Hòa Bình phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường
Mặc dù những năm gần đây, du lịch tỉnh Hòa Bình có bước phát triển vượt bậc với số lượng khách du lịch ngày càng gia tăng, các khu, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch được mở rộng cả về số lượng và quy mô… Song, sự phát triển nhanh chóng của hoạt động du lịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên, môi trường xã hội. Do đó, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường là giải pháp cần thiết để du lịch Hòa Bình phát triển du lịch bền vững.
So với các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Hòa Bình được thiên nhiên ưu đãi nhiều cảnh quan tự nhiên tươi đẹp cũng như những di sản văn hóa độc đáo để trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Cụ thể, tỉnh có gần 200 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh nổi tiếng, trong đó có 64 di tích đã được xếp hạng cấp tỉnh và quốc gia. Nổi bật là di tích Đền Chúa Thác Bờ, Nhà tù Hòa Bình, Tượng đài Tây Tiến, Nhà máy in tiền, Chùa Tiên…
Hiện nay, du lịch tỉnh Hòa Bình đã phục hồi nhanh và có bước tăng trưởng ấn tượng. Quý I.2023, toàn tỉnh đón hơn 1,4 triệu lượt khách du lịch, trong đó có gần 90.000 khách quốc tế, doanh thu đạt 1,2 nghìn tỷ đồng, tăng 33,6% so với cùng kỳ, đạt 30,8% kế hoạch. Năm 2023, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, tổng thu từ du lịch đạt 3.900 tỷ đồng… Tuy nhiên, nhiều điểm du lịch đang bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm rác thải nhựa.

Để khắc phục và bảo vệ hệ sinh thái tại các khu, điểm du lịch, thời gian qua, Ban Chỉ đạo du lịch tỉnh Hòa Bình đã phối hợp triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để quản lý, bảo vệ môi trường và đạt nhiều kết quả tích cực. Trong đó, ngành chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng người dân và du khách về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch, khuyến khích khai thác tiềm năng của các Khu bảo tồn thiên nhiên, danh lam thắng cảnh để mở rộng phát triển loại hình du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, góp phần bảo vệ tài nguyên tại các khu bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển du lịch.
Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp trong công tác quản lý đối với hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn; kiểm tra công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Tập trung các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch; bảo vệ tài nguyên du lịch; quản lý môi trường tại các khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị tốt cơ sở vật chất phục vụ khách du lịch trong dịp các ngày lễ, Tết.
Ngoài ra, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của các doanh nghiệp, cộng đồng người dân và du khách về bảo vệ tài nguyên và môi trường du lịch. Nhất là các dự án du lịch được giao đất rừng, sử dụng đất rừng cho phát triển du lịch. Khuyến khích khai thác tiềm năng của các Khu bảo tồn thiên nhiên để mở rộng phát triển loại hình du lịch cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn như: dân tộc Dao tại bản Sưng, xã Cao Sơn, huyện Đà Bắc; xã Tự Do, huyện Lạc Sơn gắn với danh lam thắng cảnh Thác Mu; xã Tân Mai, Ba Khan gắn với du lịch sinh thái nghỉ dưỡng... để tăng thu nhập cho người dân và nâng cao chất lượng cuộc sống tại địa phương.
Công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ du lịch được quan tâm và triển khai hiệu quả. Thường xuyên kiểm tra công tác vệ sinh, an toàn thực phẩm, chất lượng hàng hóa tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh nhất là vào dịp ngày lễ, tết, kịp thời xử lý các vi phạm trong kinh doanh du lịch. Tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách du lịch; bảo vệ tài nguyên du lịch. Xây dựng các phương án cụ thể, phù hợp để quản lý môi trường tại các khu, điểm, cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh, như: Xây dựng biển tấm lớn để tuyên truyền bảo vệ môi trường, phát loa để nâng cao ý thức tại các điểm du lịch.
Định kỳ hàng năm, ngành Du lịch tổ chức các lớp tập huấn về Luật Bảo vệ môi trường cho các sở, ban, ngành, đoàn thể và các cơ sở, doanh nghiệp. Các lớp tập huấn đã thu hút khoảng 200 lượt người tham dự.
Thông qua các hoạt động cụ thể, tỉnh đã gắn các hoạt động du lịch có liên kết chặt chẽ với công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch. Từng bước xây dựng môi trường văn hóa bảo đảm cho du lịch hướng đến văn minh; tạo cơ sở để môi trường tự nhiên trở thành nền tảng cho sự phát triển bền vững của du lịch…
______
Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện