Bài 1: Chưa đáp ứng mục tiêu từ chôn lấp sang xử lý

THÁI AN 30/08/2023 07:51

Cùng với ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác thu gom, xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt trên địa bàn, nhất là việc quy định rõ thẩm quyền cho từng ngành, từng cấp và người đứng đầu đã tạo chủ động gắn với ràng buộc rõ trách nhiệm của các chủ thể, Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương thẳng thắn chỉ ra: việc thu hút đầu tư nhà máy xử lý CTR tập trung cấp vùng, cấp huyện gặp nhiều khó khăn; tỷ lệ CTR sinh hoạt được vận chuyển về các nhà máy để xử lý tập trung còn thấp, chưa đáp ứng được mục tiêu chuyển đổi từ chôn lấp sang xử lý tại các nhà máy…

Tạo chủ động gắn với ràng buộc rõ trách nhiệm

Theo ghi nhận của Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương: việc quy định rõ thẩm quyền cho từng ngành, từng cấp và người đứng đầu tại đơn vị, địa phương đã tạo sự chủ động gắn với ràng buộc rõ trách nhiệm của các chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường, nhất là việc thu gom, vận chuyển, phân loại và xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt trên địa bàn. Cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, hưởng ứng mạnh mẽ của các tổ chức đoàn thể, chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và người dân, công tác quản lý và thu gom, xử lý CTR sinh hoạt đã có những bước chuyển biến tích cực. 100% các khu dân cư, thôn, xã đều thành lập các tổ, đội thu gom; tỷ lệ thu gom, xử lý đạt mức cao (trên 85% ở khu vực nông thôn và trên 90% ở khu vực thành thị); tình hình môi trường từng bước được cải thiện, nhất là khu vực nông thôn.

Đoàn giám sát khảo sát tại Nhà máy xử lý rác thải làng nghề Toàn Cầu ở xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc - ẢNH P.TUYẾT
Đoàn giám sát khảo sát tại Nhà máy xử lý rác thải làng nghề Toàn Cầu ở xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc. Ảnh: P. Tuyết

Các nhà máy đã quan tâm đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cấp công suất đốt tiêu hủy nên lượng CTR sinh hoạt được đem đi xử lý tập trung tăng 160 tấn/ngày so với thời điểm năm 2021, góp phần giảm đáng kể áp lực cho các bãi chôn lấp rác trên địa bàn. Việc đầu tư hạ tầng thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý rác thải từng bước được cải thiện. Công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng được thực hiện bằng nhiều hình thức đa dạng, thu hút được sự tham gia của các thành phần trong xã hội.

Khó thu hút đầu tư nhà máy xử lý chất thải rắn tập trung

Bên cạnh những kết quả tích cực trên, Đoàn giám sát cũng thẳng thắn chỉ ra nhiều khó khăn, vướng mắc. Đó là: việc thu hút đầu tư nhà máy xử lý CTR tập trung cấp vùng, cấp huyện gặp rất nhiều khó khăn, đến nay chưa thu hút thêm được doanh nghiệp nào ngoài 3 nhà máy được đặt tại địa bàn xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà và thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang.

Điểm mới trong hoạt động giám sát lần này là Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương giao Thường trực HĐND cấp huyện (đối với 8 huyện, thành phố không trực tiếp giám sát) chủ trì, phối hợp với Tổ đại biểu HĐND tỉnh giám sát công tác thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, tổng hợp, báo cáo kết quả về Thường trực HĐND tỉnh. 8/8 huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch giám sát và triển khai hoạt động giám sát theo đúng yêu cầu.

Tình hình đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh và ý kiến, kiến nghị của cử tri về vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là tại các bãi chôn lấp, bãi tập kết và tại các Nhà máy xử lý rác thải tập trung kéo dài từ nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm (Kiến nghị của người dân huyện Kim Thành về khói bụi của Nhà máy xử lý rác thải tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà; kiến nghị của người dân huyện Gia Lộc, Tứ Kỳ về tình trạng đốt trộm tại các bãi chôn lấp rác…) ảnh hưởng tới an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội.

Trang thiết bị, phương tiện vận chuyển CTR sinh hoạt của các tổ, đội vệ sinh môi trường tại các xã, phường, thị trấn còn thiếu, chủ yếu là các phương tiện thô sơ, xe tự chế. Kinh phí chi trả cho hoạt động thu gom CTR sinh hoạt còn thấp, nhiều địa phương thu nhập của người lao động chỉ ở mức 1 - 2 triệu đồng/người/tháng, không tương xứng với điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại.

Trong tổng số 631 bãi chôn lấp trên địa bàn tỉnh, có 186 bãi có tỷ lệ lấp đầy từ 70-90%; 31 bãi chôn lấp có tỷ lệ lấp đầy từ 95-100%, trong đó có 23 bãi chôn lấp đã hết công suất nhưng vẫn tiếp tục hoạt động do không tìm được vị trí thích hợp để quy hoạch bãi chôn lấp mới. Nhiều bãi chôn lấp đã ngừng hoạt động, đóng cửa bãi nhưng chưa được xử lý ô nhiễm, cải tạo đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Hầu hết các bãi chôn lấp CTR sinh hoạt trên địa bàn các xã, thị trấn đều không hợp vệ sinh, xây dựng không đúng quy cách, vận hành không đúng quy trình kỹ thuật, nhất là các bãi chôn lấp không có sự đầu tư của Nhà nước. Đa số các bãi tập kết, trung chuyển rác chờ vận chuyển về nhà máy xử lý tập trung chưa bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật về môi trường nên gây ô nhiễm cục bộ, tạo bức xúc trong Nhân dân.

Trên thực tế, tỷ lệ CTR sinh hoạt được vận chuyển về các nhà máy để xử lý tập trung còn thấp (mới đạt 39%, mục tiêu đến năm 2030: 100% khối lượng CTR sinh hoạt trên địa bàn được thu gom và xử lý bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường), chưa đáp ứng được mục tiêu chuyển đổi từ chôn lấp sang xử lý tại các nhà máy. Công suất hiện tại của các nhà máy chỉ đáp ứng được nhu cầu trong ngắn hạn, nếu không đầu tư mở rộng sẽ khó có khả năng xử lý hết khối lượng CTR sinh hoạt đang phát sinh tăng của các địa phương.

Công nghệ đốt tiêu hủy đang thực hiện tại các nhà máy cơ bản bảo đảm theo đúng quy chuẩn kỹ thuật môi trường nhưng thực tiễn hoạt động nói chung chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Lượng rác tồn đọng của các công ty còn rất lớn mà chưa có phương án xử lý triệt để. Bên cạnh đó, việc phân loại rác thải tại nguồn còn nhiều khó khăn, lúng túng, hiệu quả chưa cao.

THÁI AN