Giáo viên vẫn loay hoay thích nghi với dạy môn tích hợp

Quốc Việt 08/08/2023 07:25

Năm học 2023-2024 là năm thứ 3 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THCS. Tuy nhiên giáo viên cùng các đơn vị đào tạo vẫn "đau đầu", loay hoay thích nghi với môn tích hợp.

Giáo viên lo lắng vì khó thích nghi

Hiện nay, nhiều trường học đang duy trì ít nhất 4 tổ chuyên môn (tổ Khoa học tự nhiên); Nội dung giáo dục địa phương cơ bản có 3 tổ chuyên môn cùng giảng dạy (tổ Ngữ văn; tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân; tổ Nghệ thuật).

Do liên quan tới nhiều môn riêng biệt, các trường phải giao về cho tổ bộ môn cùng đảm nhiệm.

Môn Khoa học tự nhiên là nhóm được các trường đánh giá là khó khăn khi thực hiện tích hợp nhất. 

Năm học trước khi Chương trình giáo dục phổ thông 2018 mới chỉ triển khai ở lớp 6, lớp 7 của cấp THCS, các trường có hai phương án bố trí giáo viên. Một là giáo viên dạy song song các phần lý, hóa, sinh như ba đơn môn; hai là dạy theo mạch sách giáo khoa nhưng ở mỗi phân môn, có giáo viên riêng đảm nhiệm. Nhưng năm học 2023-2024 bắt đầu triển khai thêm khối lớp 8, các giáo viên lo lắng sẽ bị quá tải. 

Cô T.P giáo viên dạy Sinh học tại một trường THCS quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ, hiện nay đang dạy 4 tiết/tuần/ khối như vậy 1 tuần sẽ có 8 giáo án. Sang năm học mới được phân công tiếp tục dạy thêm một khối khác, với môn Sinh một giáo viên sẽ phải chuẩn bị nhiều nhất 12 giáo án/tuần. Như vậy việc làm giáo án đã chiếm quá nửa quỹ thời gian của một giáo viên.

"Trong quá trình giảng dạy tích hợp này, chúng tôi thấy có một vấn đề là sách giáo khoa tích hợp sẽ chia thành ba nhóm môn khác nhau. Ví dụ trong khoảng đầu năm học, học sinh sẽ học hết kiến thức môn Sinh, giữa năm học hết kiến thức môn Hoá, cuối năm là môn Vật lý. Nhưng với cách này tổng thể môn học bị thiếu logic. Thậm chí có kiến thức Hóa liên quan tới toán nhưng học sinh lại chưa được học phần kiến thức Toán là nền tảng để tiếp thu Hóa." Cô T.P nhận định.

Cùng chung ý kiến với cô T.P, cô giáo N.H giảng dạy môn Hoá tại một trường THCS công lập quận Cầu Giấy cho biết, dù được gọi là môn học tích hợp, nhưng trong các tài liệu về môn này trong cả ba bộ sách vẫn được viết “tách bạch” theo 3 môn riêng biệt. 

Theo cô N.H, mỗi giáo viên sẽ phải dành nhiều thời gian hơn để tự nghiên cứu và tổng hợp lại các kiến thức từ cả ba bộ SGK để làm nguồn tài liệu dạy cho riêng mình, chưa kể tài liệu nâng cao. Tuy nhiên, các trường chỉ lựa chọn 1 loại sách để dùng dạy học sinh. Như vậy, học sinh sẽ có nhiều câu hỏi đặt ra hơn, do ở mỗi sách có 1 số kiến thức được trình bày khác nhau. Đôi khi những câu hỏi đó thuộc phần kiến thức không phải là chuyên môn chính của giáo viên và  khó có thể giải đáp thoả đáng tất cả các thắc mắc từ phía học sinh.

Thầy M.H, giáo viên môn Lịch sử ở Thanh Thuỷ, Phú Thọ chia sẻ: "Đến bây giờ tôi vẫn chưa khỏi băn khoăn về việc mình hiểu ý nghĩa của môn tích hợp sao cho đúng. Tích hợp là dạy 3 phân môn xâu chuỗi kiến thức lại với nhau hay tích hợp là “tổ hợp 3 môn học lại thành 1 quyển sách?”.  

Với thâm niên 15 năm dạy môn Sử, khi được phân sang dạy môn Địa lý lớp 7 thầy M.H đã phải tra Google hoặc "cầu cứu" đồng nghiệp. Thầy H chua xót khi thành thật rằng mỗi khi đứng lớp dạy trái môn, chỉ mong học sinh không hỏi gì. Nếu hỏi, thầy đành phải hẹn vào tiết sau mới giải đáp cho học sinh. 

Chứng chỉ giáo viên dạy tích hợp như “lót lá đỡ nóng”  

Để chuẩn bị cho việc triển khai chương trình mới ở cấp THCS, ngày 23.6.2021, Bộ GD-ĐT ban hành Công văn số 2613 hướng dẫn về 2 môn tích hợp.

Ngày 21.7.2021, Bộ GD-ĐT đã ban hành 2 Quyết định: Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lí.

Đến nay, các địa phương đều đã điều động một bộ phận giáo viên đi học bồi dưỡng để về dạy 2 môn học mới. Bên cạnh đó, nhiều trường sư phạm đã tuyển sinh, đào tạo 2 chuyên ngành này. Kết thúc năm học 2022-2023 đã có khóa sinh viên sư phạm tích hợp đầu tiên ra trường.

Thầy Nguyễn Mạnh Sáu, hiệu trưởng trường THCS Trung Nghĩa, Thanh Thuỷ, Phú Thọ, cho biết nhà trường đã sắp xếp việc tập huấn, cử giáo viên đi học chứng chỉ dạy tích hợp. Tuy nhiên các lớp tập huấn chỉ dừng lại ở mức giới thiệu chương trình, sách giáo khoa. Các lớp bồi dưỡng chứng chỉ thời gian đào tạo 8 tháng đến 1 năm là quá ngắn. 

Nhà trường vẫn phải duy trì việc giáo viên đơn môn dạy để đảm bảo chất lượng đào tạo. Để có một giáo viên đứng lớp cứng phải trải qua quá trình đào tạo, tập huấn, nâng cao tay nghề chuyên sâu,  phải dành rất nhiều thời gian.  4 năm đại học, 2 năm cao học, chưa kể thời gian cho các chứng chỉ khác, như vậy một giáo viên có thể dạy 1 nhưng phải học 10. 

Trong trường hợp thiếu giáo viên nhà trường sẽ phải để thầy cô khối tự nhiên dạy cho qua môn, nhưng điều này làm học sinh khó được tiếp thu kiến thức chuyên sâu. Thực trạng hiện nay cùng một quyển sách giáo khoa nhưng 3 giáo viên dạy. Một bài thi KHTN gom kiến thức ba môn, chuyển giao luân phiên cho ba giáo viên cùng chấm, cộng điểm, vào sổ, điều này quá phức tạp.

Bản thân giáo viên không có chuyên môn không thể dạy hay được, không có đủ trải nghiệm để lấy ví dụ, so sánh cho học sinh hiểu sâu kiến thức.

Việc đào tạo chứng chỉ dạy tích hợp cho giáo viên cũng chỉ là “lót lá đỡ nóng”, kết quả không cao. Thầy Nguyễn Mạnh Sáu cho rằng, hiện nay có thể quay trở về học đơn môn, tới khi nguồn nhân lực được đào tạo bài bản, có thể dạy liên môn được mới thể triển khai dạy tích hợp một cách đồng bộ và ít bất cập hơn so với bây giờ. 

Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát của Quốc hội cuối tháng 7.2023, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã nêu những khó khăn về các môn học tích hợp: "Bộ cũng nhận thấy việc triển khai môn tích hợp là một thách thức lớn đang đặt ra và cho rằng môn tích hợp là câu chuyện "quả trứng và con gà"...

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tích hợp trước mắt sẽ có hai con đường: Một là quay về như cũ thành các đơn môn; con đường thứ hai là vẫn kiên trì đổi mới và sẽ tính toán một lộ trình đến một năm nào đó giáo viên cũ được tập huấn đầy đủ các điều kiện đảm bảo và sẽ hoàn tất. Phải xem đây là vấn đề chuyên môn và cần quá trình triển khai chứ không phải đặt ra yêu cầu về thời gian, tháng mấy phải làm xong vấn đề này".

Quốc Việt