Tiềm năng từ trồng cây quế hữu cơ
Từ cây trồng truyền thống, quế đã trở thành hàng hóa mang lại giá trị cao, góp phần giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái. Việc sản xuất theo hướng hữu cơ, hình thành vùng nguyên liệu sạch là hướng đi cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần phát triển đời sống cho bà con vùng cao Tây Bắc.
Thay đổi cách làm
Đối với đồng bào dân tộc Dao ở vùng cao Tây Bắc, quế là một loài cây đặc biệt, gắn bó lâu đời. Xưa kia bà con trồng quế để làm gia vị món ăn, làm dược liệu và là một trong những vị không thể thiếu trong nhiều bài thuốc dân gian của đồng bào. Khi gia đình con cái sinh ra sẽ trồng một cây quế, con lớn sắp đến tuổi dựng vợ gả chồng sẽ được cho một khoảnh đất đồi để trồng quế. Theo thời gian, khi cây quế đã được nhiều người biết đến, nghiên cứu ra cách chế biến chuyên sâu, không chỉ đồng bào người Dao mà nhiều đồng bào các dân tộc khác cũng lựa chọn trồng quế.

Lào Cai và Yên Bái là hai tỉnh có điều kiện thổ nhưỡng khá phù hợp và có diện tích trồng quế lớn nhất vùng Tây Bắc. Có điều trong nhiều năm, bà con chủ yếu trồng tự phát, chăm sóc cây theo thói quen chứ không hiểu về kỹ thuật đào hố, khoảng cách cây, thời gian bón phân, tỉa lá… Chưa kể, theo cách làm cũ, quế được trồng bằng hạt, chọn giống theo kinh nghiệm, bón phân hóa học một cách ước lượng và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh… nên khó đáp ứng thị trường. Thành ra, trong một thời gian dài, sản phẩm không được giá, đầu ra không ổn định, nhiều người không mặn mà với trồng cây quế.
Những năm gần đây, một hướng đi được đẩy mạnh là trồng cây quế hữu cơ. Bà con nhận ra rằng sở dĩ quế có giá trị kinh tế cao bởi vì được trồng trong môi trường an toàn, bảo đảm chất lượng sản phẩm. Hơn nữa, cây quế sạch có thể tận dụng bán được từ vỏ đến thân, lá, giá bán cũng cao hơn trước; anh Đặng Văn Tiếp, dân tộc Dao, thôn Nậm Kha 2, xã Nậm Lúc, Bắc Hà, Lào Cai, chia sẻ: “trước đây, gia đình và các hộ trong thôn thường phun thuốc trừ cỏ để giảm tiền thuê nhân công. Tuy nhiên, bây giờ nhà nào cũng tự trang bị một máy phát cỏ cầm tay. Làm như vậy vừa tốt cho môi trường, bảo vệ nguồn nước, tạo độ ẩm và tăng dưỡng chất hữu cơ cho đất, vừa không ảnh hưởng đến sức khỏe của gia đình, cộng đồng, lại nâng cao chất lượng sản phẩm quế đạt tiêu chuẩn hữu cơ”.
Giờ đây, những vựa quế vùng Tây Bắc đều đang tích cực chuyển đổi sang mô hình trồng hữu cơ. Có thể kể đến các xã như Xuân Ái, huyện Văn Yên, các xã Đào Thịnh, Tân Đồng, Việt Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái; các xã Nậm Đét, Nậm Lúc, Bản Cái, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai… Mô hình sản xuất hữu cơ này giúp hình thành vùng nguyên liệu sạch, góp phần nâng cao đời sống sản xuất và kinh tế của người dân bản địa, đồng thời giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái.
Canh tác gắn với thị trường
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, quế là cây lâm nghiệp mang lại giá trị kinh tế cao. Việt Nam hiện đứng thứ 3 toàn cầu về sản lượng quế. Mỗi héc ta quế cho thu hoạch khoảng 6 - 8 tấn vỏ quế khô, 10 - 15 tấn lá và cành, 80 - 100m3 gỗ. Mỗi chu kỳ canh tác 1ha quế đem lại nguồn thu từ 700 triệu đồng trở lên. Rõ ràng, không những đem lại giá trị kinh tế góp phần xóa đói, giảm nghèo mà cây quế còn có thể giúp bà con vùng cao làm giàu. Hơn nữa, việc trồng quế còn góp phần giữ đất, giữ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái cho khu vực miền núi.
Những năm qua, nguồn lợi từ chuyển đổi canh tác hữu cơ làm cho giá trị của quế cao và ổn định. Trong khi đó nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu các sản phẩm từ quế ngày càng tăng. Điều này dẫn đến việc trồng quế tại các địa phương diễn ra ồ ạt, không đúng quy hoạch vùng sinh thái. Nhiều hộ gia đình phá bỏ các loại cây nông nghiệp, chuyển sang trồng quế một cách tự phát, thiếu kỹ năng chăm sóc, khiến cây còi cọc, kém phát triển. Ngay cả việc áp dụng quy trình kỹ thuật ở nhiều nơi cũng không có sự thống nhất.
Theo các chuyên gia, mặc dù Tây Bắc có tiềm năng lớn trong phát triển cây quế nhưng thực tế trên đang ảnh hưởng không nhỏ đến tính bền vững về chất lượng và giá trị sản phẩm. Để làm giàu bền vững từ cây quế, ngay từ mỗi hộ gia đình cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức về phát triển sản xuất quế theo hướng hữu cơ. Bởi lẽ, sản phẩm quế hữu cơ đòi hỏi tiêu chuẩn từ chọn giống, khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, bảo quản…
Trong khi đó, để nâng cao nguồn lợi kinh tế cho các hộ gia đình, địa phương cần gắn sản xuất quế theo chuỗi giá trị như sản xuất, khai thác, chế biến vỏ quế, gỗ quế và tinh dầu quế, tiêu thụ sản phẩm. Cần chú trọng chế biến sâu, chế biến tinh, áp dụng công nghệ chế biến và quản lý chất lượng, đem lại sản phẩm có chất lượng và giá thành cao, đáp ứng thị trường trong và ngoài nước, nhất là đưa sản phẩm quế thâm nhập vào các thị trường phát triển.
Ngoài ra, một hướng đi mới trong phát triển kinh tế cây trồng chủ lực này là gắn với du lịch sinh thái. Xuân Hòa hiện là xã tiên phong của huyện Bảo Yên, Lào Cai, thực hiện thí điểm trồng quế đi đôi với xây dựng chương trình du lịch trải nghiệm nông nghiệp tuần hoàn, du lịch sinh thái. Cây quế được trồng theo hướng hữu cơ, quy hoạch thành hàng lối, các lán, trại được xây dựng trên triền đồi, có ao cá ở khu dưới... Du khách được thăm rừng quế, thu hoạch quế, câu cá, tìm hiểu phong tục tập quán của bà con thôn bản... trong không gian phảng phất hương vị quế. Mô hình này mặc dù mới nhen nhóm, song hứa hẹn nhiều tiềm năng, để từ đó nhân lên hệ số thu nhập cho người dân, nâng cao hiệu quả từ rừng.