Mỗi ngày thu 13 tỷ đồng nhưng chế độ hậu mãi của "ông vua" bán hàng hiệu Tam Sơn theo kiểu "đem con bỏ chợ"

Nguyễn Khánh 19/07/2023 12:24

Với hệ thống hơn 40 cửa hàng bán lẻ tại các vị trí trung tâm ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Tam Sơn có thể nói là “ông vua”trong ngành bán lẻ hàng xa xỉ tại Việt Nam.

Theo thông tin được công bố, công ty Cổ Phần Quốc tế Tam Sơn được sáng lập năm 2005, là thành viên của Tập đoàn Openasia. Với mục tiêu mang những thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới tới Việt Nam, Tam Sơn đã liên tục mở rộng danh sách các thương hiệu mà Công ty đại diện ở nhiều mảng sản phẩm cao cấp từ thời trang tới đồng hồ, trang sức và các sản phẩm phong cách sống như: Hermès, Bottega Veneta, Saint Laurent, Kenzo, Boss, Hugo, Marc Jacobs, Patek Philippe, Vacheron Constantin, Chopard, Bang & Olufsen, Bernardaud, Lalique, Rimowa, Alessi, Hanoia…

Với hệ thống hơn 40 cửa hàng bán lẻ tại các vị trí trung tâm ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Tam Sơn có thể nói là “ông vua”trong ngành bán lẻ hàng xa xỉ tại Việt Nam.

Dính “lùm xùm” để khách trả chi phí khi bảo hành sản phẩm, “Ông vua” phân phối hàng hiệu Tam Sơn đang kinh doanh ra sao? -0
Tam Sơn có hàng chục cửa hàng bán đồ hiệu xa xỉ đắt tiền.

Dữ liệu tài chính thể hiện, kết thúc năm 2022, Tam Sơn ghi nhận doanh thu kỷ lục lên đến hơn 4.700 tỷ đồng, tăng 67% so với năm trước và gấp 3 lần so với năm 2018. Trung bình mỗi ngày, doanh nghiệp này thu về 13 tỷ đồng.

Cùng chiều với doanh thu, lợi nhuận của Tam Sơn liên tục tăng mạnh. Năm 2022, doanh nghiệp này lãi kỷ lục gần 850 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm trước. So với thời điểm 5 năm trước, lợi nhuận của Tam Sơn đã tăng gấp 5 lần.

Gần như “một mình một chợ” trong thị trường đồ xa xỉ nên Tam Sơn liên tục mở rộng quy mô. Năm 2022, tổng tài sản của Tam Sơn đạt gần 3.600 tỷ đồng, gấp rưỡi chỉ sau một năm và gấp gần 3,5 lần so với thời điểm cuối năm 2018.

Vốn chủ sở hữu cũng tăng mạnh từ mức 700 tỷ cuối năm 2018 lên hơn 2.300 tỷ đồng vào cuối năm 2022, tức là gấp hơn 3 lần. Nợ phải trả cũng tăng tuy nhiên tỷ trọng trong tổng nguồn vốn chỉ chỉ dưới 40%. Đây là điều dễ hiểu khi Tam Sơn có khoản lợi nhuận lớn tích luỹ hàng năm có thể bổ sung vào vốn chủ để kinh doanh.

Trước đó, Báo Đại biểu Nhân dân đã phản ánh về trường hợp khách hàng N.M.N (40 tuổi, trú tại Hà Nội) bức xúc vì mua sản phẩm kém chất lượng ở cửa hàng của Tam Sơn.

Theo đó, vào tháng 2.2023, khách hàng N có đến cửa hàng của thương hiệu SAINT LAURENT do Công ty Cổ phần quốc tế Tam Sơn (công ty Tam Sơn) phân phối tại Tầng 1 Union Square, 171 Đồng Khởi, quận 1, TP Hồ Chí Minh mua một túi xách có giá trị 72 triệu tặng bạn.

Dính “lùm xùm” để khách trả chi phí khi bảo hành sản phẩm, “Ông vua” phân phối hàng hiệu Tam Sơn đang kinh doanh ra sao? -0
Chiếc túi hàng hiệu đắt tiền của khách hàng N gặp sự cố hỏng chốt chỉ sau một thời gian ngắn mua về sử dụng. Tuy nhiên, khi mang tới cửa hàng của Tam Sơn để bảo hành, khách hàng được nhân viên cho biết sẽ phải chịu chi phí sửa và vận chuyển.

Sau khi sử dụng được vài tháng, chốt khoá của sản phẩm bị bung, khách hàng N có thông báo với nhân viên bán và đề nghị được hỗ trợ bảo hành sản phẩm. Thế nhưng khách hàng khá bất ngờ khi nhân viên bán hàng thông báo cửa hàng SAINT LAURENT đã bị đóng cửa và đề nghị khách hàng tự mang qua địa chỉ My Bag Spa số 10 Đặng Thị Nhu ở quận 1, TP Hồ Chí Minh để sửa. Đồng thời nhân viên này cũng cho biết thêm, cũng thường mang qua cửa hàng này sửa.

Nhân viên của Tam Sơn còn cho biết, khi khách đến bảo hành với những sản phẩm bị lỗi dễ sửa sẽ làm bên cửa hàng nói trên, còn lỗi khó thì hỗ trợ gửi cho hãng và mất thời gian khoảng 4 tháng, tuy nhiên mọi chi phí sẽ do khách hàng chịu.

Nguyễn Khánh