Giao Thủy vươn lên cùng biển
Trở lại miền biển Giao Thủy những ngày tiết trời vừa chớm Thu khi nắng hè vẫn còn vương lại trên những cung đường bê tông sạch đẹp, những hàng phi lao xanh mướt ngả ngiêng theo từng cơn gió nhẹ. Giao Thủy từ một huyện thuần nông với xuất phát điểm của nền kinh tế thấp nay đã “thay da đổi thịt” với hệ thống hạ tầng cơ sở khang trang; dọc các tuyến đê biển là hàng loạt mô hình nuôi trồng thủy sản với giá trị kinh tế cao với nụ cười hạnh phúc của người nông dân; chưa kể, những điểm du lịch ở Giao Thủy ngày càng thu hút đông đảo du khách;… Một không khí thi đua lao động, sản xuất hăng say đang diễn ra dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầy tâm huyết, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền giúp Giao Thủy từng ngày vươn lên cùng biển!

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết số 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nam Định đặt ra về xây dựng, phát triển vùng kinh tế ven biển tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo là: Xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp với phát triển các ngành nông nghiệp, thủy sản; phấn đấu đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía nam của tỉnh,… đóng góp quan trọng để đạt mục tiêu đưa Nam Định đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá của cả nước.
“Bám sát chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế biển, đặc biệt là Nghị quyết số 05-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh Nam Định, BCH Đảng bộ huyện Giao Thủy Khóa XXIV và Khóa XXV đã ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển. Theo đó, UBND huyện Giao Thủy chú trọng rà soát, quy hoạch phát triển thủy sản; tập trung vào quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển các cụm công nghiệp, du lịch, dịch vụ ven biển và ven sông. Huyện cũng tập trung nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản và triển khai các Đề án về phát triển thủy sản bền vững và phát triển du lịch huyện Giao Thủy. Những nỗ lực này đang tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân”
Phó chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng
_________
Giao Thủy từ lâu được biết đến là “vựa ngao” lớn nhất nước, cũng là một trong những huyện trọng điểm về nuôi thủy sản của tỉnh Nam Định. Nơi đây “quy tụ” nhiều tỷ phú với thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm. Ít ai biết, trước đây những “đại gia” này, hoặc chỉ là những nông dân “mót biển” sống bằng nghề chài lưới và bắt cua trên cát khi thủy triều xuống, hoặc là những thương binh trở về từ chiến trường vốn sống bằng nghề nuôi tôm, nuôi ngao lẻ tẻ. Nhịp sống trên vùng đất mặn mòi đến nay ngày càng sôi động, người dân nơi đây đang từng ngày vươn lên cùng với biển.
Với diện tích nuôi trồng 3ha, anh Trần Văn Thủy ở xã Giao Phong là một trong những hộ dân đang sản xuất tôm thương phẩm tại vùng nuôi trồng thủy sản tập trung của huyện Giao Thủy. Anh Thủy chia sẻ, ban đầu, gia đình anh cũng như những gia đình khác chỉ nuôi tôm với hình thức quảng canh, đáy ao là đáy đất nước lấy vào ao trực tiếp không qua xử lý. Với cách nuôi này, con tôm rất dễ nhiễm bệnh bởi chất thải của tôm cũng như thức ăn thừa tích tụ lâu trong ao tạo mầm bệnh. Mặt khác, nguồn nước được lấy vào ao không qua xử lý dễ đưa mầm bệnh lây lan từ ao này sang ao khác. Năm 2018, xã Giao Phong đầu tư xây dựng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung. Theo đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật vùng nuôi như kênh dẫn nước vào và nước ra, đường điện được đầu tư xây dựng mới, bảo đảm cho việc nuôi trồng thương phẩm cũng như sản xuất giống của toàn vùng. Gia đình anh Thủy cũng mạnh dạn đầu tư ao nuôi, nhà xưởng, nhà kính, ứng dụng công nghệ trong quá trình nuôi trồng thủy sản. Nhờ đó, môi trường nước được ổn định, tôm sinh sống và phát triển tốt trong mật độ dày, giúp năng suất và sản lượng, chất lượng tôm thương phẩm ngày càng nâng cao. Anh Thủy tính toán, nuôi tôm công nghệ cao, với khoảng 300m2 có thể đạt năng suất từ 1,6 - 2 tấn tôm với giá bán cao. Hiện, mỗi năm gia đình anh Thủy cung cấp khoảng 150 - 250 tấn tôm thương phẩm ra thị trường trong nước, đem lại doanh thu hàng tỷ đồng. Anh Thủy cũng đang tiến hành mở rộng quy mô sản xuất và đầu tư thêm công nghệ trong quá trình nuôi trồng thủy sản.

Nuôi thủy sản thành vùng tập trung được xác định là một trong những hướng tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế, đem lại thu nhập cao cho người dân Giao Thủy. Theo đó, trên địa bàn huyện còn có rất nhiều mô hình sản xuất thủy sản hàng hóa tập trung mang lại thu nhập cao. Điển hình như: Mô hình sản xuất ngao giống, xen canh tôm của ông Lê Văn Hưng ở xóm 19, xã Giao An với quy mô 20ha, hàng năm sản xuất khoảng 8 - 10 tỷ ngao giống, hơn 30 tấn ngao thịt, 50 tấn tôm có chất lượng cao cung cấp cho nhu cầu nuôi ngao trong huyện, ngoài ra còn xuất bán ra ngoại tỉnh đem lại doanh thu khoảng 20 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm và sản xuất các con giống nhuyễn thể như ngao, hàu với 4,5ha của gia đình ông Đỗ Văn Tiến (Giao Phong). Mỗi năm, với 17 ao nuôi tôm thương phẩm và 10 ao sản xuất các con giống nhuyễn thể, gia đình ông thu hoạch từ 10-20 tấn tôm thương phẩm/ha (tăng từ 2-4 lần so với nuôi quảng canh), sản lượng con giống đạt từ 1-2 tỷ con/năm, cho lợi nhuận của gia đình mỗi năm đạt khoảng 15 tỷ đồng; mô hình nuôi cá nước ngọt của Tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản xã Giao Hải với quy mô 30ha; mô hình nuôi ngao thương phẩm sạch của Hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy với quy mô 968ha. Hàng năm, tiêu thụ 5.000 tấn ngao, đem lại thu nhập đáng kể;…
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng, những năm gần đây, huyện đang phát triển nghề nuôi trồng thủy hải sản, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản mặn lợ, là một trong những thế mạnh của địa phương. Hiện tại, huyện có hơn 1.000 cơ sở nuôi trồng thủy hải sản trên diện tích trên 5.152 ha, trong đó có gần 100 trang trại và cơ sở sản xuất ngao giống cùng nhiều loại giống thủy sản khác. Không chỉ đáp ứng nhu cầu trong địa phương, mà còn cung cấp giống cho nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện còn duy trì đội tàu đánh bắt thủy sản 671 chiếc và 7 tàu cá vỏ thép đánh bắt xa bờ, đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ để khai thác hải sản. Các hoạt động này đã đem lại hiệu quả nhất định cho địa phương. Đến năm 2022, sản lượng thủy sản toàn huyện đạt 68.203 tấn, trong đó nuôi trồng chiếm 51.889 tấn và khai thác chiếm 16.314 tấn. Điều này đã góp phần tạo thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người dân địa phương
“Đối với Giao Thủy, biển không chỉ đem lại nhiều nguồn lợi to lớn về kinh tế, mà còn là địa thế quốc phòng, an ninh mang tính chiến lược. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn huyện luôn nỗ lực phát triển kinh tế biển gắn với trách nhiệm bảo đảm ổn định QP - AN. Trong điều kiện tình hình an ninh trật tự trên biển diễn biến phức tạp, trong khi sự hiểu biết của ngư dân về pháp luật chưa đầy đủ; đồng thời, thực trạng ô nhiễm nguồn nước cục bộ, dịch bệnh, quản lý chất lượng thủy sản còn nhiều bất cập, cạnh tranh thị trường ngày càng lớn… Những thách thức đó đang đặt ra những bài toán đòi hỏi địa phương càng phải nỗ lực, quyết tâm hơn nữa trong công cuộc xây dựng một nền kinh tế phát triển bền vững”
Phó chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng
_________

Đến Giao Thủy chắc chắn không thể bỏ lỡ cơ hội tham quan Vườn quốc gia Xuân Thủy. Đây là hệ sinh thái đất ngập nước điển hình cho vùng cửa sông ven biển của miền Bắc Việt Nam và nằm trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam. Đến với Vườn quốc gia Xuân Thủy thì trải nghiệm lớn nhất ở đây là hệ thống bãi bồi ở khu vực cửa sông Ba Lạt giáp ranh với Thái Bình. Nơi đây tổng diện tích 15.100ha, khoảng 7100ha là phân khu chức năng của vườn và 8.000ha là vùng đệm của VQG. Trong diện tích 7.100ha này là có gần 1.500ha diện tích rừng ngập mặn góp phần cố định phù sa, tạo ra bãi bồi duy trì mức độ đa dạng sinh học phong phú, tạo nguồn lợi thủy sản dưới tán rừng, tạo ra nguồn thu nhập cho người dân địa phương.
Trò chuyện với Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy Vũ Quốc Đạt chúng tôi được biết, nơi đây cũng là điểm dừng chân của các loài chim di trú, đặc biệt là chim nước. Có khoảng trên 220 loài chim, có 150 loài là chim di cư đa phần là chim nước di cư từ phương Bắc đến đây để tránh đông. Vườn cũng là khu dự trữ sinh quyển thế giới quan trọng ở vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong những năm gần đây, Vườn ngày càng thu hút đông đảo du khách, bình quân hằng năm 20 - 25 nghìn du khách đến thăm quan, trải nghiệm, đem lại nguồn thu nhập cho người dân, đóng góp vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung của huyện.
“Để từng bước khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh, kết hợp bảo tồn thiên nhiên và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tôi cho rằng, cần đồng bộ giữa chính sách quản lý lâm nghiệp, đất ngập nước giữa hai ngành tài nguyên và môi trường để các vườn quốc gia trong cả nước có cơ hội phát triển. Bên cạnh đó, quan tâm xây dựng khung chính sách phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, kêu gọi các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên để tạo nguồn lực phát triển, tạo sinh kế cho bà con Nhân dân”
Phó Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Thủy Vũ Quốc Đạt

Du lịch phát triển cũng tạo điều kiện thuận lợi để Giao Thủy quảng bá các sản phẩm nông sản, thủy sản, sản phẩm thủ công truyền thống, mang lại thu nhập cho người dân. Hiện, toàn huyện có 427,5 ha diện tích làm muối, đạt sản lượng gần 4.000 tấn và giá trị bình quân/1 ha đất sản xuất muối là 172,3 triệu đồng/năm. Muối tinh, sạch Giao Thủy đã và đang được ưa chuộng bởi người dân trong và ngoài tỉnh. Ngoài ra, huyện cũng có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP từ biển, với một số sản phẩm đạt chuẩn 4 sao.
Để khai thác hiệu quả những tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, huyện đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Đã ban hành các nghị quyết, đề án, kế hoạch và chương trình về phát triển du lịch huyện trong từng năm, từng giai đoạn. Mặc dù hiện nay, Khu du lịch tắm biển Quất Lâm đang trong giai đoạn cải tạo, đầu tư mới, hạn chế đón khách du lịch, xong với tiềm năng sẵn có của du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, du lịch cộng đồng xã Giao Xuân, du lịch tham quan Bảo tàng Đồng quê, ngành du lịch Giao Thủy đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ hoạt động du lịch từng bước được hoàn thiện, trên địa bàn huyện hiện có 65 cơ sở lưu trú du lịch, với trên 1000 phòng nghỉ, trong đó có 9 khách sạn được xếp hạng: 5 khách sạn 2 sao, 4 khách sạn 1 sao. Doanh thu du lịch toàn huyện 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt trên 40 tỷ đồng, tổng lượt khách tham quan đạt khoảng trên 20.000 lượt khách. Dịch vụ thương mại, du lịch đã tạo việc làm và mức thu nhập ổn định cho đông đảo người dân địa phương.
Để thúc đẩy phát triển du lịch biển, huyện Giao Thủy đang kêu gọi các nhà đầu tư có tiềm năng và thế mạnh trong lĩnh vực này để đầu tư vào các Khu du lịch ven sông Hồng, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy, du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong và du lịch tắm biển Quất Lâm. Hiện, liên danh các công ty do Tập đoàn Trường An chủ trì đang đề xuất và nghiên cứu đầu tư vào Khu du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng khu vực Quất Lâm với quy mô trên 1.000 ha, chủ yếu là lấn biển, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 50.000 tỷ đồng. Khu du lịch Quất Lâm sẽ được nâng cấp lên theo hướng khu du lịch nghỉ dưỡng tắm biển cao cấp.
_________

Trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, huyện Giao Thủy xác định xây dựng vùng kinh tế ven biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, trọng tâm là phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại dịch vụ, du lịch, kết hợp với phát triển các ngành nông nghiệp, thủy sản. Muốn phát triển kinh tế biển thì phải thu hút được các nhà đầu tư lớn, các dự án lớn; muốn thu hút được các nhà đầu tư, các dự án lớn thì phải có hạ tầng cơ sở trọng điểm, giao thông thuận tiện kết nối với các tỉnh thành các vùng kinh tế.
Trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng cho biết, trên địa bàn của huyện đã và đang triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, trong đó có 6 dự án trọng điểm, đó là: Dự án tuyến đường bộ ven biển; dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp Giao Thiện; dự án Đường dây và trạm biến áp 110KV Giao Thanh; dự án Khu dân cư tập trung xã Giao Tiến; dự án Khu dân cư tập trung xã Hoành Sơn. Đặc biệt, trong thời gian tới, khi tuyến đường bộ ven biển và tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển và một số tuyến giao thông huyết mạch của huyện hoàn thành, Giao Thủy sẽ có nhiều cơ hội giao thương, kết nối với các vùng kinh tế trọng điểm của miền Bắc như Hải Phòng, Quảng Ninh…, mở ra nhiều cơ hội để thu hút đầu tư, trọng tâm là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao và dịch vụ du lịch.

_________
Trong thực tế triển khai các dự án, khâu giải phóng mặt bằng cũng là bài toán nan giải đối với các địa phương. Không ít địa phương gặp phải sự bức xúc, không đồng tình của người dân dẫn đến khiếu kiện, gây mất an ninh trật tự, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án. Song tại Giao Thủy, ngay từ đầu, cấp ủy, chính quyền đã xác định thu hồi đất nhanh gọn có mặt bằng sạch là yếu tố then chốt có sức cạnh tranh cao để thu hút đầu tư về địa bàn. Huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các biện pháp và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong công tác này.
Trao đổi với phóng viên về kinh nghiệm thực hiện công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, Phó Chủ tich UBND huyện Nguyễn Tiến Tùng khẳng định, công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Trong đó, tập trung tuyên truyền về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tuyên truyền về lợi ích của dự án; tuyên truyền về vị trí dự án đi qua và các chính sách bồi thường, hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt là về giá đất, tài sản, cây trồng, vật nuôi. Trong quá trình tuyên truyền phải bảo đảm nội dung tuyên truyền đến được với người dân và 100% các hộ dân có liên quan đến dự án. Bên cạnh đó, phải làm tốt công tác rà soát phân loại đất, trong đó khó khăn nhất là chênh lệch giữa diện tích sử dụng hiện trạng và diện tích được cấp trên sổ đỏ - tức là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, rất nhiều trường hợp diện tích này chênh nhau và phải giải quyết làm sao để bảo đảm tính pháp lý, hài hòa lợi ích cho người dân.
Theo ông Tùng, phải làm thật tốt công tác kiểm đếm tài sản vật kiến trúc, cây trồng vật nuôi; thống nhất chốt được biên bản kiểm đếm tài sản chặt chẽ, bảo đảm không xâm phạm tới lợi ích của Nhà nước, không lợi dụng chính sách của Nhà nước để trục lợi và không làm ảnh hưởng tới quyền lợi ích của người dân. Xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ và công khai phương án theo đúng quy định; công khai trên cổng thông tin điện tử, công khai tại trụ sở UBND các xã, thị trấn và nhà văn hóa xóm, tổ dân phô; gửi phương án tới tận các hộ gia đình. Đối với những trường hợp khó khăn phức tạp thì huy động sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức cá nhân vào cuộc cùng vận động, tuyên truyền, tìm cách tháo gỡ.
Nhờ những cách làm sáng tạo, bài bản, luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu, công tác giải phóng mặt bằng của huyện Giao Thủy trong những năm qua luôn được người dân đồng tình, ủng hộ, đạt kết quả cao. Đến nay, hầu hết các dự án trọng điểm đã hoàn thành giải phóng mặt bằng mà không để xảy ra khiếu kiện, mất an ninh trật tự. Điển hình là dự án tuyến đường bộ ven biển với diện tích đất phải thu hồi là gần 50ha và liên quan đến 1.290 hộ dân, huyện Giao Thủy đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công và đang tiếp tục phối hợp để triển khai tuyến đường, dự kiến hoàn thành trong quý III. 2023.
“Điều cốt yếu nhất trong quá trình thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng là phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người dân. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, giám sát một cách chặt chẽ quá trình đo đạc, xác định diện tích, loại đất, thửa đất, thiết lập hồ sơ giải phóng mặt bằng, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố tình làm sai lệch hồ sơ để trục lợi. Sau khi phương án được phê duyệt thì tiến hành chi trả tiền cho nhân dân một cách nhanh chóng, kịp thời, công khai, minh bạch để người dân có nguồn lực sớm ổn định đời sống sau khi thu hồi đất”.
Phó chủ tịch UBND huyện Giao Thủy Nguyễn Tiến Tùng
Duy Thông trình bày