Trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ: Cần hoàn thiện về chính sách

Thái Yến - Nguyễn Thị Ngân 12/12/2023 16:10

Trong những năm trở lại đây, số lượng trẻ ở Việt Nam mắc chứng tự kỷ ngày càng gia tăng. Do đó, việc hoàn thiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ để trẻ không phải chịu nhiều thiệt thòi trong chuẩn đoán, can thiệp và hòa nhập là điều cần thiết.

Chưa được quy định cụ thể

Theo nghiên cứu mới nhất vào tháng 3.2022 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính trên thế giới, cứ 100 trẻ em thì có 1 trẻ mắc chứng tự kỷ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2019, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật từ 2 tuổi trở lên, trong số này có khoảng 1 triệu người tự kỷ. Tỷ lệ trẻ em mắc chứng tự kỷ ước tính là 1% số trẻ em sinh ra và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Do đó, cần có các biện pháp chăm sóc trẻ nhỏ tốt hơn để ngăn chặn nguy cơ mắc chứng tự kỷ. Đồng thời, cần hoàn thiện chính sách pháp luật về trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với trẻ em tự kỷ để trẻ không phải chịu nhiều thiệt thòi trong chuẩn đoán, can thiệp và hòa nhập.

Trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ: Cần hoàn thiện về chính sách -0
Ảnh minh họa: ITN

Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, PGS. TS. Trần Trọng Hải cho biết, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến nhóm đối tượng đặc biệt này và đã ban hành nhiều chính sách pháp luật nói chung về người khuyết tật như Luật Người khuyết tật năm 2010; Luật Trẻ em năm 2016; Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1.11.2019 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật; Thông tư số 01/2019/TT-BLĐTBXH quy định về việc xác định mức độ khuyết tật do Hội đồng xác định mức độ khuyết tật thực hiện; Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội…Theo đó, nhóm trẻ em bị tự kỷ nặng, đặc biệt nặng sẽ được hưởng chính sách xã hội hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí cũng như được tiếp nhận, chăm sóc tại các cơ sở bảo trợ giúp xã hội và được trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng…

Đặc biệt, năm 2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1929/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, trẻ em tự kỷ và người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng giai đoạn 2021-2030. Chương trình này do Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) làm đầu mối triển khai có ý nghĩa quan trọng đối với người khuyết tật nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng với mục tiêu chung là huy động sự tham gia của toàn xã hội, nhất là gia đình và cộng đồng trợ giúp về mặt vật chất, tinh thần để hỗ trợ đời sống cho trẻ tự kỷ.

“Có thể nói, đây là cơ sở pháp lý quan trọng, là tiền đề để trẻ em tự kỷ và gia đình có trẻ em tự kỷ được thụ hưởng, tiếp cận các chính sách của Nhà nước về y tế, giáo dục về bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, chính sách, pháp luật đối với nhóm đối tượng này chưa có quy định cụ thể mà ẩn khuất trong các nhóm đối tượng yếu thế khác. Vì vậy, việc hoàn thiện chính sách trợ giúp xã hội, phục hồi chức năng đối với trẻ tự kỷ là điều cần thiết” ông Dần nhấn mạnh.

Cần thay đổi nhận thức từ gia đình, xã hội

Chị Nguyễn Thị D. (Thôn Cung Trúc, xã Trung Lập, huyện Vĩnh Bảo, TP. Hải Phòng) cho biết, con chị năm nay lên 4 tuổi nhưng chưa biết ngôn ngữ, bình thường cháu ít khi ngồi yên một chỗ nhưng cũng không thích giao tiếp xã hội chỉ thích xem điện thoại, tivi và nếu không cho thì cháu sẽ quấy khóc. Sau khi đi khám mới biết cháu bị rối loạn phổ tự kỷ. Bản thân chị cảm thấy rất suy sụp, ân hận và tự trách vì kinh tế khó khăn, sinh con dày nên để cho con tiếp xúc với điện thoại và tivi sớm.

“Giờ tôi xác định là phải đồng hành cùng con, qua tìm hiểu tôi đã tìm đến Trung tâm can thiệp sớm Ngôi nhà vui vẻ để thực hiện phục hồi chức năng cho con. Sau quá trình trị liệu, bây giờ bé đã biết tập trung hơn và không còn ăn vạ. Tuy nhiên, với chi phí 100k/1 tiếng và mặc dù đã được phía Trung tâm hỗ trợ một phần kinh phí nhưng vẫn quá sức với gia đình tôi, do đó mỗi ngày tôi chỉ cho bé đi trị liệu 1 tiếng/ngày. Bây giờ, bản thân tôi cũng rất băn khoăn xem có nên làm Giấy chứng nhận khuyết tật cho con hay không, tôi lo sợ việc đó sẽ ảnh hưởng đến lý lịch của con sau này khiến con khó hòa nhập cộng đồng. Bên cạnh đó, qua tìm hiểu tôi thấy thủ tục cấp Giấy chứng nhận khuyết tật cũng rất phức tạp. Tôi mong rằng Nhà nước sẽ quan tâm hơn, tạo điều kiện đơn giản hóa thủ tục hành chính cũng như trong tương lai ở mỗi huyện có thể xây dựng một trường công để các cháu có tình trạng bệnh như con của tôi có điều kiện học tốt nhất, thích hợp với tình trạng bệnh của các cháu” chị D. chia sẻ.

Phó Giám đốc Trung tâm Can thiệp sớm Ngôi Nhà Vui Vẻ (Viện Tâm lý Giáo dục, TP Hải Phòng) Bùi Hà Giang cho biết, những trẻ bị mắc bệnh tự kỷ sẽ gặp bất lợi rất lớn trong cuộc sống khi trưởng thành do thiếu kỹ năng sống cũng như kỹ năng giao tiếp xã hội. Do đó, việc được phát hiện sớm, can thiệp sớm là rất quan trọng trong quá trình trị liệu cho trẻ. Bởi lẽ, đó là giai đoạn vàng để trẻ được khắc phục ngay những khiếm khuyết của mình và được trợ giúp các kĩ năng về ngôn ngữ, nhận thức, hành vi... Tuy nhiên, việc trị liệu cho trẻ tự kỷ hiện nay gặp rất nhiều khó khăn khi nguồn nhân lực chất lượng còn thiếu; nhận thức của gia đình, cộng đồng, xã hội về hội chứng này còn hạn chế, thậm chí là sai lệch điều đó gây ra nhiều khó khăn cho trẻ tự kỷ trong việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục và các chính sách an sinh xã hội; nhiều trung tâm được mở ra nhưng chưa bảo đảm về mặt kiến thức, kĩ năng, kinh tế, quy trình…

“Hy vọng sắp tới Nhà nước có thêm các chính sách miễn, giảm, hỗ trợ chi phí khám, sàng lọc và tư vấn cho trẻ tự kỷ để các gia đình có thể cho các bé đi khám khi thấy con có các biểu hiện bất thường. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ các trung tâm can thiệp sớm về mặt kiến thức như nguồn tài liệu, tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn…có chất lượng. Ngoài ra, cần chuẩn hóa quy trình làm giấy khuyết tật cho trẻ để bảo đảm quyền lợi cho các con. Đồng thời, cần tăng cường tuyên truyền về kiến thức trong cộng đồng, đặc biệt là các kiến thức về chính sách hỗ trợ từ Nhà nước” chị Giang chia sẻ.

Thái Yến - Nguyễn Thị Ngân