Hà Tĩnh: Nhiều mô hình nuôi cá đem lại hiệu quả kinh tế cao

Văn Anh 25/08/2023 12:56

Theo ghi nhận tại nhiều địa phương ở Hà Tĩnh đang phát triển các mô hình nuôi cá đem lại hiệu quả kinh tế cao, là hướng đi mới cho người dân.

Bỏ tôm nuôi cá 

Tại vùng tại vùng nuôi thủy sản ven đê Hữu Ngạn, xã Thạch Lạc, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, nhiều hộ dân đã làm ao hồ nuôi tôm thẻ chân trắng, tuy nhiên do gặp khó khăn dẫn đến thua lỗ khiến nhiều hộ dân bỏ hoang diện tích; anh Trần Quốc Đức, xã Thạch Lạc chia sẻ, dù đã có kinh nghiệm trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng cũng như tôm sú nhưng vẫn thường xuyên gặp rủi ro; đầu năm 2022, gia đình anh đã quyết định bỏ nuôi tôm và nuôi thử nghiệm nuôi cá chim vây vàng trên diện tích 2.000m2.

Nuôi cá lồng trên đập Ngàn Trươi - Ảnh: TTKNHT
Nuôi cá lồng trên đập Ngàn Trươi. Ảnh: TTKNHT

Khi chuyển sang nuôi cá chim vây vàng, gia đình cũng khá lo lắng, tuy nhiên đây là loài dễ nuôi, kỹ thuật không đòi hỏi nhiều và dung lượng thị trường khá lớn nên gia đình quyết định đầu tư mở rộng diện tích nuôi cá. Đầu năm 2023, gia đình thuê lại diện tích ao hồ bị bỏ hoang tại vùng ven đê Hữu Ngạn để chuyển hoàn toàn sang nuôi cá chim vây vàng trên tổng diện tích 1,5ha, với 6 ao và thả 3 vạn cá giống.

Quá trình nuôi thấy cá phát triển khá nhanh, dễ chăm sóc, kỹ thuật nuôi không khó như tôm và các đối tượng thủy sản khác. Quan trọng hơn, chi phí đầu tư nuôi cá chim vây vàng không cao, quá trình nuôi ít dịch bệnh nên hạn chế được rủi ro. Tuy nhiên, khi thả nuôi cá chim vây vàng, phải cải tạo ao nuôi rất kỹ, rắc vôi, xử lý mầm bệnh và vi sinh vật có hại. Sau khi thả, chú trọng bảo đảm lượng oxy, nhiệt độ phù hợp vì cá chim vây vàng chỉ sinh trưởng, phát triển tốt nhất ở nhiệt độ từ 26 - 32 độ C. Ao hồ phải có độ sâu trên 1,5m nước. Chủ hộ bố trí quạt nước tại các ao nuôi để bảo đảm cung cấp đầy đủ oxy

Nguồn thức ăn chính cho cá chim vây vàng là thức ăn công nghiệp dạng viên nổi. đến giai đoạn cá lớn, người nuôi có thể cho ăn thêm cá tươi xắt nhỏ. Nhằm cung cấp lượng thức ăn đầy đủ, mỗi ngày cho cá ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều mát, với lượng thức ăn được điều chỉnh theo từng giai đoạn phát triển của cá. Trong quá trình chăm sóc, cá cần được được bổ sung một số vitamin, khoáng chất và men tiêu hóa để tăng sức đề kháng, tăng khả năng hấp thụ thức ăn…

Sau gần 5 tháng thả nuôi, tỷ lệ sống đạt trên 85%, trọng lượng đạt 0,4 - 0,5 kg/con. Hộ gia đình đã tiến hành thu tỉa để bán cho thương lái. Dự kiến, khoảng hơn 1 tháng nữa, cá đạt 0,6 - 0,7 kg/con và sẽ thu hoạch toàn bộ. Ước tính, sản lượng đạt 12 tấn với giá bán 140 - 150.000đ/kg, cho lãi 400 - 500 triệu đồng/ha.

Quyết định bỏ nuôi tôm sang nuôi cá được xem là hướng đi mới cho người dân tại xã Thạch Lạc, giúp người dân ở đây từng bước thay đổi tư duy sản xuất cũng như nâng cao thu nhập.

Nuôi cá lồng bè trên hồ Ngàn Trươi

Còn tại thị trấn Vũ Quang, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, nhằm tận dụng lợi thế nguồn nước từ lòng hồ thủy điện Ngàn Trươi, nhiều hộ dân tại đây đã mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng bè. Gia đình anh Lê Xuân Phong, Tổ dân phố 4, thị trấn Vũ Quang, nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ngàn Trươi được gần 2 năm nay. Hiện gia đình anh có 10 lồng cá, chủ yếu nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao như cá leo, cá lăng, cá trắm, cá chép, cá diêu hồng... Năm 2022, ngay năm đầu, gia đình anh thu nhập gần 300 triệu đồng từ nuôi cá lồng.

"Để nuôi cá đem lại hiệu quả cao gia đình phải đầu tư, biết chăm sóc cá để cá phát triển tốt. Hàng ngày phải kiểm tra cá nếu có biểu hiện bị yếu thì phải xử lý ngay, khi lồng bẩn phải chuyển cá sang lồng mới và vệ sinh lồng sạch sẽ sau đó mới chuyển cá lại; chế độ ăn hoàn toàn bằng cá tạp đánh bắt tự nhiên trên sông", anh Phong cho biết.

Trong quá trình nuôi, các lồng, bè được kết nối với nhau một cách hợp lý, khoảng cách giữa các phao, bè phù hợp, bảo đảm cự ly, lưu thông mặt nước, giúp tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh cho cá. Theo anh Phong, yếu tố quyết định thành công của nuôi cá lồng, bè là có dòng nước lưu thông, không phải lo lượng thức ăn thừa, phân cá như nuôi trong ao, do đó giảm thiểu được khâu xử lý môi trường, từ đó giảm được rất nhiều chi phí. Lợi thế dòng nước lưu thông liên tục còn cung cấp lượng oxy cho cá khi nuôi với mật độ cao, nên thuận lợi cho cá nuôi phát triển tốt, chất lượng thịt cá chắc, ngon hơn.

Hiện tại toàn thị trấn Vũ Quang có gần 50 hộ, đã thành lập được 4 tổ hợp tác và 1 Hợp tác xã nuôi cá lồng trên hồ Ngàn Trươi; để phát triển nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, bên cạnh tuyên truyền, vận động người dân nuôi cá, thị trấn Vũ Quang đã lồng ghép các chính sách hỗ trợ người dân, hợp tác xã mở rộng quy mô nuôi cá. Cụ thể, đối với các hộ liên kết thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, hỗ trợ 3 triệu đồng/hộ.

Theo Phó Chủ tịch UBND thị trấn Vũ Quang Lê Thanh Hảo, mô hình nuôi cá lồng bè trên đập thủy điện Ngàn Trươi được xem là hướng đi mới tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân. Chính quyền địa phương cũng đã có những chính sách hỗ trợ, ưu tiên nuôi các loại cá chất lượng cao, mang lại hiệu quả kinh tế. UBND thị trấn Vũ Quang đang nghiên cứu để tiếp tục nhân rộng các mô hình, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác quản lý, bảo vệ môi trường vùng nuôi.

Văn Anh