Phim hoạt hình không chỉ dành cho thiếu nhi

Hương Sen 24/09/2023 05:31

Họa sĩ Hà Huy Hoàng, đồng sáng lập, đạo diễn nghệ thuật của DeeDee Animation Studio (DeeDee) cho rằng, cần xóa bỏ định kiến để các nhà sản xuất hoạt hình thêm cơ hội sáng tác những tác phẩm dành cho đa dạng độ tuổi, có giá trị nghệ thuật và trình độ kỹ thuật sánh ngang các nền hoạt hình lớn trên thế giới.

Gỡ bỏ định kiến

Theo họa sĩ Hà Huy Hoàng, về mặt tâm lý, quan niệm hoạt hình là thể loại chỉ dành cho thiếu nhi khiến công chúng có cái nhìn hạn chế, bó hẹp về những nội dung mà hoạt hình có thể khai thác. “Vì quan niệm hoạt hình chỉ dành cho thiếu nhi nên phải trong sáng, đơn giản, có tính giáo dục và định hướng. Do đó, nếu một bộ phim hoạt hình ra ngoài khuôn khổ, có nội dung phức tạp, khai thác đề tài gai góc, hoặc tính giáo dục không rõ ràng, thì thường bị coi là “sai trái", "lệch chuẩn”, tạo định kiến không tốt với hoạt hình nói chung. Đây cũng là nguyên nhân khiến không ít người cho rằng hoạt hình không phải là loại hình nghệ thuật nghiêm túc, mà chỉ là giải trí vô thưởng vô phạt, không có đóng góp giá trị cho đời sống. Cũng vì thế, họ cho rằng để làm được hoạt hình thì không cần đào tạo bài bản, rèn luyện kỹ năng sâu sắc, hoặc mất nhiều công sức, tài chính”.

"How to Become A Cult Leader" - phim truyền hình độc quyền trên Netflix của DeeDee

Để gỡ bỏ định kiến này, họa sĩ Hà Huy Hoàng cho rằng, cần hiểu rõ hơn khái niệm về hoạt hình. Có thể thấy, hoạt hình và điện ảnh về bản chất không có sự khác biệt, cả hai đều là phương tiện để các nhà làm phim kể những câu chuyện của mình. Với tư cách đó, hoạt hình hoàn toàn có thể và cần phải có quyền được sử dụng để kể bất cứ câu chuyện nào mà tác giả của nó muốn. Hơn nữa, dành cho thiếu nhi hay không là vấn đề về phân loại độ tuổi khán giả, điều này có thể được áp dụng cho bất cứ chất liệu nào khác chứ không riêng hoạt hình.

Những gã khổng lồ hoạt hình

Quan niệm hoạt hình dành cho thiếu nhi chỉ thực sự trở nên phổ biến nhờ thành công của Walt Disney vào thập niên 1930 và những nhân vật ngộ nghĩnh trong phim của ông, với nội dung trong sáng, màu sắc rực rỡ, phù hợp với cả gia đình. Thiếu nhi đặc biệt yêu thích các bộ phim của Walt Disney, vì vậy để đạt doanh thu lớn, hãng tập trung ưu tiên sản xuất các bộ phim hướng tới đối tượng này. “Đây là một lựa chọn hoàn toàn độc lập của riêng Walt Disney, không làm thay đổi bản chất của hoạt hình với tư cách là một chất liệu”, Hà Huy Hoàng cho hay.

Đối tượng khán giả chính của hoạt hình đầu thế kỷ XX đều là người lớn - những người thường xuyên ra rạp xem phim. Phải đến thập niên 1970, những bộ phim hoạt hình được sản xuất với mục đích chính dành cho người lớn mới ra đời như: Fitz the Cat (1972), Heavy Meta (1981), American Pop (1981). Những vấn đề nhạy cảm, nhức nhối về chính trị, xã hội, tình dục, bạo lực, chiến tranh, triết học… được đề cập không chút ngại ngần trong các phim này.

Dần dà, phim hoạt hình dành riêng cho người lớn đã trở thành một phần quan trọng không thể thiếu trong văn hóa đại chúng. Những bộ phim nổi tiếng như The Simpsons, Family Guy… có cấu trúc và cách kể chuyện không khác các phim hài tình huống người đóng (sitcom) và đều là những gã khổng lồ truyền hình ở Mỹ, ngang hàng hay thậm chí vượt qua nhiều sản phẩm khác không sử dụng chất liệu này.

Ngay cả ở những nền điện ảnh lớn khác của thế giới như Liên Xô, Trung Quốc và đặc biệt Nhật Bản, hoạt hình cho người lớn vô cùng đa dạng về thể loại, chiếm vai trò quan trọng trong quá trình phát triển văn hóa ở các quốc gia này. Nhiều tác phẩm đã trở thành kinh điển như The Snow Queen (1957) của Liên Xô, hay Akira (1988) của Nhật thường được so sánh ngang hàng chất lượng nghệ thuật với các tác phẩm người đóng khác.

Cơ hội cất tiếng nói đa dạng

Theo họa sĩ Hà Huy Hoàng, thời điểm hiện tại, ở Việt Nam chưa nhiều sản phẩm hoạt hình dành cho người lớn. Tuy nhiên, DeeDee đã thực hiện được một số phim. Cụ thể như Tàn thể tiền truyện, được Cục Điện ảnh cấp phép phát hành với nhãn phân loại C16 (dành cho khán giả từ 16 tuổi trở lên). Ngoài ra, các phim hoạt hình Tết sản xuất hàng năm phát hành trực tuyến miễn phí ngoài các yếu tố lịch sử, truyền thống cũng phù hợp với khán giả các độ tuổi, như: Đại vương xin hãy tiết chế, Yêu kiều, Đại hiệp, Có thờ có thiêng... DeeDee còn hợp tác với TNA Entertainment sản xuất series phim She-Kings (Nữ tướng) dán mác C16; hay hai dự án How to Become A Cult Leader (độc quyền trên Netflix) và Chimimo (phim hoạt hình dài tập hợp tác cùng Shin-Ei Animation Studio)...

Bên cạnh các phim của DeeDee, ở trong nước, hoạt hình cho người lớn còn có series phim lịch sử Việt sử kiêu hùng do nhóm Đuốc mồi sản xuất; hay gần đây, phim hoạt hình stop motion Giấc mơ gỏi cuốn của tác giả Mai Vũ, từng đoạt giải tại Liên hoan Phim Cannes của Pháp...

Họa sĩ Hà Huy Hoàng cho biết, DeeDee có nhiều kế hoạch sản xuất các bộ phim hoạt hình ngắn, series, phim chiếu rạp với nội dung phù hợp lứa tuổi “người lớn”, tính hàn lâm cao, có chiều sâu và triết lý. Tuy nhiên, khó khăn là tìm nhà đầu tư và nhất là định kiến xã hội dễ gây hiểu lầm hoặc phản đối. “Chúng tôi mong muốn dần thay đổi các định kiến này, khán giả Việt Nam cởi mở và quan tâm hơn tới mảng phim hoạt hình dành cho người lớn, tạo cơ hội cho nhiều tác giả với những tiếng nói đa dạng hơn để chúng tôi có thêm động lực sáng tác, tạo ra các tác phẩm có giá trị nghệ thuật và trình độ kỹ thuật không thua kém các nền hoạt hình lớn quốc tế”, họa sĩ Hà Huy Hoàng nói.

Hương Sen