Làm giàu từ cây hoa địa lan

Thái Minh 25/09/2023 14:58

Tận dụng khí hậu quanh năm mát mẻ, ôn hòa, người dân ở vùng núi cao Tây Bắc đã đưa cây địa lan rừng về trồng, nhân giống, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Trân trọng "món quà" từ rừng

Anh Vàng A Dủng là một trong những hộ trồng nhiều địa lan ở thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, Lào Cai. Năm 2005, khi đi rừng, thấy cây địa lan rừng cho hoa rất đẹp, anh bèn tỉa nhánh về trồng. Ban đầu chỉ trồng chơi cảnh nhưng qua một thời gian chăm sóc, giống địa lan này hợp thổ nhưỡng nên phát triển tốt, anh quyết định nhân giống, mở rộng vùng trồng. Từ một khoảng vườn nhà được cải tạo để trồng địa lan, rồi nhánh đẻ nhánh, hiện gia đình anh đã có gần 300 chậu địa lan. Riêng dịp cuối năm 2022, gia đình anh bán được 50 chậu địa lan, thu về hơn 100 triệu đồng.

Anh Vàng A Dủng, thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên, Sa Pa, chăm sóc vườn cây hoa địa lan. Ảnh: NVCC
Anh Vàng A Dủng, thôn Sín Chải, xã Hoàng Liên, Sa Pa, chăm sóc vườn cây hoa địa lan. Ảnh: NVCC

Những năm gần đây, cây hoa địa lan được nhiều bà con dân tộc vùng Tây Bắc trồng, coi là nghề chính, đem lại thu nhập cao. Bà con nhận thấy giá trị về mặt kinh tế khi loài hoa này được ưa chuộng trên thị trường. Hơn nữa, việc trồng và chăm sóc cây địa lan đơn giản, không cầu kỳ, không mất nhiều công sức, chỉ cần biết cách tận dụng điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu mát mẻ, ôn hòa vốn có của vùng núi cao.

Theo kinh nghiệm, khi trồng cây địa lan có thể sử dụng chính phân trâu, phân gà ủ mục để bón lót, đợi đến khi cây lớn, phát triển tốt mới bón thêm một lượng nhỏ phân vi sinh. Tính ra, một năm chỉ cần bón phân 2 - 3 lần, chi phí đầu tư không cao. Có điều, cây địa lan khác các loại cây hoa màu, người trồng phải theo dõi, bám sát từng quá trình sinh trưởng của cây, hiểu được đặc tính của từng cây để chăm sóc, cung cấp chất dinh dưỡng phù hợp.

Anh Vàng A Dủng cho biết: "Để cây địa lan phát triển tốt, cho hoa nhiều, đều và đẹp thì quan trọng là phải thường xuyên tưới nước, giữ ẩm, tỉa bỏ lá già, lá sâu, sang chậu cho cây vào đúng thời điểm. Có như vậy, cây mới sinh trưởng tốt, đẻ nhiều nhánh, ra nhiều hoa, bông hoa dài và to với sắc màu tươi mới".

Thông thường, mỗi cụm địa lan cần thời gian khoảng 3 năm là đủ tuổi cho ra hoa đẹp. Vì vậy, các hộ gia đình sẽ chọn cách trồng gối vụ, để năm nào cũng có chậu địa lan đáp ứng nhu cầu của thương lái. Anh Lý Quẩy Chòi, thôn Tà Chải, xã Tả Phìn, Sa Pa, Lào Cai, chia sẻ: “Nhà tôi trung bình có khoảng 100 chậu lan, mỗi năm lại trồng gối 40 - 50 chậu, vậy là năm nào cũng có lan để bán. Mỗi chậu địa lan có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng cũng có lãi rồi”. 

Thay đổi cách nghĩ, cách làm

Trước đây, ở vùng cao Tây Bắc, khi nhắc đến trồng hoa lan, bà con thường nghĩ loài cây này chủ yếu trồng để chơi cảnh, trang trí nhà cửa. Họ coi đây là giống cây đắt tiền và rất khó chăm sóc, thường chỉ dành cho một số ít người am hiểu, nắm vững kỹ thuật trồng. Tuy nhiên, khi nghề trồng địa lan dần được hình thành, hàng năm có thương lái tìm mua tận vườn, nhất là vào dịp cuối năm, lễ tết, mang lại giá trị kinh tế cao cho người trồng, bà con dần nhận ra "món quà" của núi rừng có thể giúp họ vươn lên thoát nghèo, thậm chí có của ăn, của để.

Vườn hoa địa lan xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Ảnh: dulich.laichau.gov
Vườn hoa địa lan xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Nguồn: dulich.laichau.gov

Từ những mầm địa lan khai thác trong rừng, dần dần tích lũy kinh nghiệm tách chồi, trồng, chăm sóc, nhiều gia đình đã nhân giống lên số lượng địa lan ngày càng nhiều. Diện tích trồng địa lan được mở rộng, từ một hộ gia đình lên thành nhiều hộ trong thôn bản, thậm chí đưa địa lan trở thành cây trồng chủ lực của một số xã, huyện. Vài năm qua, đã có hàng nghìn chậu địa lan được trồng ở Tả Phìn, Bản Khoang, Hoàng Liên… Sa Pa, Lào Cai; nhiều thôn bản thuộc các huyện Tam Đường, Sìn Hồ, Phong Thổ... của Lai Châu.

Thực tế, mô hình trồng cây hoa địa lan không những mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần quan trọng trong bảo vệ rừng. Ngày trước, việc thu hoạch cây hoa địa lan từ rừng diễn ra phổ biến ở khu vực miền núi phía Bắc, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển các loại cây rừng, phá hủy môi trường rừng. Tuy nhiên, nhờ áp dụng mô hình trồng cây hoa địa lan theo quy trình đã giúp đáp ứng nhu cầu thị trường, đồng thời góp phần giữ gìn nguồn tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững.

Đặc biệt, có địa phương như xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu, còn đẩy mạnh phát triển diện tích cây địa lan gắn với hoạt động du lịch kết hợp tiêu thụ sản phẩm. Từ những chậu địa lan được người dân trồng trước đó, ra nhiều hoa, đủ điều kiện xuất ra thị trường, bà con Sin Suối Hồ đã mạnh dạn quảng bá sản phẩm địa lan trên mạng xã hội, vận chuyển hoa ra thị trấn, thành phố bán lẻ cũng như cung ứng dịch vụ chuyển hoa tại nhà. Vào dịp Tết, một số hộ dân trong xã còn quy tụ thành điểm tập kết hoa để người dân và du khách dễ dàng đến ngắm hoa, mua hoa.

Có thể thấy, hướng phát triển gắn với cây hoa địa lan đang mở ra cơ hội để hình thành mạng lưới liên kết nông dân và thị trường một cách chặt chẽ, từ đó góp phần làm thay đổi các thôn bản vùng cao. Những nông dân trước kia chỉ trông chờ vào lúa, ngô, khoai, sắn... đau đáu với nỗi lo mất mùa, đang dần thay đổi thói quen. Chính những vườn trồng cây địa lan đã gieo vào họ tư duy thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi mô hình cây trồng để đem lại thu nhập, nâng cao đời sống.

Thái Minh