Khẳng định vai trò cơ quan quyền lực nhà nước tại địa phương
Qua nửa nhiệm kỳ 2021 - 2026, Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp của Bắc Ninh đã đoàn kết, thống nhất tiếp tục thực hiện tốt các yêu cầu đề ra, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng chính quyền các cấp; bảo đảm đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước. Bên cạnh đó, các nghị quyết, kết luận của cấp ủy đều được thực hiện nghiêm túc và được thể chế hóa bằng các nghị quyết của HĐND. Trong đó, có nhiều nghị quyết chuyên đề quy định cơ chế, chính sách đặc thù của tỉnh, khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, góp phần tích cực vào sự phát triển toàn diện và mạnh mẽ của địa phương trong những năm qua.
Góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh
Kỳ họp là hoạt động quan trọng của HĐND, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, HĐND tỉnh đã tổ chức 12 kỳ họp, trong đó có 5 kỳ họp thường lệ và 7 kỳ họp chuyên đề. HĐND cấp huyện đã tổ chức tổng cộng 68 kỳ họp (33 kỳ họp thường lệ và 35 kỳ họp chuyên đề); HĐND cấp xã tổ chức 750 kỳ họp (554 kỳ họp thường lệ và 196 kỳ họp chuyên đề). Tỷ lệ đại biểu HĐND tham dự các kỳ họp đạt từ 89% - 100%. Quá trình chuẩn bị kỳ họp cũng bảo đảm chủ động và linh hoạt trong tổ chức thực hiện; những vấn đề quan trọng của địa phương về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng chính quyền đều được HĐND xem xét, quyết định tại các kỳ họp, bảo đảm phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn địa phương.

Tại các kỳ họp, HĐND các cấp của tỉnh đã dành nhiều thời gian cho chất vấn, tranh luận, làm rõ vấn đề; các phiên thảo luận chất vấn của HĐND tỉnh và cấp huyện đều tổ chức phát thanh và truyền hình trực tiếp; số lượng và chất lượng câu hỏi chất vấn ngày càng được nâng lên. Phiên chất vấn được thực hiện nghiêm túc, đại biểu tham dự kỳ họp tập trung theo dõi, thể hiện rõ trách nhiệm, tích cực nghiên cứu, tham gia đặt câu hỏi chất vấn xung quanh chủ đề chất vấn.
Bên cạnh đó, việc quyết định các vấn đề quan trọng được HĐND thực hiện dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp để thể chế thành các nghị quyết, cơ chế, chính sách của địa phương. HĐND tỉnh đã ban hành 263 nghị quyết; trong đó, có 43 nghị quyết quy phạm pháp luật, 166 nghị quyết cá biệt.
Những vấn đề lớn thuộc thẩm quyền của HĐND tỉnh đều được thảo luận và quyết nghị công khai. Trong đó, phải kể đến các quy hoạch, đề án lớn của tỉnh; các dự án sử dụng đất đai; các nguyên tắc, tiêu chí phân cấp quản lý ngân sách, phân bổ vốn đầu tư phát triển để khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương; các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích phát triển sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội; các cơ chế chính sách để hỗ trợ cán bộ, công chức, đội ngũ cán bộ hoạt động không chuyên trách ở địa phương, tăng cường bộ máy của hệ thống chính trị ở cơ sở... đều được thảo luận, quyết nghị công khai.
Mặt khác, hoạt động giám sát cũng được HĐND tỉnh Bắc Ninh chú trọng và tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành; chất lượng, hiệu quả giám sát được nâng lên. Hoạt động giám sát thường xuyên của HĐND các cấp được thực hiện theo quy định, gồm có việc xem xét các báo cáo của các cơ quan chức năng, chất vấn, thẩm tra, giám sát chuyên đề, giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân…
Từ thực tiễn cho thấy, hoạt động của HĐND các cấp ở địa phương đã có nhiều thuận lợi, cơ chế hoạt động đã được quy định rõ hơn. Tổ chức bộ máy hoạt động của HĐND các cấp được kiện toàn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thường trực HĐND các cấp đã chủ động xây dựng quy chế làm việc; xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa Thường trực HĐND với UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ và các cơ quan liên quan.
Qua nửa nhiệm kỳ hoạt động, HĐND các cấp tỉnh Bắc Ninh cơ bản hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; thể hiện được vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đã đề ra. Thường trực HĐND đã phát huy tốt vai trò trong việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, nhất là trong hoạt động thẩm tra, giám sát. Một số địa phương thực hiện khá tốt hoạt động chất vấn tại kỳ họp HĐND (thành phố Bắc Ninh, thành phố Từ Sơn, huyện Tiên Du); tổ chức hoạt động giải trình của các ngành chức năng thuộc UBND tại phiên họp Thường trực HĐND (thị xã Quế Võ, huyện Yên Phong)...
Chú trọng hoạt động giám sát
Từ nay đến cuối nhiệm kỳ, HĐND các cấp của tỉnh Bắc Ninh bám sát Quy chế làm việc và Quy chế phối hợp công tác để bảo đảm các hoạt động của HĐND; tăng cường phối hợp với UBND tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và các cơ quan liên quan trong việc thực hiện chương trình hoạt động của HĐND; giữ mối liên hệ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Phối hợp với UBND cùng cấp, các cơ quan có liên quan chuẩn bị tốt các nội dung trình kỳ họp, nhất là việc trình đề nghị xây dựng nghị quyết quy phạm pháp luật của HĐND tỉnh. Triệu tập và tổ chức các kỳ họp của HĐND theo đúng quy định của pháp luật và nghị quyết của HĐND. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện quy chế hoạt động của Thường trực, các Ban, đại biểu HĐND; quy chế phối hợp hoạt động giữa Thường trực HĐND, UBND, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ cùng cấp.
Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban của HĐND; nâng cao chất lượng, kết quả giám sát việc triển khai thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND; thực hiện hiệu quả việc tổ chức giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND.
Chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động các Ban của HĐND trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động của Ban; xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện chương trình giám sát hàng năm bảo đảm khoa học, hiệu quả. Đồng thời, phân công các Ban HĐND thực hiện công tác thẩm tra, phối hợp thẩm tra và nâng cao hơn nữa chất lượng thẩm tra, giúp các đại biểu có thêm thông tin, tập trung thảo luận và xem xét quyết định các nội dung quan trọng tại các kỳ họp một cách đúng đắn, hiệu quả.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tỉnh trong việc tiếp công dân, tiếp xúc cử tri, tham gia tích cực các hoạt động tại kỳ họp, nhất là hoạt động chất vấn, thảo luận và hoạt động giám sát của HĐND. Thực hiện tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý kịp thời đơn của công dân, tổ chức gửi đến HĐND và tăng cường công tác theo dõi kết quả giải quyết.