ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng): Chính phủ cần giải pháp đủ mạnh để hoàn thành mục tiêu đề ra

Tấn Tài 01/11/2023 22:02

ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) cho rằng, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, "bắt mạch - chẩn bệnh - kê đơn" sát hợp với những chính sách, giải pháp đủ mạnh, bảo đảm tính khả thi để hoàn thành các mục tiêu đặt ra.

Khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp gặp nhiều trở ngại

Phát biểu tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, ĐBQH Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) cho rằng, mặc dù bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều bất ổn, đất nước đối mặt với nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong năm 2023 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.

Có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế phục hồi, tình hình giải ngân đầu tư công được cải thiện… Trong bối cảnh phức tạp, đây là thành tựu không thể phủ nhận, tạo đà thuận lợi để tiếp tục phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

ĐBQH Trần Chí Cường (Đà Nẵng): Thành tựu kinh tế đạt được không thể phủ nhận -0
Đại biểu Quốc hội Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) phát biểu tại phiên thảo luận

Cũng theo đại biểu, trong số 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch hầu hết là các chỉ tiêu về xã hội. Trong khi đó, 5/15 chỉ tiêu dự kiến không đạt kế hoạch lại thuộc lĩnh vực kinh tế. Điều này phản ánh tình hình "sức khoẻ" của nền kinh tế đang và sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Các gói chính sách của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chưa thành công và chưa đạt mục tiêu như kỳ vọng.

Trong bối cảnh dự báo tình hình thế giới và trong nước tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố rủi ro bất định sẽ tạo ra nhiều hơn những khó khăn, thách thức trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2024 và những năm tới.

Do đó, đại biểu mong muốn, Chính phủ cần đánh giá toàn diện tình hình, "bắt mạch - chẩn bệnh - kê đơn" với những chính sách, giải pháp đủ mạnh; bảo đảm tính khả thi nhằm hoàn thành các mục tiêu phát triển đề ra. 

Một vấn đề nữa được đại biểu đề cập là theo báo cáo của Chính phủ, đến tháng 9.2023, tín dụng chỉ tăng trưởng 5,91% so với cuối năm 2022. Nền kinh tế đang khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần điều chỉnh lãi suất điều hành với mức giảm 0,5 - 2,0%/năm.

Điều này cho thấy, tình hình sản xuất và kinh doanh đang đối mặt với nhiều khó khăn, đồng thời khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp cũng gặp nhiều trở ngại. Lãi suất cho vay vẫn còn cao, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động vốn bình quân còn lớn; cơ chế cho vay còn phức tạp, làm giảm sức hấp dẫn của việc vay vốn. Hoặc nguyên nhân cũng có thể do khả năng nhận đơn hàng đầu ra bị giảm sút, doanh nghiệp không còn nhu cầu vay vốn. Cùng với đó, thị trường vốn (bao gồm thị trường trái phiếu và thị trường cổ phiếu) đều cho thấy dấu hiệu không ổn định, với mức giảm mạnh.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; Chính sách hỗ trợ lãi suất (2%/năm) với gói hỗ trợ 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại - một trong những chính sách được kỳ vọng giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về vốn có thể đánh giá là không đạt kỳ vọng. Tính đến nay, giải ngân chỉ đạt 781 tỷ đồng, bằng 1,95% (còn hơn 39 nghìn tỷ đồng).

Tất cả yếu tố trên cho thấy, hoạt động của các doanh nghiệp đang đối mặt với hàng loạt khó khăn; sự tiếp cận nguồn vốn trở nên cực kỳ hạn chế, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp trong ngành bất động sản. Điều này có thể dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc hoạt động cầm chừng; thị trường bất động sản gần như bị đóng băng; kéo theo sự suy giảm của nhiều ngành, lĩnh vực khác trong nền kinh tế. Việc khơi thông nguồn vốn và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận vốn là nhiệm vụ cấp thiết ở thời điểm hiện tại.

Đại biểu cho rằng, bên cạnh việc xem xét, điều chỉnh hạ lãi suất thì cần xem xét, đánh giá lại cơ chế, thủ tục cho vay cũng như việc quản lý định hướng tín dụng đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp cho phát triển kinh tế. Điều này không chỉ giúp nền kinh tế phục hồi một cách nhanh chóng mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững trong tương lai.

Chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao

Về 5 chỉ tiêu không đạt kế hoạch, đại biểu cho biết: có 2 chỉ tiêu là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội và tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP. Đây là những chỉ tiêu quan trọng phản ánh chất lượng tăng trưởng. Do đó, cần có sự phân tích, đánh giá hết sức cụ thể, toàn diện để có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, sớm cải thiện trong thời gian tới.

Dẫn sự kiện Việt Nam và Mỹ đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên cấp Đối tác Chiến lược toàn diện vào tháng 9 vừa qua, đại biểu Trần Chí Cường phân tích thêm, việc thực hiện theo tuyên bố chung hai bên sẽ đẩy mạnh hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực số. Mỹ ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam và sẽ tích cực phối hợp nhằm nâng cao vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung bán dẫn toàn cầu.

Do đó, trong thời gian tới, tiềm năng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam rất lớn với nhiều cơ hội thu hút đầu tư, tiếp nhận chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn quốc tế của Mỹ và các đối tác khác.

Đại biểu nhận định, đây là một cơ hội rõ ràng cho nền kinh tế Việt Nam và cần được xem xét, quan tâm khai thác thích đáng. Trong 12 nhóm giải pháp đã đề ra trong thời gian tới, Chính phủ đã đề cập đến việc chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao cho những ngành, lĩnh vực mới nổi. Trong đó, có việc tập trung đào tạo 50-100 nghìn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất chip bán dẫn trong giai đoạn từ năm 2025 đến năm 2030.

Đại biểu bày tỏ tán thành và đánh giá cao việc Chính phủ đã chủ động nghiên cứu và ban hành chủ trương nhằm khai thác tuyên bố hợp tác Việt Nam - Mỹ. Tuy nhiên, để chính sách có thể thực thi được, cần cụ thể hoá các chủ trương này bằng các cơ chế, chính sách mang tính đột phá để bảo đảm cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Đơn cử, như: cần có cơ chế, chính sách cho phép sử dụng ngân sách nhà nước đầu tư xây dựng các trụ sở để cho các đơn vị, doanh nghiệp giàu kinh nghiệm về công nghệ có thể thuê để đào tạo nguồn nhân lực ngành sản xuất chip bán dẫn, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo...

Nhấn mạnh nguồn tài nguyên đất hiếm và phát triển các ngành liên quan như khai thác khoáng sản, công nghiệp bán dẫn, vi mạch... có thể đem lại tăng trưởng nhất định như vai trò của dầu thô thời gian qua, song đại biểu cũng nhấn mạnh, nếu không có chính sách phù hợp để phát triển nội lực thì mức độ lan tỏa sẽ không lớn, mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa không đạt được và con đường công nghiệp gia công, đóng gói sẽ lặp lại.

Tấn Tài