Hiệu quả của kinh tế hợp tác tại các xã nông thôn mới
Tại Phú Yên, với hoạt động hiệu quả của các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp đã và đang góp phần giúp địa phương duy trì các tiêu chí nông thôn mới (NTM) và hướng tới xây dựng NTM nâng cao.
Tận dụng lợi thế du lịch
Tuy An là một huyện ven biển, có vị trí quan trọng về kinh tế, văn hóa của tỉnh Phú Yên. Đây cũng là nơi có số lượng di tích, danh thắng được xếp hạng nhiều nhất của tỉnh với 9 di tích, danh thắng cấp quốc gia và 12 di tích cấp tỉnh. Vùng quê này được các du khách trong và ngoài nước biết đến với nhiều điểm đến hấp dẫn.
Tận dụng lợi thế, thời gian qua, xã An Mỹ (huyện Tuy An) đã đẩy mạnh tích hợp sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương với du lịch của HTX đã tạo ra không gian phát triển kinh tế cho xã, góp phần xây dựng NTM ngày càng hiệu quả và thực chất hơn. Nhờ vậy, tính đến tháng 9.2023, xã An Mỹ tiếp tục giữ vững các tiêu chí xã NTM và đã thực hiện đạt 10/19 tiêu chí xã NTM nâng cao và đạt 2/4 tiêu chuẩn xây dựng xã An Mỹ lên phường.

Tại HTX Nông nghiệp và du lịch cộng đồng An Mỹ (xã An Mỹ, huyện Tuy An) đã tổ chức mô hình du lịch cộng đồng, đưa sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa kết nối cộng đồng. Cách đây 2 năm, sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa bản địa kết nối cộng đồng tại khu nghỉ dưỡng của HTX An Mỹ đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh.
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Giám đốc HTX, mô hình du lịch này đã được ấp ủ và từng bước định hình từ 5-10 năm trước khi thành lập. Nhất là chuẩn bị kỹ về cơ sở vật chất với hệ thống homestay từ TP.Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên) đến huyện Tuy An cùng nền tảng công nghệ số, đồng thời liên kết sản xuất với các hộ nông dân và các đơn vị có sản phẩm nông sản đặc trưng đạt chứng nhận OCOP.
Ngoài ra, tại HTX còn có khu vực trưng bày sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương dưới hình thức chợ phiên, phục vụ trải nghiệm văn hóa, truyền thống bản địa. Mô hình còn cung cấp các khu vực làm việc, chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, nơi lưu trú tập thể dưới hình thức nhà vườn tạo thành khu trải nghiệm làng thu nhỏ.
Cùng với xã An Mỹ, hiện nay huyện Tuy An có 14/14 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Huyện phấn đấu năm 2023 xây dựng huyện đạt chuẩn NTM; đến năm 2025 có ít nhất 3 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao, 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 3 khu dân cư NTM kiểu mẫu và 3 vườn mẫu NTM; có trên 10 sản phẩm được UBND tỉnh Phú Yên công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao trở lên.
Tuy vậy, vẫn còn không ít thách thức cho huyện Tuy An trước mục tiêu đạt huyện NTM khi mà còn một số tiêu chí chưa thể hoàn thành sớm. Để về đích huyện NTM thì một trong những nhân tố quan trọng chính là hoạt động hiệu quả của kinh tế hợp tác tại các xã NTM.
Đơn cử như HTX nông nghiệp An Ninh Tây (xã An Ninh Tây) với 150 thành viên, được xem là đơn vị HTX đi đầu của huyện, ngày càng phát triển, kinh doanh nhiều loại hình dịch vụ và có lãi, qua đó góp phần xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã nhà. Với hoạt động hiệu quả trong nhiều năm liền, trong năm 2023 doanh thu của HTX có thể sẽ đạt gần 14,8 tỷ đồng và lợi nhuận thuần đạt hơn 310 triệu đồng, năng suất canh tác lúa đạt 72 tạ/ha.
Ngoài ra, để đóng góp nhiều hơn nữa cho xây dựng NTM ở địa phương, HTX An Ninh Tây còn đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân nhằm tăng năng suất, chất lượng cây lúa, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị hàng hoá; nâng cao phát triển các loại hình dịch vụ; kiên cố hoá kênh mương…
Ngoài việc phục vụ sản xuất nông nghiệp với các dịch vụ truyền thống như cày đất, tuốt lúa, thu hoạch, HTX nông nghiệp An Ninh Tây còn mở thêm các dịch vụ kinh doanh như bán lẻ xăng dầu, vệ sinh môi trường... Nhờ đó năm 2022, các dịch vụ mang lại cho HTX tổng doanh thu 13,5 tỷ đồng.
Cách đây 3 năm, xã An Ninh Tây đã được tỉnh Phú Yên công nhận đạt chuẩn NTM. Với hoạt động hiệu quả của các HTX nông nghiệp trên địa bàn sẽ góp phần giúp địa phương duy trì các tiêu chí xã NTM và hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao.
Xây dựng và phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới
Với mục tiêu tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp gắn với xây dựng NTM và cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện Tuy An đang hướng tới xây dựng và phát triển mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập để thu hút thành viên tham gia.
Theo đó, mục tiêu của huyện từ nay đến năm 2025 sẽ có 21 HTX nông nghiệp. Doanh thu bình quân của mỗi HTX hàng năm tăng từ 5-10%. Thu nhập bình quân của người lao động, thành viên trong HTX hàng năm tăng 10%-15%.
Đến năm 2030, huyện Tuy An phấn đấu có 80% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả. Hoàn thiện và đưa vào hoạt động 5 mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới, ứng dụng công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, phát triển bền vững. Có khoảng 50% tổ chức kinh tế tập thể, HTX nông nghiệp liên kết với doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể khác.
Để thực hiện đạt và vượt mục tiêu phát triển kinh tế tập thể, HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện Tuy An ưu tiên xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị sản phẩm hàng hóa của địa phương, HTX nông nghiệp tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), ứng dụng công nghệ cao, xây dựng NTM…
Bên cạnh đó, huyện Tuy An sẽ đẩy mạnh liên doanh, liên kết, hợp tác giữa các tổ hợp tác với HTX. Chú trọng phát triển mô hình HTX nông nghiệp vừa sản xuất, vừa tham gia thị trường, đảm nhiệm các dịch vụ đầu vào, sơ chế, chế biến và đầu ra trong chuỗi giá trị nông sản và gắn với du lịch cộng đồng.
Song song đó, huyện sẽ từng bước hình thành Liên hiệp HTX tạo nguồn động lực hỗ trợ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thúc đẩy và tạo điều kiện hình thành, hợp nhất các tổ hợp tác nông nghiệp quy mô nhỏ, trang trại ở vùng nông thôn thành HTX nông nghiệp theo ngành hoặc địa bàn có quy mô, năng lực hoạt động cao hơn.
Các HTX có sự đổi mới, phát triển về chất và lượng
Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16.6.2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới chỉ rõ, các HTX gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; các tổ chức kinh tế tập thể phát triển gắn với xu thế kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.

Do vậy, Phú Yên xác định phát triển kinh tế tập thể, HTX của tỉnh cần có sự thay đổi. Tỉnh đã định hướng dịch chuyển từ sản xuất thủ công, nhỏ lẻ sang ứng dụng khoa học - công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, hình thành chuỗi giá trị sản phẩm và số hóa các khâu từ quản lý, sản xuất chế biến, đến tiếp cận thị trường và bán sản phẩm.
Theo Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể tỉnh Phú Yên, năm 2023, tình hình kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự đổi mới, phát triển cả về số lượng và chất lượng. Toàn tỉnh hiện có 2 liên hiệp HTX, 193 HTX, 63 tổ hợp tác đang hoạt động. Tổng vốn hoạt động của các HTX là 642,3 tỷ đồng, doanh thu bình quân là 3 tỷ đồng/HTX/năm, thu nhập 150 triệu đồng/HTX/năm, thu hút hơn 2.800 lao động làm việc thường xuyên…
Tính đến hết tháng 11.2023, toàn tỉnh có 31 sản phẩm OCOP của 18 HTX được tỉnh công nhận, trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 4 sao. Điển hình là HTX Nông nghiệp An Nghiệp với sản phẩm gạo thơm Hoa Vàng; HTX Nông nghiệp Xuân Phước với sản phẩm dầu đậu phộng Xuân Phước; HTX Nông nghiệp Hòa Phong với sản phẩm rượu tằm Hòa Phong; HTX Du lịch cộng đồng An Mỹ (huyện Tuy An) với sản phẩm du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại Mộc Miên Rooky garden; bột hạt sen Hòa Đồng của HTX Nông nghiệp kinh doanh dịch vụ Hòa Đồng (huyện Tây Hòa)….
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, năm 2023, Sở đã hỗ trợ các HTX tiếp cận ứng dụng công nghệ 4.0 trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và từng bước đưa các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP của HTX lên sàn giao dịch thương mại điện tử, từ đó góp phần vào thành công của quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.