Tạo điều kiện phát triển tốt nhất cho trẻ em

Thảo Nguyên 25/08/2023 11:41

Trẻ em được đến trường, được học tập, vui chơi, không còn tình trạng tảo hôn, bươn chải lao động kiếm sống... Đây là mong muốn được nhiều trẻ em dân tộc thiểu số chia sẻ tại cuộc gặp mặt do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức nhân Diễn đàn Trẻ em Quốc gia năm 2023.

Nâng cao nhận thức, xóa bỏ nạn tảo hôn

Tới từ thôn Nà Quang, xã Nông Hạ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn, Triệu Kim Dần (dân tộc Dao), lớp 7A, Trường Tiểu học và THCS Nông Hạ cho biết: “là một tỉnh miền núi với gần 90% dân số là người dân tộc thiểu số, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trước đây xảy ra khá phổ biến, và đến nay, vẫn còn không ít bạn bè của em kết hôn trước tuổi; thường các bạn ít biết đến tiếng Việt và chưa có nhiều kiến thức xã hội, chưa biết về độ tuổi có thể kết hôn”.

Trẻ em tham gia cuộc gặp mặt do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 7.8 tại Nhà Quốc hội - Ảnh: Nghĩa Đức
Trẻ em tham gia cuộc gặp mặt do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội tổ chức ngày 7.8 tại Nhà Quốc hội. Ảnh: Nghĩa Đức

Theo thống kê của tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2016 - 2021, chỉ riêng tại các bản làng vùng cao thuộc các huyện như Na Rì, Chợ Đồn, Pác Nặm... đã có hơn 700 vụ tảo hôn và hơn 10 trường hợp hôn nhân cận huyết thống. Chiếm khá lớn là các em nữ dân tộc Mông, Dao, chỉ ở độ tuổi 13 - 16, nhiều em là học sinh.

Tình trạng này cũng xảy ra với nhiều dân tộc thiểu số trên cả nước. Theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế - xã hội 53 dân tộc thiểu số năm 2019, tỷ lệ tảo hôn của người dân tộc thiểu số vẫn còn tới 21,9%. Tỷ lệ nam giới tảo hôn là 20,1%; nữ giới tảo hôn cao hơn, 23,5%. 53 dân tộc thiểu số đều có tình trạng tảo hôn, trong đó 5 dân tộc tỷ lệ tảo hôn cao nhất gồm: dân tộc Mông 51,5%, Cờ Lao 47,8%, Mảng 47,2%, Xinh Mun 44,8%, Mạ 39,2%.

Tại những vùng tập trung đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống như Tây Nguyên, 27,5% số người bước vào hôn nhân khi chưa đủ tuổi kết hôn; trung du và miền núi phía Bắc là 24,6%; đồng bằng sông Hồng - nơi không có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống (3,3%) cũng có 7,8% người dân tộc thiểu số tảo hôn. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn phải nghỉ học dẫn đến tình trạng thiếu kiến thức xã hội, ảnh hưởng đến trí tuệ và thể chất. Đồng thời tảo hôn làm mất cơ hội tìm việc làm, năng suất lao động, sản xuất thấp, kinh tế gặp khó khăn dẫn đến đói nghèo. Nạn tảo hôn cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của trẻ em gái.

Em Kpă Đinh Thu Uyên (dân tộc Jrai), lớp 8A, Trường THCS thị trấn Đăk Rve, huyện Kon Rẫy, Kon Tum, cho biết: “Chúng em có thể tham gia nâng cao nhận thức cho trẻ em về vấn đề tảo hôn, động viên nhằm thay đổi nhận thức của các bạn dân tộc thiểu số về tác hại của việc tảo hôn; tuy nhiên, em mong muốn Nhà nước có chính sách để xóa bỏ tảo hôn, hướng dẫn cha mẹ và trẻ em về tác hại của tảo hôn để từ đó thay đổi tình trạng này”.

Bảo đảm quyền được đi học của trẻ em

Trẻ em không có điều kiện đi học, phải nghỉ học sớm, lao động trước tuổi cũng đang là vấn đề mà các em nhỏ dân tộc thiểu số phải đối mặt. Hà Quốc Bảo (dân tộc Tày), lớp 6A, Trường THCS Động Quan, Lục Yên, Yên Bái, cho biết: “Nhiều bạn cùng trang lứa với em ở khu vực vùng núi, nhà cách xa trường; hơn nữa, do điều kiện kinh tế khó khăn, cuộc sống thường xuyên phải đối mặt với thiên tai mưa lũ, nên nhiều bạn không đi học mà ở nhà phụ giúp cha mẹ làm nông nghiệp, làm thuê, khuân vác... Các bạn không được tiếp cận tri thức, và phải lao động nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe. Cánh cổng tương lai của các bạn dần khép lại. Em mong muốn các bạn đều được tới trường và có môi trường sống an toàn, có đủ cơ sở vật chất để học tập, vui chơi”.

Tuyên truyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân, gia đình tại các trường học. Ảnh: vov.vn
Tuyên truyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật về hôn nhân, gia đình tại các trường học Ảnh: vov.vn

Theo Ủy viên Chuyên trách Ủy ban Xã hội Phạm Trọng Nghĩa, tình trạng trẻ em lao động sớm, không có điều kiện đi học ảnh hưởng tới sự phát triển về thể chất, tinh thần, học hành của trẻ em. Thực tế, Việt Nam đã phê chuẩn các công ước quốc tế về thực hiện quyền trẻ em, nỗ lực trong việc nội luật hóa các quy định pháp luật quốc tế về lao động trẻ em. Tỷ lệ lao động trẻ em đã giảm nhiều, từ 9,6% năm 2012 xuống còn đến 5,3% năm 2018. Chính phủ cũng có Quyết định số 782/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái quy định của pháp luật giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm tiếp tục giảm lao động trẻ em.

Cả nước có 14% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, khoảng 15 triệu người, cư trú ở 51 tỉnh. Hiện nay đồng bào dân tộc thiểu số còn có tỷ lệ hộ nghèo cao, sống ở những nơi khó khăn nhất, tốc độ phát triển chậm nhất, ảnh hưởng tới các đối tượng khác nhau, đặc biệt là trẻ em. Để giải quyết thực trạng này, Chính phủ đã có Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Ở các vùng, miền, tỉnh, thành phố nói chung, nguyên nhân cơ bản dẫn tới lao động trẻ em là lý do kinh tế, do điều kiện gia đình khó khăn nên trẻ em phải lao động trước tuổi. Bởi vậy, ông Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, cần tiếp tục tập trung phát triển kinh tế để trẻ em có điều kiện sống tốt hơn, không phải lao động sớm…

Ngoài chính sách phát triển kinh tế để trẻ em được chăm sóc, học tập và phát triển, Trần Nguyễn Gia Thịnh, học sinh lớp 8, Trường THCS Võ Thị Sáu, Bạc Liêu, kiến nghị: Nhà nước cần có giải pháp nâng cao nhận thức cho các em học sinh và gia đình về tầm quan trọng của việc học; cùng thầy cô động viên và hỗ trợ các bạn có ý định bỏ học; hỗ trợ điều kiện để học sinh dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa có thể đi học và ổn định học tập.

Thảo Nguyên