Đầu tiên và quan trọng nhất là lực lượng sáng tạo
Những năm qua, nhân lực sáng tạo luôn được quan tâm nhưng nhìn chung đội ngũ này còn thiếu và yếu, chưa đáp ứng nhu cầu phát triển các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Thiếu tính chuyên nghiệp, khả năng sáng tạo hạn chế
Công nghiệp văn hóa hướng đến khai thác ý tưởng sáng tạo, phát minh, sáng chế có hàm lượng trí tuệ, chất xám cao, có ý nghĩa với cộng đồng xã hội. Vì thế, nhân lực sáng tạo đóng vai trò là nguồn “tài nguyên nhân văn” quan trọng làm nên chất lượng và sức mạnh của ngành công nghiệp văn hóa.
Theo TS. Nguyễn Huy Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhân lực trong công nghiệp văn hóa có thể kể tới nhân lực quản lý, nhân lực sản xuất, kinh doanh, nhân lực sáng tạo. Để phát triển đồng bộ công nghiệp văn hóa, các ngành, lĩnh vực đặc thù thuộc sự quản lý của các cơ quan, bộ, ngành chuyên môn cũng đã có cơ chế, chính sách phát triển đội ngũ, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đem đến nhiều ý tưởng mới, tạo ra những sản phẩm, hoạt động văn hóa, văn nghệ đa dạng, phong phú, giàu bản sắc.
Tuy vậy, việc phát huy nguồn nhân lực sáng tạo đang đứng trước nhiều khó khăn. Nguồn nhân lực dồi dào về số lượng nhưng chất lượng qua đào tạo còn thấp, không đồng đều giữa các giai tầng, lứa tuổi, ngành nghề, vùng miền. So với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, nhân lực của ngành văn hóa có trình độ cao chưa nhiều. Nhân sự thuộc khối kinh doanh văn hóa - nghệ thuật có trình độ chuyên môn chưa cao, thiếu tính chuyên nghiệp và khả năng sáng tạo hạn chế…

Còn theo ThS. Hoàng Thị Thu Thủy, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, những năm qua, việc đào tạo và phát triển nhân lực ngành đã có nhiều khởi sắc, với quy mô đào tạo tăng nhanh, cơ cấu ngành nghề từng bước được cải thiện, một số trường còn đào tạo được các tài năng đạt giải trong các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp cấp quốc gia và quốc tế…
Hiện nay, hệ thống cơ sở đào tạo, huấn luyện nhân lực của nhóm ngành văn hóa đang tăng về số lượng và quy mô đào tạo. Thống kê của Vụ Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đến tháng 12.2022, cả nước có 40 cơ sở đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, 1 viện nghiên cứu có đào tạo tiến sĩ và khoảng 80 cơ sở đào tạo công lập và tư thục tham gia đào tạo các ngành trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật.
Tuy nhiên, nhìn chung năng lực đào tạo, bồi dưỡng chưa theo kịp nhu cầu thị trường, phương pháp giảng dạy lạc hậu, ảnh hưởng tới kết quả đào tạo; thiếu liên kết, liên thông trong đào tạo, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và sử dụng nhân lực… Một số ngành nghề đào tạo văn hóa gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh đầu vào, nhất là đối với các ngành nghề đào tạo nghệ thuật truyền thống. Sau khi ra trường, chính sách thu hút, đãi ngộ, bồi dưỡng, nâng đỡ, định hướng con đường phát triển tài năng chưa được quan tâm, dẫn đến tình trạng lãng phí, “chảy máu” chất xám.
Cần lực lượng làm sáng tạo đủ chất lượng, số lượng
Công nghiệp văn hóa là lĩnh vực còn tương đối mới mẻ ở Việt Nam. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2018, 3,51% lao động trên phạm vi cả nước làm việc trong các ngành này.
Với tiềm năng của một thị trường lao động trẻ lên tới gần 100 triệu dân cùng một quốc gia có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, để phát triển các ngành văn hóa sáng tạo, nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn cho rằng, điều đầu tiên và quan trọng nhất đó chính là phải có một lực lượng người làm sáng tạo có đủ chất lượng và số lượng để đáp ứng nhu cầu ngày một gia tăng.
Bài học của những nước thành công gần đây ở khu vực châu Á như Hàn Quốc trong lĩnh vực phim ảnh và công nghiệp âm nhạc giải trí cho thấy rõ điều đó. Để có những bộ phim truyền hình, ban nhạc Kpop tạo nên làn sóng Hàn Quốc trên toàn thế giới ngày, từ cuối những năm 1980 đầu những năm 1990, Chính phủ Hàn Quốc đã đầu tư cấp học bổng gửi rất nhiều người trẻ sang Mỹ học, nắm bắt toàn bộ quy trình nền công nghiệp văn hóa giải trí của Mỹ một cách kỹ lưỡng và nhanh nhất. Họ nghiên cứu tất cả các khâu trong quy trình sản xuất các sản phẩm văn hóa, từ diễn xuất, quay phim, biên kịch, vũ đạo, ánh sáng… và hàng trăm vị trí khác tầng tầng lớp lớp bổ trợ cho nhau thành một bộ máy thống nhất tổng thể có thể làm việc ăn ý ngay khi trở về nước. Từ đó đến nay, làn sóng Hàn Quốc đã tạo thành một ngành công nghiệp văn hóa giải trí khổng lồ lan tỏa và xuất khẩu ra khắp châu Á và thế giới, tạo ra tỉ trọng kinh tế ngày càng lớn trong nền kinh tế Hàn Quốc...
TS. Nguyễn Huy Phòng góp ý, cần đánh giá đúng hiện trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực sáng tạo. Đồng thời, dự báo chính xác sự biến động của nguồn nhân lực trong lĩnh vực này để có kế sách đào tạo, bồi dưỡng, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm văn hóa có giá trị, hấp dẫn, thu hút được công chúng tiêu dùng ở trong và ngoài nước.
Còn theo ThS. Hoàng Thị Thu Thủy, cần xây dựng và hoàn thiện chiến lược tổng thể phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trong đó có những giải pháp đặc thù cho nhân lực ngành công nghiệp văn hóa. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ góp phần khắc phục căn bản thực trạng thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chất lượng, bất hợp lý về cơ cấu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Để đạt được mục tiêu kể trên, trường đại học và các cơ sở giáo dục - đào tạo cũng đồng thời phải là nơi nắm bắt các xu hướng và tri thức mới; nhằm kiến tạo và phát triển các quan điểm, nội dung của công nghiệp văn hóa sáng tạo; vừa phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời tạo ra ưu thế cạnh tranh riêng của từng quốc gia về lĩnh vực này.
Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ được tổ chức sáng 22.12, tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì và điều hành hội nghị.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ có báo cáo đánh giá kết quả triển khai, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; định hướng và giải pháp phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.