Nghệ thuật múa trống đặc trưng của đồng bào Khmer

Thảo Nguyên 25/10/2023 18:07

Được hình thành trong quá trình lao động, sáng tạo của người Khmer, múa trống Chhay-dăm đã được lưu truyền, phát triển thành loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc trưng trong các lễ hội truyền thống và đời sống sinh hoạt của đồng bào.

Gắn bó mật thiết từ lễ hội tới đời sống

Cộng đồng Khmer có rất nhiều điệu múa mang đặc trưng dân tộc, trong đó múa trống Chhay-dăm là vũ điệu quen thuộc, có thể biểu diễn ở mọi nơi, từ sân khấu đến các lễ hội như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ok Om Bok… Trải qua thời gian dài với rất nhiều biến động lịch sử, văn hóa, xã hội, múa trống vẫn gắn bó mật thiết với đời sống người Khmer tại Nam bộ.

Theo nghiên cứu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tây Ninh, múa trống lúc đầu hình thành chủ yếu trong dịp Tết, biểu diễn với trong nghi lễ cúng, đón rước thần linh. Sau đó, múa trống xuất hiện trong các chương trình sinh hoạt cộng đồng trong phum, sóc của đồng bào Khmer. Ngày nay, điệu múa trống Chhay-dăm cũng được biểu diễn tại lễ hội của dân tộc Khmer, Hội Yến Diêu trì cung của tòa thánh Cao Đài Tây Ninh, các nhà văn hóa dân tộc...

Với người Khmer, tiếng trống, điệu múa Chhay-dăm không chỉ tượng trưng cho sự vui khỏe, an lành, mà còn giúp cho những lễ hội, sinh hoạt cộng đồng thêm tưng bừng, vui tươi.

Trống Chhay-dăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống làm bằng thân cau già đục rỗng ruột. Phần đầu trống phình to được bịt da trâu hay da trăn khô, phần đuôi trống nhỏ hơn, được kết nối với chân trống làm bằng kim loại. Tùy vào người lớn hay nhỏ mà sử dụng trống to hay trống bé. Nhạc cụ phục vụ cho tiết mục múa Chhay-dăm thường có từ 4 - 6 cái trống Chhay-dăm, hai cái Cuôl (chiêng) cùng với Chul (chũm chọe) và Krap (gõ sênh).

Tiết tấu của trống Chhay-dăm lúc nhanh, lúc chậm, lúc nhẹ nhàng khi rộn ràng. Theo các nghệ nhân cao tuổi, múa trống xuất phát từ dân gian nên các động tác mang tính tùy hứng nhiều hơn là tuân theo bài bản. Muốn thể hiện thuần thục các điệu múa, người biểu diễn phải làm chủ được chiếc trống, điều khiển nó cho nhịp nhàng và sinh động. Ngoài ra, còn phải có sức khỏe tốt và sự dẻo dai để thể hiện liên tục nhiều động tác. Điều đặc biệt là ở động tác múa trống theo bộ võ như xuống tấn, nhào, lộn, đánh trống, song đấu... dứt khoát, mạnh mẽ. Chính vì vậy, tham gia đội trống thường là nam giới.

Với những nét nghệ thuật độc đáo, múa Chhay-dăm đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian.

Hài hòa tiết tấu của trống với điệu bộ hình thể

Nhiều năm qua, múa trống Chhay-dăm đã được đồng bào Khmer giữ gìn, lưu truyền và giới thiệu rộng rãi với công chúng. Lần đầu tiên ra Hà Nội giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể quốc gia múa trống Chhay-dăm trong khuôn khổ Ngày Tây Ninh tại Hà Nội năm 2023, ông Cao Văn Thanh Ni - Đoàn múa trống Chhay-dăm Tây Ninh cho biết: Múa trống có động tác đánh trống, múa trống và múa tay, lúc múa đơn, lúc múa đôi, múa ba, múa tư và cả múa tập thể. 

Để có thể thực hiện các động tác trong bài múa Chhay-dăm, người múa phải biết khéo léo kết hợp hài hòa giữa tiết tấu của trống với điệu bộ hình thể. Ngoài giữ tiếng trống luôn đều đặn, nhịp nhàng cùng tập thể, người múa còn dùng cùi chỏ, đầu gối, gót chân để đánh vào trống của mình và của bạn đồng diễn. Cái khó nhất của người biểu diễn múa trống chính là gõ và múa kết hợp phải khớp nhịp, chính xác từ chi tiết nhỏ nhất. Khi đánh trống bằng tay, cùi chỏ, gót chân thì phải kết hợp với nhào lộn nhưng vẫn phải bảo đảm âm thanh vang, không mất tiếng, nhằm tránh làm hạn chế cảm xúc và sự hào hứng của người xem.

Học múa trống từ các thế hệ đi trước khi mới 10 tuổi và gắn bó nhiều năm với loại hình nghệ thuật này, ông Cao Văn Thanh Ni cho biết: “Bộ môn này như môn nghệ thuật, nhưng cũng như một môn võ cổ truyền. Quá trình tôi tập luyện kéo dài khoảng 6 - 7 tháng. Để tập được phải rất khổ luyện, cần có quyết tâm mới có thể luyện được. Ban đầu, khi tập các động tác lên gối, gót, đánh trống bằng cùi chỏ, người tập thường bị đau tay, chân. Khi tập cũng phải giữ nhịp trống đều, rồi mới chú ý đến các động tác khác”.

Múa trống Chhay-dăm hiện vẫn được lưu giữ, truyền lại cho nhiều thế hệ, được duy trì biểu diễn tại nhiều nơi người dân tộc Khmer sinh sống. Theo ông Cao Văn Thanh Ni, tại Tây Ninh hiện còn nhiều người biết múa trống, và được tạo điều kiện nhằm tiếp tục truyền dạy, biểu diễn giới thiệu di sản văn hóa phi vật thể này đến với đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Tây Ninh đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp khơi dậy tiềm năng, xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, với sự đầu tư khá bài bản của tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp, đưa những sản phẩm du lịch để giới thiệu đến du khách trong nước và quốc tế. Múa trống Chhay-dăm, cùng với các loại hình như đờn ca tài tử Nam Bộ, múa Khmer… là những di sản văn hóa dân gian không chỉ mang bản sắc rất riêng biệt của Tây Ninh mà còn có nhiều tiềm năng để lan tỏa, kích hoạt cho ngành du lịch của tỉnh bứt phá, phát triển.

Thảo Nguyên