Khăn piêu tô điểm múa xòe

Thái Minh 10/07/2023 14:30

Giữa núi non hùng vĩ, các cô gái trong điệu xòe với chiếc khăn piêu lúc chập vào, lúc mở ra, nâng lên, hạ xuống, dập dờn như những cánh bướm. Từ bao đời nay, điệu múa ấy đã trở thành biểu tượng tình yêu, niềm vui và sự tinh tế của phụ nữ dân tộc Thái.

Từ đôi tay khéo léo

“Không xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Với người Thái, xòe có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Nếu xòe vòng sôi nổi bao nhiêu thì xòe điệu nhẹ nhàng, tinh tế bấy nhiêu. Xòe khăn là một trong những điệu xòe đặc sắc và phổ biến, không chỉ tôn lên nét uyển chuyển thướt tha mà còn nói lên sự khéo léo từ đôi bàn tay của người con gái Thái.

Ở điệu múa xòe, những chi tiết đẹp nhất của khăn piêu được lộ ra rõ trước mắt người xem - Ảnh: Trịnh Thông Thiện
Điệu xòe Nhôm khăn mang ý nghĩa biểu tượng đoàn kết cộng đồng. Nguồn: dienbien.gov.vn

Phụ nữ Thái Trắng thường sử dụng khăn lụa dài để múa, còn phụ nữ Thái Đen dùng chính chiếc khăn piêu đội đầu. Mỗi chiếc khăn là điểm nhấn tôn lên vẻ đẹp nữ tính và trình độ thẩm mỹ của người thêu. Sắc màu và hoa văn độc đáo được kết hợp với nhau một cách tinh tế. Đó là màu xanh của núi rừng, màu vàng của ánh nắng, nương lúa và màu trắng hồng của hoa thơm. Mỗi hoa văn như cách ứng xử của người Thái với thiên nhiên và bản làng.

Thế giới quan và nhân sinh quan của người Thái cũng được gửi gắm trên chiếc khăn piêu. Họa tiết trên chiếc khăn thường là hình những con vật gần gũi, hiền lành như hươu, bướm, chim, voi, hình mặt trăng, hình quả trám... Các cút piêu được làm từ vải đỏ cuộn tròn, bên trong lõi là sợi vải. Người cuộn phải rất khéo léo sao cho cút piêu này giống hình ngọn cây dương sỉ và thêu xen kẽ chỉ màu xanh, đỏ tím vàng… Khi thêu xong khăn, phụ nữ Thái thường dùng vải xanh hoặc đỏ làm nẹp viền theo mép khăn và đính cút piêu - tương tự biểu tượng Khau cút trên nóc nhà sàn của người Thái, vừa để trang trí khăn piêu đẹp hơn, vừa có ý nghĩa xua đuổi ma tà.

Trong điệu múa đặc trưng xòe quanh đống lửa, quanh hũ rượu cần, với sự tham gia của đông đảo già trẻ, trai, gái trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng, người con gái Thái quàng chiếc khăn trên vai, tay nắm lấy hai đầu khăn, đưa lên đưa xuống theo điệu nhạc. Khăn piêu của người Thái độc đáo và đặc sắc ở chỗ phần trang trí không trải dài trên toàn bộ khăn mà chỉ tập trung tạo điểm nhấn ở hai đầu khăn. Ở điệu múa như vậy, những chi tiết đẹp nhất của khăn được lộ ra rõ trước mắt người xem.

Nghệ thuật đặc sắc

Theo các nhà nghiên cứu, trước đây người Thái khi tổ chức sinh hoạt xòe, sử dụng đạo cụ là chiếc khăn piêu với quan niệm chiếc khăn là sản phẩm của lao động, mang giá trị vật chất và tinh thần, nhiều ý nghĩa cả trong đời sống và tâm linh sâu sắc. Ở một số vùng có đông người Thái sinh sống lâu đời, khi cuộc xòe diễn ra trước ban thờ do các thầy cúng chủ trì, tấm khăn qua các điệu thức thực hành của các cô gái Thái sẽ biến đổi theo từng lớp lang nghi lễ khác nhau.

Điệu xòe Nhôm khăn mang ý nghĩa biểu tượng đoàn kết cộng đồng - Nguồn: dienbien.gov.vn
Ở điệu múa xòe, những chi tiết đẹp nhất của khăn piêu được lộ ra rõ trước mắt người xem. Ảnh: Trịnh Thông Thiện

Khi đôi tay người múa bắt chéo về từng bên, chiếc khăn biểu tượng cho mái chèo đưa thuyền hướng về thượng nguồn là hành trình tìm về đất Tổ. Khi chiếc khăn được giăng chéo và giơ cao trên đầu là biểu tượng cho chiếc thang đón linh hồn những người đã khuất về dự lễ cùng con cháu. Nếu chiếc khăn được xoắn lại, quay theo nhịp múa lại trở thành biểu tượng cho chiếc roi giong ngựa, tiễn đưa linh hồn người đã khuất về thượng giới…

Bước ra đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng, các cuộc xòe gắn với chiếc khăn thường có những dạng thức nhất định. Như Khắm khăn mơi lẩu tức nâng khăn mời rượu, là điệu xòe thể hiện tình cảm trân trọng, chào đón chân tình của người Thái mỗi khi khách đến chơi nhà. Theo quan niệm người Thái, bất cứ ai đến chơi nhà đều được đón tiếp rất trân trọng và hết sức thân tình. Với những động tác mềm mại, uyển chuyển, chén rượu mời khách được thiếu nữ dâng lên đôi tay cùng với chiếc khăn xòe, câu khắp mời rượu, thể hiện sự trân trọng đối với khách.

Tưng bừng, rộn rã hơn cả là điệu Nhôm khăn tức tung khăn lên đầu hoặc ra các phía, thể hiện niềm vui trước những thành quả lao động. Mang ý nghĩa biểu tượng đoàn kết cộng đồng, trong điệu xòe này, khăn luôn phải bằng nhau, không cao, không thấp, đưa lên bằng vai xong hạ xuống, tượng trưng cho sự đồng thuận giữa người với người, giữa các dân tộc với nhau. Hay điệu Đổn hôn mang ý nghĩa cho dù cuộc sống có lúc buồn, lúc vui, có khi chao đảo trước sóng gió, khó khăn song mọi người vẫn chung lòng, không bao giờ thay đổi. Với các điệu xòe này, người phụ nữ sử dụng khăn chuyển động khéo léo với thân người, cùng sự vận động của đôi chân tùy theo tư thế, góc độ, nét mặt, ánh mắt kết hợp uyển chuyển, tạo nên những đường nét xòe khăn đẹp mắt và hấp dẫn.  

Hiện nay, đời sống phát triển, hội nhập, đồng bào Thái có nhiều mối giao thoa văn hóa với các dân tộc khác, nhưng những điệu múa xòe gắn với chiếc khăn piêu vẫn luôn được trân trọng và gìn giữ như một nét văn hóa đặc trưng in đậm bản sắc của dân tộc Thái. Như lời nghệ nhân Quàng Thị Hạnh, bản Áng, xã Đông Sang, Mộc Châu, Sơn La: “Điệu múa xòe khăn có từ xa xưa, ông bà truyền lại cho con cháu và cứ nối tiếp nhau như thế để giữ được truyền thống của đồng bào dân tộc Thái”.

Thái Minh