Bạc Liêu "chuyên nghiệp hóa" nông dân

Thảo Tâm 03/11/2023 07:50

Hình ảnh những người “nông dân mới”, “người nông dân chuyên nghiệp” đã từng bước đưa nông nghiệp Bạc Liêu tiếp cận và ứng dụng tốt các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn, góp phần mang lại những vụ mùa bội thu có lợi nhuận cao, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mỗi nông dân là một thương nhân

Anh Trương Thanh Tuyền, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Quyết Tiến (huyện Phước Long) là điển hình cho hình ảnh nông dân kiểu mới. Không chỉ thành công trong lĩnh vực làm kinh tế, anh Tuyền còn là đại diện cho những con người giàu tư duy đổi mới, với khát khao góp sức xây dựng nền nông nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, nắm bắt đúng yêu cầu của thị trường. Nguồn: ITN
Người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, nắm bắt đúng yêu cầu của thị trường. Nguồn: ITN

Mong muốn của anh Tuyền là định hướng, tạo điều kiện thuận lợi để xã viên thay đổi tư duy làm nông nghiệp theo hướng cải tiến, hiện đại, phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp trong thời đại 4.0. Sau khi thành lập, HTX Quyết Tiến đã cơ giới hóa toàn bộ các khâu sản xuất, ký kết với các công ty bao tiêu đầu ra sản phẩm. Thay đổi một nền sản xuất nông nghiệp thủ công truyền thống lâu đời sang một nền nông nghiệp cơ giới hóa, mục tiêu xa hơn nữa của anh Tuyền cùng xã viên là hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ, nông sản sạch và sản phẩm có thể xuất khẩu.

Để nông dân trở thành lực lượng kinh tế - xã hội to lớn và mạnh mẽ

Thời gian gần đây, trong sản xuất nông nghiệp thường nói đến cụm từ “sản xuất có trách nhiệm”, nghĩa là các thành viên tham gia trong chuỗi sản xuất làm việc có trách nhiệm với sản phẩm của mình, người tiêu dùng và môi trường. Sở dĩ cần phải sản xuất có trách nhiệm vì một sản phẩm nông nghiệp phải thông qua nhiều khâu, công đoạn từ giống đến môi trường sản xuất, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, tiêu thụ. Đây là một quy trình dài, liên đới đến nhiều ngành nghề, thành phần lao động khác nhau mà chỉ cần một mắt xích nhỏ trong chuỗi không làm tròn trách nhiệm của mình thì chất lượng sản phẩm cuối cùng sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.

Song, sản xuất có trách nhiệm không chỉ dừng lại ở việc làm ra sản phẩm nông sản sạch mà còn đòi hỏi người nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất, nắm bắt đúng yêu cầu của thị trường để làm ra sản phẩm thị trường cần, thúc đẩy chuỗi tiêu thụ được thông suốt.

Với kinh nghiệm nhiều năm sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Vĩnh Cường cho biết, “sản xuất nông nghiệp tập trung và ứng dụng công nghệ tiên tiến đem lại hiệu quả cao gấp nhiều lần so với canh tác truyền thống. Bởi nhu cầu sử dụng các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao, trong khi nguồn cung ứng chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Do vậy, việc liên kết, mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ là xu hướng tất yếu trong thời gian tới của HTX”.

Trong 5 năm (2018 - 2023), trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có trên 363.000 lượt hộ đăng ký nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, gần 200.000 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Cao Xuân Thu Vân đề nghị các cấp hội nông dân của tỉnh trong thời gian tới cần tiếp tục đổi mới nội dung phương thức hoạt động, làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục vận động, đoàn kết nông dân thực sự trở thành lực lượng cách mạng, lực lượng kinh tế, chính trị, xã hội to lớn và mạnh mẽ của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ các cấp, các ngành và các thành phần kinh tế, tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, để mở mang nguồn lực, hỗ trợ nông dân về vốn tín dụng, vật tư nông nghiệp, khoa học kỹ thuật; hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất, bảo quản, chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ nông sản, tổ chức sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của thị trường.

Thảo Tâm