Ngăn chặn tình trạng lợi dụng trái chủ, khách hàng để thực hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước
Sau khi chủ các Tập đoàn kinh tế lớn như: Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, FLC… bị bắt tạm giam để điều tra, làm rõ về các hành vi thao túng thị trường chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, một số phần tử phản động đã lợi dụng để xuyên tạc, bịa đặt, truyền bá thông tin tiêu cực về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, tiền tệ trong nước nhằm gây hoang mang dư luận, làm suy giảm lòng tin của người dân vào kinh tế đất nước. Một bộ phận người dân, trái chủ, khách hàng, nhà đầu tư do thiếu hiểu biết đã bị các đối tượng phản động lợi dụng tổ chức các cuộc khiếu kiện, tập trung đông người gây mất an ninh trật tự (ANTT)…
Những cuộc khiếu kiện do bị “kích động” tâm lý
Thống kê của cơ quan Công an, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra trên 90 cuộc tập trung đông người của các khách hàng, trái chủ (có những cuộc lên đến 300 - 350 người), trong đó 8 cuộc tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh có khách hàng của nhiều tỉnh, thành tham gia; tụ tập căng băng rôn, biểu ngữ có nội dung yêu cầu các ngân hàng, tập đoàn trả tiền.
Nhiều lần khách hàng kéo đông người bày biện đồ cúng, lễ khấn vái trước trụ sở, kéo vào bên trong trụ sở, chi nhánh chửi bới lãnh đạo, nhân viên nhằm gây sức ép ngân hàng trả tiền cho người dân, kéo đến trụ sở Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài Chính, Bộ Công an để chất vấn, đề nghị can thiệp.

Đáng chú ý, nhiều cuộc tụ tập đông người của số trái chủ, khách hàng bị các đài, báo nước ngoài có thái độ thù địch với Việt Nam, các trang mạng phản động lợi dụng tuyên truyền, xuyên tạc, đả phá vai trò lãnh đạo, điều hành kinh tế của Đảng, Nhà nước, kích động chống chế độ.
Một số “khách hàng” tìm cách móc nối, cung cấp thông tin để tuyên truyền, thu hút sự quan tâm của dư luận. Một số nhóm khách hàng thuê luật sư tư vấn pháp luật, nộp đơn tập thể khởi kiện các Tập đoàn kinh tế, ngân hàng…
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch, phản động đã lập hàng trăm nhóm trên không gian mạng (Zalo, Facebook, Telegram, Viber…), lập “Ban liên lạc”, “ban điều hành”, “ban kết nối” tập hợp trái chủ, khách hàng, liên kết mở rộng để thu hút lực lượng; hướng dẫn cách thức tổ chức tụ tập, biểu tình du kích, cách thức chuyển từ tụ tập sang biểu tình, tạo sức ép với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan có chính sách giải quyết; lập “quỹ hỗ trợ” phục vụ cho các đợt tụ tập. Một số đối tượng cầm đầu các nhóm có những phát ngôn tiêu cực, kích động, không loại trừ sẽ bị các đối tượng phản động móc nối, lôi kéo, kích động chống Đảng, Nhà nước.

Trưởng Phòng An ninh Xã hội, Cục An ninh nội địa (Bộ Công an), Đại tá Nguyễn Văn Hướng cho biết: Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương kiểm tra, xác minh, bước đầu xác định đã có trên 1.800 đơn thư khiếu kiện của số trái chủ, khách hàng gửi đến Văn phòng Trung ương Đảng, Ban Dân nguyện Quốc hội, Trụ sở Tiếp dân Trung ương, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, Bộ Công an, chính quyền địa phương, trụ sở các Tập đoàn, chi nhánh, hội sở của ngân hàng…
Hầu hết thư khiếu kiện yêu cầu các ngân hàng, công ty chứng khoán trả lại tiền mua trái phiếu, mua lại trái phiếu hoặc chuyển thành tiền tiết kiệm đối với trái phiếu đã nộp tiền mua qua các tài khoản được mở tại các ngân hàng; đề nghị cơ quan quản lý Nhà nước bảo đảm quyền lợi cho người mua trái phiếu, chịu trách nhiệm xử lý khi để xảy ra sai phạm; đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự với các cá nhân, tổ chức liên quan. Bên cạnh đó, số khách hàng liên quan đến lĩnh vực bất động sản yêu cầu chủ đầu tư chấm dứt hợp đồng, trả lại tiền hoặc chuyển đổi sang căn hộ chung cư và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Từ những bất cập trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp
Đại tá Nguyễn Văn Hướng nhận định, nguyên nhân sâu xa dẫn đến việc khiếu kiện chủ yếu bắt nguồn từ bất cập trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản. Đối với số trái chủ, khách hàng của các Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt, Công ty cổ phần chứng khoán An Đông, ngân hàng SCB là do tác động của tình hình vi phạm pháp luật liên quan lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp gia tăng, tình trạng trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, dẫn đến khách hàng mất niềm tin vào thị trường chứng khoán, trái phiếu.
Trong khi đó, các thông tin tiêu cực trên mạng xã hội, nhất là thời điểm Ngân hàng Nhà nước đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt đã dẫn đến tình trạng nhiều khách hàng không còn tin tưởng vào các sản phẩm liên quan của SCB. Số trái chủ, khách hàng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát yêu cầu được thanh toán tiền gốc, lãi mua trái phiếu hoặc chuyển đổi sang bất động sản nhưng không được do Bộ Công an đã phong tỏa tài sản bảo đảm và các tài sản khác, đến nay chưa được giải quyết vì đang trong quá trình điều tra.
Chưa kể, trong quá trình tư vấn bảo hiểm có dấu hiệu biến tướng làm mất đi tính tự nguyện tham gia hợp đồng của khách hàng như: Tư vấn viên có dấu hiệu yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm mới được duyệt hồ sơ giải ngân, được vay tín dụng tại ngân hàng; tự ý điền thông tin hồ sơ, thậm chí ký thay cho khách hàng tại các hợp đồng bảo hiểm; tư vấn chưa đúng, chưa đủ cho khách hàng về các sản phẩm bảo hiểm, dẫn đến khách hàng hiểu sai và mua sản phẩm không đúng nhu cầu...
Đối với số khách hàng mua căn hộ khách sạn của Tập đoàn Vingroup, FLC, doanh nghiệp tư nhân Sơn Thịnh: một số hợp đồng có tình trạng chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết như chậm bàn giao, chậm trả lợi nhuận cam kết cho khách hàng; một số khách hàng trong quá trình mua bán căn hộ khách sạn chưa tìm hiểu kỹ các vấn đề pháp lý, thông tin của dự án, năng lực, uy tín và cam kết của chủ đầu tư trước khi ký hợp đồng mà chỉ nghe theo tư vấn của đơn vị môi giới, đơn vị bán hàng; một số khách hàng không chấp nhận việc chủ đầu tư kinh doanh thua lỗ, không chấp nhận lợi nhuận thấp hoặc không có lợi nhuận. Doanh nghiệp xây dựng trái phép, sai thiết kế kỹ thuật, chưa đóng thuế cho Nhà nước, sử dụng dự án vay vốn ngân hàng…
Trong khi đó, pháp luật chưa quy định về việc đầu tư, xây dựng và cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ khách sạn. Tuy nhiên, khi bán hàng, các chủ đầu tư dự án căn hộ khách sạn vẫn cam kết với khách hàng sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ lâu dài, có thể chuyển thành đơn vị đất ở. ..
Mặc dù chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng đã nhiều lần tổ chức tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn việc chấp hành pháp luật nhưng số trái chủ, khách hàng do hoang mang, dao động, lo sợ không lấy lại được số tiền đầu tư trái phiếu, căn hộ khách sạn nên đã phát sinh hoạt động phức tạp về an ninh, trật tự...
Các cuộc khiếu kiện, tụ tập đông người của số trái chủ, khách hàng, nhà đầu tư trong lĩnh vực chứng khoán, trái phiếu, bất động sản đã gây mất ANTT, cản trở giao thông và hoạt động bình thường của các chi nhánh ngân hàng, làm mất mỹ quan đô thị.
Lợi dụng sự nhẹ dạ, dao động, tâm lý “sợ mất của” của các trái chủ, khách hàng, các cá nhân, tổ chức phản động, chống đối trong và ngoài nước đã tích cực khai thác, cắt ghép, chia sẻ và đăng tải nhiều bài viết xuyên tạc tình hình chính trị, xã hội, chính sách kinh tế ở trong nước, phê phán vai trò, năng lực quản lý điều hành của các Bộ ngành và Chính phủ, kích động chống phá Việt Nam.
Cần sự vào cuộc đồng bộ
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành trong đó có Bộ Công an tập trung triển khai nhiều biện pháp đấu tranh làm thất bại âm mưu của các thế lực thù địch, ổn định tâm lý đại bộ phận trái chủ, khách hàng.
Điển hình như: ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để bảo đảm quyền lợi cho người mua trái phiếu và các khách hàng của các tập đoàn kinh tế; làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cho người dân không có các hành vi vi phạm pháp luật, tập trung đông người gây ảnh hướng đến hoạt động bình thường của các cơ quan Nhà nước; nâng cao cảnh giác, không để các đối tượng xấu kích động, lôi kéo người mua trái phiếu, số khách hàng tham gia các hoạt động gây mất an ninh trật tự, vi phạm pháp luật.
Đại tá Nguyễn Văn Hướng khẳng định, để ngăn chặn tình trạng lợi dụng trái chủ, khách hàng thực hiện hành vi chống phá Đảng, Nhà nước, làm mất ANTT cần sự vào cuộc đấu tranh đồng bộ của các bộ, ngành và cả các trái chủ, khách hàng.
Về hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần rà soát, thanh tra, làm rõ hoạt động tư vấn mua, bán trái phiếu doanh nghiệp tại các công ty chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng liên quan như Tập đoàn Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát, Công ty bảo hiểm Manulife; kịp thời phát hiện những sai phạm, sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước liên quan lĩnh vực tài chính, tiền tệ, đầu tư, ngân hàng, từ đó có giải pháp cụ thể tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm.
Đồng thời, tăng cường các biện pháp nhằm kiểm soát và hạn chế rủi ro đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và tổ chức tín dụng, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự.
Về kinh doanh căn hộ khách sạn, các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và các cơ quan liên quan rà soát tình trạng pháp lý của các căn hộ khách sạn và có hướng dẫn cụ thể liên quan việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ và thời hạn theo quy định tại Nghị định số 10/2023/NĐ-CP, ngày 3.4.2023 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai; phối hợp với các bộ, ngành chức năng, các cấp Tòa án Nhân dân và UBND các tỉnh, thành liên quan giải quyết khiếu kiện theo quy định của pháp luật.
Kiểm soát chặt chẽ, có hiệu quả các kênh thông tin; yêu cầu nhà cung cấp dịch vụ (Facebook, Tiktok, Google, Zalo, Viber...) có phương án ngăn chặn, loại bỏ tin, bài có nội dung tiêu cực, kích động, chống Đảng, Nhà nước. Chỉ đạo Ban Chỉ đạo 35 các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác đấu tranh, phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, thông tin sai sự thật, xấu độc, ảnh hưởng đến ANTT.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nhất là nơi đã và đang xảy ra các vụ việc phức tạp liên quan vấn đề trái phiếu, bảo hiểm, căn hộ khách sạn (thường xuyên có các cuộc tụ tập đông người gây phức tạp về an ninh, trật tự) cần tăng cường chỉ đạo các Sở, ngành liên quan, giải quyết các nội dung khiếu kiện của số trái chủ, khách hàng, không để tụ tập đông người kéo lên Trung ương khiếu kiện, gây phức tạp về an ninh, trật tự, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về chính trị; đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm (nếu có).
Mặt khác, UBND cấp tỉnh cần hạn chế việc cấp phép đầu tư, xây dựng các dự án căn hộ khách sạn vì chưa có khung pháp lý rõ ràng; cần xem xét kiến nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu trên cơ sở không hợp thực hóa quyền sở hữu nhà ở nếu không đáp ứng chỉ tiêu hạ tầng cơ sở và các quy định pháp luật hiện hành.
Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan giám định, định giá và các cơ quan, tổ chức có liên quan: Đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm kết thúc điều tra đối với các vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng, tiêu cực... có liên quan đến hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Tiếp tục thực hiện xây dựng và thực hiện Phương án về bảo đảm an ninh lĩnh vực tài chính, tiền tệ khi phát sinh các tình huống phức tạp; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương quản lý chặt số đầu đơn, chống đối, phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hoạt động tụ tập đông người gây phức tạp về an ninh trật tự, chủ động phương án xử lý, giải quyết tình huống trái chủ, khách hàng tụ tập đông người khiếu kiện không đúng nơi quy định; củng cố tài liệu, chứng cứ, kiên quyết xử lý các đối tượng có hoạt động cực đoan, quá khích, vi phạm nghiêm trọng để răn đe các đối tượng khác.