Khắc phục khó khăn để ngành cá tra phát triển bền vững
Sản phẩm cá tra Việt Nam hiện đã có mặt trên 140 thị trường thế giới giúp mang về nguồn ngoại tệ lớn với kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, ngành hàng này đang phải đối mặt với nhiều thách thức từ biến đổi khí hậu, hạn chế trong nuôi trồng và chế biến, vấn đề xử lý chất thải và đòi hỏi khắt khe từ thị trường…
Thực tế “khắc nghiệt”
Cá tra được nuôi chủ yếu tại vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với diện tích hơn 6.000 ha/năm, sản lượng trên 1,5 triệu tấn, tập trung ở một số địa phương như: An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Bến Tre và Vĩnh Long. Thời gian qua, chuỗi ngành hàng cá tra đã giúp tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, thực tế ngành hàng này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ Phạm Trường Yên, ngành hàng cá tra vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong chuỗi sản xuất, chế biến, xử lý môi trường; mối liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ còn nhiều hạn chế cần phải được cải thiện. Đặc biệt về tổ chức sản xuất, quản lý yếu tố đầu vào, phương án giảm giá thành sản xuất, tăng tính cạnh tranh và bảo đảm ATTP để đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường, nắm bắt cơ hội mới cho xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam trong giai đoạn tới.

Thực tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu cá tra thường xuyên phải đối mặt với tình trạng thị trường tiêu thụ giảm, đơn giá sản phẩm xuất khẩu liên tục giảm ở các thị trường lớn. Trong khi đó, các loại chi phí đầu vào như: chi phí nuôi trồng, chi phí chế biến, lưu kho, logistic, chi phí tín dụng ... đang tăng mạnh. Đây là những áp lực lớn mà các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đang phải đối mặt. Để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, giữ chân người lao động, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã phải “thắt lưng, buộc bụng”, áp dụng các biện pháp thắt chặt kiểm soát khâu chi phí.
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam Phạm Thị Thu Hồng, bên cạnh khó khăn do tác động của biến đổi khí hậu và từ các hoạt động phát triển kinh tế của con người làm cho điều tự nhiên và môi trường có sự thay đổi, nhiều doanh nghiệp và người nuôi cá cũng gặp khó khăn do các chi phí sản xuất đầu vào tăng, nhu cầu vốn tăng, trong khi các tổ chức tín dụng thắt chặt các điều kiện cho vay vốn. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi cá tra còn hạn chế và chưa đồng bộ để đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường, đặc biệt đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ. Việc xử lý chất thải từ ao nuôi chủ yếu là thay nước, sử dụng chế phẩm sinh học, hút bùn định kỳ thường xuyên. Ngành hàng cá tra cũng gặp nhiều thách thức về thị trường, nhất là khi các nước gia tăng rào cản kỹ thuật, đặt ra nhiều tiêu chuẩn và các yêu cầu về lao động, môi trường.
Xây dựng các vùng sản xuất tập trung
Trước những khó khăn đó, nhiều doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, để ngành cá tra phát triển bền vững, cần kiểm soát khâu nuôi trồng, chất lượng con giống, quy hoạch vùng. Theo Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn Huỳnh Đức Trung: “Hiện nay, nguồn cung cấp cá tra giống chủ yếu phụ thuộc vào các hộ nuôi. Tuy nhiên, do chăn nuôi theo quy mô hộ cá thể nhỏ, lẻ nên rất khó khăn trong việc kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, muốn xây dựng được hồ sơ về an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu nuôi trồng đến sản xuất và chế biến cần quy hoạch lại vùng sản xuất con giống”.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường xây dựng kế hoạch triển khai mô hình điểm các chuỗi cung ứng hàng hóa; bảo đảm ATTP từ con giống, vùng nuôi đến sơ chế, chế biến. Trong đó, các địa phương cần có kế hoạch quản lý các cơ sở giống để bảo đảm chất lượng ATTP. Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường Nguyễn Như Tiệp chia sẻ, các địa phương cần xây dựng quy hoạch chi tiết, các khu vực nuôi cần phải quy hoạch đồng bộ với hệ thống cấp và thoát nước riêng biệt, tiến tới hình thành những vùng sản xuất cá tra tập trung, nhân rộng mô hình nuôi cá tra công nghệ cao, tuần hoàn, tận dụng bùn thải thu hồi. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng cá bố mẹ, con giống, thức ăn, kiểm soát bệnh cá để giảm thiểu chất thải tác động môi trường.
Cũng theo ông Tiệp, công tác quản lý điều kiện nuôi trồng và điều kiện đảm ATTP đối với cơ sở nuôi, cơ sở ươm giống còn nhiều hạn chế. Cụ thể, tỷ lệ cơ sở ươm giống được chứng nhận; giám sát thực hiện cam kết thấp; kết quả quản lý cơ quan địa phương chưa phản ánh đúng thực tế điều kiện của các cơ sở. Về vấn đề này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đề nghị các đơn vị liên quan và các địa phương, doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long đẩy mạnh rà soát, khắc phục lỗi trong bảo đảm ATTP. Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm trong việc kinh doanh, phân phối thuốc thú y thủy sản cấm sử dụng; liên tục cập nhật, phổ biến về quy định, yêu cầu của cơ quan thẩm quyền các thị trường cho doanh nghiệp thủy sản xuất khẩu khi có thay đổi. Các doanh nghiệp nên tăng cường thị trường Nam Mỹ, chuẩn bị nguồn hàng vào các thị trường đã cạn nguồn dự trữ, xây dựng chuỗi cung cung ứng đã đứt gãy do nguồn cầu thấp.
(Chương trình có sự phối hợp của Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường)