Đứng gần lò vi sóng có nguy hiểm?
Kể từ khi lò vi sóng trở nên phổ biến trong căn bếp, những lo ngại về ảnh hưởng sức khỏe của chúng cũng dần rộ lên. Điều này liệu có đúng?
Lò vi sóng hoạt động như thế nào?
Lò vi sóng là một ví dụ về cách bức xạ có thể được sử dụng vì lợi ích của con người. Lò vi sóng tạo ra sóng bức xạ điện từ (vi sóng) làm rung chuyển các phân tử nước để nấu chín thức ăn. Có một thiết bị ở trong máy vi sóng gọi là máy từ trường phát ra sóng vi ba, phản xạ từ bên trong máy.
Ma sát gây ra bởi các phân tử dao động này tạo ra nhiệt cần thiết để hâm nóng thức ăn, làm nổ bỏng ngô hoặc làm chảy bơ và bản thân thực phẩm sẽ không bị nhiễm phóng xạ.

Vì nhiệt sinh ra từ sự chuyển động của các phân tử nước nên thực phẩm có hàm lượng nước cao, chẳng hạn như rau củ, sẽ nấu chín nhanh hơn trong lò vi sóng so với thực phẩm khô.
Có an toàn khi đứng trước lò vi sóng không?
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, lò vi sóng hoạt động bình thường không gây nguy cơ ung thư. Lượng bức xạ mà lò vi sóng phát ra được quy định chặt chẽ để đảm bảo lò an toàn khi sử dụng trong gia đình. Lượng rò rỉ bức xạ từ lò vi sóng được hạn chế ở mức rất nhỏ, thấp hơn nhiều so với mức có thể gây nguy hiểm.
Lò vi sóng cũng được yêu cầu phải có 2 hệ thống để ngừng phát xạ vi sóng ngay khi cửa được mở. Cùng với đó, việc sản xuất lò vi sóng cũng đều được thử nghiệm và kiểm soát chất lượng.
Tuy nhiên, tốt nhất là giữ khoảng cách an toàn với lò vi sóng khi nó đang bật trong trường hợp lò bị hư hỏng hoặc trục trặc. Ví dụ, nếu nút vặn, tấm chắn hoặc cửa lò bị hư hỏng, bức xạ có thể rò rỉ ra ngoài.
Nhưng ngay cả khi một số bức xạ rò rỉ ra ngoài, thì cũng không có gì phải hoảng sợ. Lò vi sóng tạo ra bức xạ không ion hóa, không có đủ năng lượng để gây hại trực tiếp cho tế bào.
Điều này khiến cho việc tiếp xúc tình cờ trong thời gian ngắn sẽ không làm tăng nguy cơ ung thư. Ánh sáng nhìn thấy được, sóng vô tuyến và sóng wifi cũng là những ví dụ về bức xạ không ion hóa, năng lượng thấp.
Mối nguy hiểm sức khỏe lớn nhất do lò vi sóng gây ra là nguy cơ bị bỏng do chất lỏng sôi, hộp đựng nóng và thức ăn nóng.
Bên cạnh đó, lò vi sóng được đậy kín đúng cách không gây nguy cơ ung thư cho người đang mang thai, trẻ sơ sinh hoặc người có thiết bị tim. Và nếu bạn có con nhỏ thì hãy lưu ý rằng một số lượng đáng kể trẻ em bị bỏng là do chúng mở cửa và làm đổ đồ nóng.
Vì lò vi sóng bị lỗi hoặc hỏng có khả năng gây hại khi sử dụng, bạn nên lùi lại một vài bước để đảm bảo an toàn. Năng lượng vi sóng càng giảm khi nó càng phát ra từ chính lò vi sóng, vì vậy đứng cách thiết bị vài bước chân sẽ giảm nguy cơ gặp phải bất kỳ bức xạ vi sóng nào ở mức nguy hiểm.
Một phép đo bức xạ vi sóng được thực hiện cách lò 50cm sẽ xấp xỉ 1/100 giá trị được đo cách lò 5cm.
Khi nào nên ngừng sử dụng lò vi sóng?
Bạn không nên sử dụng lò vi sóng nếu:
- Nó phát ra tiếng nổ hoặc những âm thanh bất thường khác.
- Chốt cửa bị hỏng.
- Bạn thấy các vết nứt trên kính hoặc các khoảng trống trong các miếng đệm.
- Nó vẫn hoạt động khi cửa mở
Nếu gặp bất kỳ điều nào ở trên, hãy ngừng sử dụng lò vi sóng và sửa chữa hoặc thay thế bằng một lò vi sóng khác còn hoạt động tốt.