Sớm ban hành cơ chế khuyến khích sử dụng năng lượng tiết kiệm

Minh Châu 19/08/2023 09:45

Để tiết kiệm điện hiệu quả hơn nữa, Bộ Công thương cần sớm ban hành cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đây là kiến nghị tại Hội nghị "Tiết kiệm điện trong mùa nắng nóng" do Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng phối hợp Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo tổ chức sáng 18.8.

1 tháng tiết kiệm được hơn 226 triệu kWh 

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tính chung 7 tháng năm nay, điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt 160,58 tỷ kWh, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm 2022. Ba tháng đầu năm cung ứng điện bảo đảm (phụ tải thấp hơn so với cùng kỳ 2022). Đáng chú ý, từ tháng 5 phụ tải tăng cao và đạt kỷ lục tại thời điểm 19.5, ở mức 918,5 triệu kWh, tăng 12,34% so với cùng kỳ), công suất tiêu thụ cực đại 43.300MW (tăng 9,12%).

Quang cảnh hội nghị. Ảnh M. Châu
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: M. Châu

Do lượng nước về các hồ giảm đột ngột do El Nino, các nguồn nhiệt điện than bị sự cố nhiều, một số nhà máy điện than xảy ra tình trạng thiếu than, hệ thống điện miền Bắc đã xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung và phải thực hiện tiết giảm phụ tải để bảo đảm an toàn hệ thống.

Trong bối cảnh đó, nhờ quyết liệt triển khai các giải pháp tiết kiệm điện, trong vòng một tháng (17.5 - 16.6.2023), cả nước đã tiết kiệm được gần 226,3 triệu kWh (chỉ tính riêng ở nhóm khách hàng hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng quảng cáo trang trí ngoài trời và cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm). Bình quân 63/63 tỉnh, thành phố đạt kết quả tiết kiệm điện 116% so với kế hoạch, qua đó góp phần tích cực trong bảo đảm cân bằng cung cầu điện.

Cũng theo đại diện EVN, tăng trưởng điện trong 5 tháng cuối năm dự kiến 9,9% so với cùng kỳ năm 2022, đưa lũy kế cả năm dự kiến tăng tăng 5,3%. Về cơ bản, cung ứng điện các tháng còn lại của năm nay sẽ được bảo đảm.

Dự báo trong năm 2024 - 2025, cung ứng điện vẫn sẽ gặp khó khăn. Phụ tải tiếp tục tăng cao, dự báo bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000 - 4.500MW/năm; trong khi đó nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành 1.950MW (2024) và 3.770MW (2025), tập trung chủ yến tại khu vực miền Trung và miền Nam. Bên cạnh đó, công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp; nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm; thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7.2024 (thiếu 420 MW - 1.770MW).

Trong bối cảnh đó, việc thực hành tiết kiệm điện là giải pháp rất cần thiết và quan trọng. Phó Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Tiết kiệm năng lượng - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công thương Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh, các hành động của chúng ta cần đi trước đón đầu và liên tục. Theo đó, “mỗi cá nhân, tổ chức cần đẩy mạnh, hành động ngay, liên tục và thiết thực các giải pháp về thực hành tiết kiệm điện”.

Cần lập kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thị trường điện lực và Đào tạo (ERAVCTED) - đơn vị chủ trì Mạng lưới Tiết kiệm điện Việt Nam (VESN) Nguyễn Quang Minh cho rằng, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả đã, đang và sẽ là một chủ trương lớn của nước ta, nhất là trong bối cảnh mới khi yêu cầu an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện luôn được đặt lên hàng đầu; xung đột địa chính trị; ngày càng khan hiếm nguồn nhiên liệu sơ cấp; cam kết về chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh-sạch và bền vững (COP 26)… Đặc biệt, Nghị quyết số 55-NQ/TW ngày 11.2.2020 về Chiến lược phát triển ngành năng lượng đến 2030, định hướng đến năm 2045 cũng nêu rõ, tiết kiệm năng lượng phải được coi là quốc sách quan trọng và là trách nhiệm của toàn xã hội.

Tại Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 8.6.2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, Chính phủ đặt ra một loạt các yêu cầu như: giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR) ít nhất 1.500 MW vào năm 2025…

Để đạt được những mục tiêu trên, theo ông Minh, cần đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, tuyên truyền thực hành tiết kiệm điện, qua đó sẽ tạo ra sự thay đổi nhận thức để hành động. Theo đó, sẽ quan tâm đào tạo, tuyên truyền từ thế hệ mầm non, thế hệ trẻ; khai thác triệt để Cách mạng Công nghiệp 4.0 thông qua các ứng dụng (app) trên điện thoại thông minh để tuyên truyền, nhắc nhở người dân thực hành tiết kiệm điện. Đáng chú ý, cần chia ra 5 nhóm khách hàng sử dụng điện lớn, gồm nhóm sản xuất - xây dựng; thương mại - dịch vụ; cơ quan công sở, tòa nhà văn phòng doanh nghiệp; hệ thống chiếu sáng đô thị, công cộng; sinh hoạt, hộ gia đình và thiết kế nội dung tuyên truyền phù hợp.

Đại diện Sở Công thương Hà Nội cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm nay, tổng năng lượng tiết kiệm của toàn thành phố đạt 59,5 kTOE (đạt 42,6% so với kế hoạch cả năm); trong đó tính riêng sản lượng điện tiết kiệm là 230,30 triệu kWh xấp xỉ 2,25% điện thương phẩm, cao hơn mục tiêu cả năm của thành phố là đạt mức tiết kiệm tối thiểu 2,2% tổng điện năng tiêu thụ. Dù vậy, việc đầu tư chuyển đổi trang thiết bị, máy móc, công nghệ tiết kiệm năng lượng còn chậm, một số đơn vị đã xây dựng kế hoạch nhưng chưa được bố trí vốn thực hiện…

Để tiết kiệm điện thực chất và hiệu quả hơn, cùng với công tác tuyên truyền, đại diện Công ty TNHH MTV Chiếu sáng và thiết bị đô thị Hà Nội đề xuất, thành phố cần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện công tác thay thế đèn LED trong chiếu sáng công cộng trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch số 72/KH-UBND, đồng thời thực hiện thay đèn LED trong công tác duy trì thường xuyên hàng năm.

Riêng tại EVN, đại diện Tập đoàn cho biết sẽ chủ động, tiên phong trong triển khai, thí điểm các mô hình sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả... Mục tiêu giai đoạn 2023 - 2025, các đơn vị thành viên tiết kiệm điện so với cùng kỳ tối thiểu bằng 10%/tháng và 15%/tháng đối với các tháng cao điểm nắng nóng.

EVN kiến nghị, Bộ Công thương sớm ban hành các cơ chế khuyến khích khách hàng tham gia các chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, DSM, DR… Phát động các chương trình thi đua tiết kiệm điện toàn quốc và theo nhóm/đối tượng khách hàng sử dụng điện. Về phía UBND các tỉnh, thành phố, cần ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 20/CT-TTg; phát động các chương trình thi đua tiết kiệm điện, có khen thưởng, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân chưa thực hiện tốt về tiết kiệm điện; đồng thời đôn đốc, giám sát, thanh tra, kiểm tra thực hiện kế hoạch tiết kiệm điện trên địa bàn.

Minh Châu