Vấn đề khó nhất là xử lý chất thải thực phẩm

Song Hà 22/12/2023 17:18

Đây là nhận định của ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco tại Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn" do Báo Đại biểu nhân dân tổ chức.

Vấn đề khó nhất là xử lý chất thải thực phẩm -1
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco Nguyễn Hữu Tiến phát biểu tại Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn". Ảnh: Duy Thông

Trước đây Chính phủ hạn chế chôn lấp dưới 40% thì các tỉnh kêu gọi đầu tư đốt, khi đốt không còn là giải pháp tối ưu mà theo luật mới thì giải pháp tái chế mới là giải pháp tối ưu. Việc Chính phủ chuyển hướng chính sách thay thế nhanh đòi hỏi các tỉnh làm thế nào để chuẩn bị được cơ sở hạ tầng. Thực tế cho thấy để chuẩn bị cơ sở hạ tầng có thể mất đến 5-10 năm mới có một nhà máy. Trong khi đó, việc kêu gọi nhà các nhà đầu từ để đầu tư công nghệ mới là một điều kiện rất lớn mà giữa chính sách và thực tế đang có khoảng cách rất lớn.

Hiện nay, Hà Nội đã hình thành 2 nhà máy đốt rác phát điện, đến năm 2024 có thể xử lý 80-90% rác thải sinh hoạt tại thời điểm hiện tại và đây cũng là tỉnh thứ hai của công nghệ đốt rác phát điện.

Ngoài chất thải rắn, thì ở Hà Nội chất thải y tế đã dùng công nghệ hấp nhiệt. Còn chất thải công nghiệp, công nghiệp nguy hại thì đã dùng rất nhiều công nghệ khác. Còn một vấn đề chất thải gắn với hoạt động đô thị là chất thải xây dựng. Đây là một đề đang thiếu trong Luật Môi trường và đang là vấn đề “giáp ranh” giữa hai cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Xây dựng. Hiện nay, thực tế vấn đề này vẫn đang được bàn xem thuộc Bộ nào quản lý. Hiện, các dịch vụ đô thị phần chất thải rắn sinh hoạt đang báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường, phần chất thải xây dựng đang báo cáo Bộ Xây dựng trong khi hướng dẫn của mỗi Bộ là khác nhau, đây là vấn đề bất cập trong chính sách – ông Tiến nói.

Vấn đề khó nhất là xử lý chất thải thực phẩm -0
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Môi trường đô thị và khu công nghiệp Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội Urenco Nguyễn Hữu Tiến phát biểu tại Hội thảo “Kiểm soát chất thải rắn: Chính sách, pháp luật và thực tiễn". Ảnh: Duy Thông

Theo ông Tiến, vấn đề khó nhất là xử lý chất thải thực phẩm theo luật. Luật quy định chất thải thực phẩm phải được phân loại bắt buộc. Nhưng cả nước không có nhà máy tái chế rác thải thực phẩm. Gần như chính quyền các tỉnh không một tỉnh nào kêu gọi nhà đầu tư xây dựng nhà máy xử lý. Trong khi đó, chất thải thực phẩm là nguồn gây mùi, ô nhiễm trong chất thải sinh hoạt hàng ngày. Hiện chúng ta chỉ đang bàn tái chế nhựa, giảm thiểu nhựa, nhưng tôi cho rằng, vấn đề chất thải thực phẩm, chất thải hữu cơ trong chất thải sinh hoạt còn bức xúc hơn. Đây không chỉ là vấn đề ở Hà Nội mà các tỉnh cũng phải nghiên cứu dài hạn.

“Để thực hiện việc phân loại từ ngày 1.1.2025 mà hiện nay chưa có nhà máy tái chế rác thải thực phẩm thì xử lý thế nào?” – ông Tiến đặt câu hỏi.

Đề cập đến vấn đề đầu tư, ông Tiến cho rằng, trước đây chúng ta có chính sách xã hội hóa để kêu gọi các nhà đầu tư. Tuy nhiên, các nhà đầu tư thấy dự án không hiệu quả nên không làm do hiện nay chính sách còn nhiều thay đổi, nhiều rủi ro nên các nhà đầu tư không mặn mà.

Song Hà