“Hà Nội - Nơi cuối cùng lắng lại, hóa hồn tôi!”

Lê Thư thực hiện 09/10/2023 06:43

Phông văn hóa và trải nghiệm thực tiễn đã nuôi dưỡng tâm hồn thơ vừa đằm vừa sắc, cho thấy một BẰNG VIỆT chân chất, từ tốn, điềm tĩnh và rất nặng tình với mảnh đất gắn bó hơn nửa đời người. Hà Nội là nơi nhà thơ ký thác những suy tư, trăn trở thầm kín nhất của mình, như ông từng bộc bạch:...Bao từng trải về sau càng gắn liền ta lại/ Thành phố của tình yêu tươi mới mãi/ Nơi cuối cùng lắng lại, hóa hồn tôi!

Sức hút kỳ lạ, quyến rũ

- Nhìn vào mối duyên nợ giữa văn nghệ sĩ với Hà Nội - Thủ đô văn hiến gợi cho ông những suy nghĩ gì?

- Hà Nội bao giờ cũng là nguồn cảm hứng lớn cho các văn nghệ sĩ ở tất cả lứa tuổi. Tôi cũng có nhiều sáng tác về Hà Nội, từ những năm kháng chiến chống Mỹ cho đến giờ, có những bài được nhiều người còn nhớ như Trở lại trái tim mình, Một chút thầm thì trong tình yêu Hà Nội, Tình yêu và báo động, Sen Hồ Tây… Tôi ấp ủ ý định sau đây sẽ làm một tập tuyển sáng tác về Hà Nội, chủ yếu là thơ, điểm thêm mảng tùy bút và tạp văn, nói lên suy nghĩ của mình xung quanh cuộc sống và con người Hà Nội, như một cảm nhận nhìn lại có hệ thống tất cả những gì thuộc về Hà Nội trong hơn nửa thế kỷ gắn bó với thành phố này.

Hà Nội luôn là đề tài nóng bỏng, đầy cảm xúc đối với văn nghệ sỹ. Ảnh: HN
Hà Nội luôn là đề tài nóng bỏng, đầy cảm xúc đối với văn nghệ sĩ. Ảnh: HN

Còn đối với bạn bè tôi cũng như anh em trong giới văn học nghệ thuật, dường như ai cũng cảm thấy tình yêu Hà Nội dào dạt trong mình, dù sống ở bất cứ đâu. Riêng đối với người từng sinh sống, làm việc ở Hà Nội, tình yêu đó như một sự thôi thúc, một “món nợ” mà nếu không “trả” được thì cảm thấy rất ân hận. Do thế, nhìn vào đời sống văn học nghệ thuật, không riêng văn chương mà cả điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật… lĩnh vực nào cũng có một lượng tác phẩm khá đồ sộ về Hà Nội, xuyên suốt từ thời chiến đến khi hòa bình.

- Theo ông, vì sao Hà Nội có sức hút kỳ lạ như thế, quy tụ rất nhiều văn nghệ sĩ và khiến họ phải đau đáu sáng tạo về nơi đây?

 - Là Thủ đô nghìn năm, đi qua bao lịch sử thăng trầm, Hà Nội đương nhiên là mảnh đất hấp dẫn cả “trăm họ đổ về”, luôn tập hợp đủ hương vị, sắc màu từ những vùng đất khác nhau. Theo cách nói của GS. Trần Quốc Vượng, Hà Nội nhờ vậy có nền văn hóa ưu việt để “hội tụ, kết tinh, lan tỏa” tinh hoa văn hóa của cả nước. Một yếu tố nữa, Hà Nội không cố ý tạo nên “tính bản vị” mạnh như một số địa phương khác, vì vị thế là kinh đô, nơi tụ hội hợp pháp, tự nguyện của dân tứ xứ. Vì là nền văn hóa kết tinh tinh hoa của nhiều vùng đất, nên thành phố luôn kết hợp được rất nhiều mặt, đan xen giữa cổ và kim, miền xuôi và miền ngược, dân tộc đa số và dân tộc thiểu số… Tất cả quần tụ rồi phát sáng mạnh mẽ khiến Hà Nội trở nên đặc biệt, là một trung tâm có sức lan tỏa. Đó thực sự là một vẻ đẹp có sức hút kỳ lạ, quyến rũ. Từ tình cảm sâu nặng ấy với thành phố, mỗi người lại có cách đáp trả theo cách riêng. Đấy cũng là mối quan hệ hữu cơ, là sự đáp đền công bằng trên vùng đất luôn có đủ các yếu tố địa linh, nhân kiệt.

   Xứng tầm Thủ đô vinh quang

- Chúng ta đã có vô số tác phẩm thi ca, nhạc, họa… đặc sắc về đề tài Hà Nội. Nhưng thưa ông, ở một khía cạnh nào đó, có lẽ nhiều người vẫn chưa thực sự thỏa mãn với những sáng tác về Hà Nội thời gian qua?

 - Bước vào đổi mới và hội nhập, chúng ta ngày càng có mong muốn lớn là đưa Hà Nội trở thành một thành phố hiện đại, tiêu biểu ở khu vực và tầm cỡ châu lục, xứng đáng với vị thế dân tộc. Nhưng phải có cơ chế và biện pháp thật hiệu quả để Hà Nội thực sự trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thanh lịch và đáng sống. Chúng ta luôn phải tự hỏi, vì sao phẩm chất con người Hà Nội hôm nay thua cả thời chiến tranh khốc liệt, thậm chí thua cả những năm còn nghèo, bao cấp? Có nhiều khía cạnh biểu hiện xuống cấp về lối sống và cách ứng xử kém văn hóa, không đủ tính đại diện cho một Thủ đô. Lối sống thực dụng, chạy theo thỏa mãn các dục vọng tầm thường ngày một nhiều. Xã hội cũng chứng kiến thái độ vô cảm, bàng quan của một số người trước mọi sự việc… Điều đau đớn này xảy ra ngày một phổ biến.

Đối với các tác giả viết về Thủ đô, trong các buổi gặp mặt, anh chị em văn nghệ vẫn nói, phải làm thế nào để thúc đẩy tình yêu Hà Nội thật bền chặt, sâu sắc, làm sao có được những tác phẩm xuất sắc, mới mẻ và chân thật hơn nữa về Hà Nội. Anh chị em cầm bút càng lâu càng nghiệm ra là không nên chỉ thích yên ổn, muốn tròn vo, khuôn ngòi bút của mình về hướng an toàn, chỉ biết ngợi ca cái đẹp, cái hay của Hà Nội, mà bỏ qua trách nhiệm phát hiện nhiều điều còn khiến chúng ta dằn vặt, buồn phiền, thậm chí xót xa, cay đắng. Phải dũng cảm chỉ thẳng ra điều đó, để khắc phục, làm cho cuộc sống ngày càng tốt lên…

     Để tâm hồn hòa điệu

- Quê cha ở Sơn Tây, quê mẹ ở Bắc Giang, sinh ra ở Huế, nhưng ông luôn tự nhận: thẳm sâu trong tâm hồn mình là tình yêu Hà Nội nồng nàn, say đắm và chung thủy… Nhìn lại quá nửa cuộc đời gắn bó với Thủ đô, ông thấy mảnh đất này đã cho mình những gì?

  - Tôi nghĩ, Hà Nội đã tạo thành một phần con người mình, xuất phát từ những cảm quan, suy tư về Hà Nội, những ảnh hưởng, tác động được tiếp nhận từ Hà Nội. Nhiều độc giả nói rằng họ tìm thấy trong thơ tôi có chút gì đó “chất Hà Nội”, dù bài thơ có trực tiếp đề dẫn Hà Nội hay không. “Chất Hà Nội” nghe có vẻ trừu tượng, khó hình dung, nhưng nó đúng là kết tinh của những gì hào hoa, thanh lịch và sống động của một Hà Nội từ xưa, của Thăng Long - Kẻ Chợ nghìn đời. Những ưu thế của tinh hoa, lọc ra từ nền văn minh sông Hồng truyền thống, hòa quyện lại, có vẻ khó diễn giải cụ thể, nhưng thực ra, vẫn cảm nhận được một cách trực quan.

- Không chỉ làm thơ, ông đã gắn bó với Hà Nội trong nhiều cương vị, trong đó từng làm Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố; Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội; tham gia nhiều công trình khoa học về văn học nghệ thuật… Trong những công việc đó, ông hài lòng nhất với vai trò nào?

 - Thực ra cũng khó nói rằng trong cả một đời, hài lòng nhất là việc gì, có khi còn có việc không hài lòng ấy chứ! Nhưng nói chung, mọi việc có ích, đóng góp cho Hà Nội thì tôi đều không từ nan, được tín nhiệm giao việc gì, tôi đều làm hết sức. Có điều, đã là người sáng tác, tôi luôn mong muốn mình có được bài viết hay, dòng thơ hay về Hà Nội, may ra, có thể giúp cho mọi người, kể cả thế hệ mai sau, hiểu sâu hơn và yêu quý Hà Nội hơn. Ngẫm lại, có lẽ đấy là việc tôi tâm đắc và mong muốn được làm nhất.

- Hà Nội tương lai mà nhà thơ Bằng Việt mong muốn sẽ như thế nào?

- Ôi! Có ai lại không muốn Hà Nội ngày càng tươi đẹp hơn, đáng sống hơn! Nhưng Hà Nội dù giàu đẹp, hiện đại đến mấy, thì vẫn phải giữ được bản chất cội rễ của mình. Nếu phát triển nhanh mà bị lai tạp, mất bản sắc riêng, thì không thể có gì bù lại được! Tôi sang Thâm Quyến (Trung Quốc), thấy thành phố ấy phát triển nhanh đến chóng mặt, nhưng người ta vẫn giữ biểu tượng của thành phố chỉ là một mái tranh làng chài heo hút xưa kia, để không ai nỡ quên quá khứ. Hiện nay, ở Hà Nội, đáng mừng là người dân đang dần có ý thức bảo tồn truyền thống Thủ đô mạnh mẽ, “đậm đà bản sắc dân tộc”, cùng chính quyền và Mặt trận, các đoàn thể xã hội... giữ gìn các giá trị bền vững của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, kết hợp hữu cơ với các giá trị của văn hóa Hà Tây, tức vùng văn hóa cổ Xứ Đoài (hợp nhất với Hà Nội 15 năm nay).

Đã giữ vững truyền thống, thì nên nhắc lại mấy ý nói ở trên, là hãy giữ trọn các giá trị đạo đức, tính văn minh, thanh lịch của vùng đất kinh kỳ, mọi giá trị tinh thần làm nên vẻ đẹp có tính nhân văn cao của bao lớp người đã trải qua 4000 năm văn hiến… Dù kinh tế phát triển đến đâu, văn hóa vẫn phải là yếu tố đi song song và đồng bộ. Được như thế, thì tôi nghĩ, Hà Nội sẽ xứng đáng được vinh danh là một trong các Thủ đô có vị thế rất cao của cả châu Á và thế giới trong tương lai.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Thư thực hiện