Tấm gương nông dân làm kinh tế giỏi ở Tân Uyên, Lai Châu
Ông Kim Văn Tân (xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) là điển hình tiêu biểu cho người nông dân chuyên nghiệp, lan tỏa hình ảnh “mỗi người nông dân là một thương nhân” với mô hình trồng, sản xuất chè, kết hợp cung ứng vật tư nông nghiệp cho cây chè.
Tấm gương làm kinh tế giỏi
Phong trào nông dân thi đua phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi. Điển hình là ông Kim Văn Tân với mô hình trồng, sản xuất chè, kết hợp cung ứng vật tư nông nghiệp cho cây chè, đem lại thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Vốn sinh ra ở Hà Nội, năm 1977, ông Kim Văn Tân theo gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới tại xã Phúc Khoa, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Ở vùng đất mới, ông thấy rõ thế mạnh trong phát triển kinh tế gia đình, đó là phát triển kinh tế nông nghiệp từ trồng cây chè; ông Kim Văn Tân bén duyên với cây chè từ năm 1999 và gắn bó tới tận bây giờ.
Năm 1999, Dự án Chè 327 được triển khai trên địa bàn xã Mường Khoa (huyện Than Uyên, tỉnh Lào Cai) nay là xã Phúc Khoa (huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu). Khi đó, gia đình ông đăng ký trồng 1ha chè. Sau thời gian trồng, chăm bón, năm 2003, diện tích chè của gia đình ông và các hộ khác bắt đầu cho thu hoạch. Lúc này, gia đình ông Tân lại gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm chè búp tươi. Xoay xở tìm cách tiêu thụ chè tươi, ông Tân có ý tưởng chế biến chè khô.
Dám nghĩ dám làm, ông Tân tìm mua máy sao chè mini về sản xuất và gắn bó với nghề chế biến chè khô từ đó. Gia đình ông bắt đầu làm chè khô từ năm 2003, lúc đầu chủ yếu làm thủ công, nhỏ lẻ. Năm 2015, nhận thấy sản lượng chè tươi trên địa bàn xã Phúc Khoa mỗi ngày một tăng, ông Tân tính đến việc mở rộng sản xuất.
Ông Tân quyết định vay vốn đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất chè khô. Ông cũng đứng ra thành lập Hợp tác xã (HTX) Trà Tân Tiến, do ông làm Giám đốc. Thời gian đầu xây dựng nhà máy, ông gặp không ít khó khăn về vốn và đầu ra cho sản phẩm. Để giải quyết vấn đề này, ông Tân ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các bạn hàng trước đây, đồng thời tiếp tục quảng bá, mở rộng thị trường.
Quá trình sản xuất chè khô, ông luôn quan tâm, đặt chất lượng lên hàng đầu. Nhờ đó, chè thành phẩm của HTX sản xuất ngày càng được khách hàng tin tưởng, lựa chọn. Nhà máy sản xuất Chè xanh Shan Tuyết của ông Kim Văn Tân được thiết kế khá bài bản, khoa học, rộng rãi, thoáng đãng. Dây chuyền sản xuất chè khô được ông lắp đặt ở phía trong, với hệ thống ống xào, máy vò, máy sấy.
Tạo việc làm cho lao động địa phương
Hiện ông Kim Văn Tân ký hợp đồng bao tiêu chè tươi cho gần 200 hộ dân ở xã Phúc Khoa và thị trấn Tân Uyên (huyện Tân Uyên), với diện tích gần 300ha. Bình quân mỗi ngày, HTX của ông sản xuất, chế biến từ 6 - 7 tấn chè thành phẩm. Mỗi năm, ông thu mua trên 7.500 tấn chè tươi của người dân, bán ra thị trường trong nước, xuất khẩu sang các nước Trung Đông hơn 1.000 tấn chè thành phẩm, thu gần 50 tỷ đồng. Trừ chi phí, ông Tân lãi hơn 3 tỷ đồng/năm. Ngoài sản xuất, chế biến chè khô, ông Tân còn trồng 3,7ha chè với năng suất gần 52 tấn, lợi nhuận thu về 145 triệu đồng.
Cùng với việc ký hợp đồng bán chè búp tươi cho HTX Trà Tân Tiến, các hộ dân ở xã Phúc Khoa còn được HTX cung ứng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để chăm bón diện tích chè của gia đình. Gần đến lứa hái cuối cùng trong năm, ông Tân mới thu hồi tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cung ứng cho các hộ dân trước đó.
Sau khi ký hợp đồng, các hộ dân buộc phải tuân thủ việc chăm sóc, bón phân, phun thuốc, thu hái theo yêu cầu của HTX, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm chè tươi. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Kim Văn Tân còn tạo việc làm, thu nhập ổn định cho khoảng 40 công nhân, với mức lương từ 6 - 7 triệu đồng/tháng.