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và buôn bán nhỏ lẻ ở chợ. Đặc biệt là sau khi được triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống của người dân đã có nhiều thay đổi rõ rệt, hơn nhiều so với nơi ở cũ. Đây là minh chứng và kết quả của sự nỗ lực, dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân để từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống trên quê mới.

Thăm gia đình chị Lò Thị Thanh, bản Phiêng Nèn, được chị chia sẻ: là hộ gia đình chuyển từ xã Pá Ma Pha Khinh trước đây, bà con được Nhà nước bố trí mặt bằng xây dựng nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật trong canh tác…, nên ai cũng yên tâm lao động sản xuất. Cùng với đó, các công trình hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế được đầu tư, nhờ vậy, các cháu học sinh được học tập trong ngôi trường khang trang, đi lại thuận lợi. So với trước đây, cuộc sống của người dân trong bản đổi thay rất nhiều, góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Hiện gia đình chị đang có 6 con bò, 5 con dê, cuộc sống ổn định và tin tưởng sẽ tiếp tục tăng số lượng.

Đến thăm hộ tiêu biểu trong phát triển kinh tế ở bản, nhiều năm được công nhận là hộ gia đình văn hóa, sản xuất kinh doanh khá trong bản, ông Lường Văn The cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách cho vay phát triển kinh tế; sau khi tái định cư tại nơi ở mới, ngoài số vốn tích góp của gia đình, ông đã mạnh dạn vay thêm vốn từ ngân hàng để đầu tư chăn nuôi. Hiện gia đình ông đang nuôi 4 con bò, hơn 20 con lợn và nhiều gia cầm, đem về thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng.

Chia sẻ niềm vui và tự hào về quê hương những ngày xuân sắp về, Phó chủ tịch UBND xã Mường Giàng Lò Văn Vùng cho biết: là xã nông thôn mới đầu tiên của huyện Quỳnh Nhai và cũng là địa phương được lựa chọn để xây dựng đô thị văn minh, đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của xã Mường Giàng đạt gần 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 5,38%. Việc nâng cao thu nhập, nâng cao hơn nữa mức sống cho người dân là một trong những mục tiêu mà xã đang tập trung triển khai bằng nhiều giải pháp thiết thực để phấn đấu đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao.

Trên địa bàn xã Mường Giàng thì cơ bản các xóm, bản tái định cư đã có nhiều đổi thay so với trước đây. Xã cũng đã xây dựng các kế hoạch và định hướng trong tuyên truyền vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt và chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới. Xã đang tiếp tục định hướng xây dựng kế hoạch, lựa chọn các mô hình cây trồng, vật nuôi tiêu biểu để nhân rộng; hướng tới cho người dân tham gia vào các hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp trong việc hỗ trợ về kỹ thuật, giống, tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm năng suất và chất lượng sản phẩm khi đưa ra thị trường.

Nói về những đổi thay trên vùng đất tái định cư phục vụ Nhà máy thủy điện Sơn La nói chung và Mường Giàng nói riêng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai Cầm Văn Huy cũng khống giấu được niềm vui và tự hào chia sẻ: sau khi nhà máy thủy điện Sơn La tích nước, huyện Quỳnh Nhai phải di dời trên 8.400 hộ dân ra khỏi vùng ngập và tái định cư trên quê mới; trong điều kiện khó khăn về diện tích đất sản xuất, nên huyện đã vận động bà con chuyển đổi cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, xây dựng các sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu OCOP. Được lợi thế diện tích mặt hồ rộng lớn hơn 10.500ha trải dài 9 xã, huyện đã hỗ trợ đầu tư xây dựng 3 nhà máy sơ chế, chế biến thủy sản, chế biến thức ăn thủy sản cho 3 Hợp tác xã với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng; xây dựng thương hiệu cá sông Đà Sơn La.

Ngoài ra, huyện cũng vận động nhân dân cùng các doanh nghiệp đầu tư vào nuôi thủy sản gắn với phát triển du lịch lòng hồ; xây dựng các mô hình liên kết giữa người dân - doanh nghiệp - ngân hàng và Nhà nước trong sản xuất, vay vốn, chế biến và bao tiêu sản phẩm; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Kinh tế dần đi lên, đời sống ấm no, an ninh trật tự bảo đảm, người dân yên tâm gắn bó dài lâu và coi đây là quê hương thứ 2 của mình.

Văn Thiệu