Bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng

Nguyễn Vũ lược ghi 21/06/2023 21:15

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã tiếp thu, làm rõ, xử lý khá nhiều vướng mắc và thể chế hóa những định hướng lớn của Nghị quyết 18 - NQ/TW. Tuy nhiên, để bảo đảm chặt chẽ và khả thi, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị, cần bổ sung một số quy định để bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất... Cụ thể hóa những trường hợp được tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập. 

ĐBQH Nguyễn Phi Thường (Hà Nội):
Cụ thể hóa trường hợp được tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập

Thực tiễn triển khai dự án xây dựng đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô cho thấy, việc tách dự án giải phóng mặt bằng thành dự án thành phần theo Nghị quyết của Quốc hội đã thực sự phát huy hiệu quả, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng. Sau gần một năm kể từ khi Quốc hội có Nghị quyết thông qua chủ trương đầu tư đến nay, công tác giải phóng mặt bằng đã hoàn thành thu hồi mặt bằng được khoảng 651/789 ha, đạt khoảng 81,5%, trong đó đã hoàn thành di dời 6.070 ngôi mộ là khối lượng rất lớn, kỷ lục về mặt thời gian và tiến độ triển khai thực hiện. Ngày chủ nhật tới, 25.6.2023, dự án sẽ được khởi công.

Bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng -2
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội). Ảnh: Lâm Hiển

Tại Điều 92, dự thảo Luật lần này cũng đã xác định việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án độc lập và trách nhiệm tổ chức thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư. Tuy nhiên, nội dung còn chung chung, khá sơ sài, chưa thực sự rõ.

Để tạo điều kiện thuận lợi triển khai thực hiện có hiệu quả việc tách công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án độc lập, đề nghị, cụ thể hóa nội dung quy định tại Điều 92, trong đó cần lưu ý cụ thể hóa các trường hợp được tách nội dung bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành dự án riêng và theo hướng “mở” để người quyết định đầu tư xem xét, quyết định cơ cấu, thành phần hồ sơ, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt cũng như vai trò, trách nhiệm các cơ quan chuyên môn trong quá trình thẩm định, phê duyệt loại dự án này.

Bổ sung đưa vào Mục 5 Chương VII một điều quy định về quy hoạch, kế hoạch tái định cư gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trung hạn và hàng năm. Đồng thời, nghiên cứu, bổ sung chính sách để triển khai thực hiện đầu tư trước dự án xây dựng khu tái định cư theo hướng tổng thể, không nên triển khai chỉ sử dụng dành riêng cho một dự án cụ thể mà cần tạo lập quỹ đất tái định cư mang tính tập trung, bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật xã hội phục vụ tái định cư cho nhiều dự án trong cùng một khu vực. Trong đó, ngoài việc bố trí quỹ đất tái định cư phục vụ cho dự án đầu tư công, còn cần tính đến việc Nhà nước bán lại một số chỗ tái định cư đã hình thành cho các nhà đầu tư, phục vụ tái định cư cho người dân để thực hiện các dự án theo hình thức xã hội hóa.

Về chia sẻ điều tiết giá trị tăng thêm thửa đất do đầu tư hạ tầng, cần xem xét, bổ sung cơ chế chia sẻ giá trị tăng thêm từ đất đai sau khi đầu tư dự án hạ tầng giao thông đô thị, bảo đảm nguyên tắc hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai. Đây là một công cụ rất quan trọng, không những để huy động nguồn lực tái đầu tư vào hạ tầng giao thông đô thị, đặc biệt là các công trình có vốn đầu tư lớn mà còn tạo động lực để phát huy sự sáng tạo của các nhà đầu tư tư nhân. Theo đó, đề nghị nghiên cứu xem xét, bổ sung quy định về những vấn đề chính, cơ bản liên quan đến chia sẻ điều tiết giá trị tăng thêm từ đất do đầu tư hạ tầng vào Điều 14, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu cụ thể hóa, quy định chi tiết nội dung này.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh):
Quản lý chặt chẽ việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa

Mục tiêu đến năm 2030, nước ta tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, giữ ổn định trên 3,5 triệu ha đất lúa, sản lượng lúa hàng năm bảo đảm ít nhất 35 triệu tấn, làm nòng cốt bảo làm an ninh lương thực quốc gia; sử dụng hiệu quả quỹ đất lúa với kế hoạch chặt chẽ, quy hoạch đất lâm nghiệp hơn 15,8 triệu ha, tỷ lệ che phủ rừng trên 42%. Để thực hiện được mục tiêu giữ diện tích đất lúa, đất rừng, thì cần quản lý chặt chẽ việc quy hoạch diện tích đất trồng lúa, đất trồng rừng và phải được xác định cụ thể đến từng địa phương tới cấp xã.

Bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng -0
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh)

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa đất nước, nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp, cụ thể là đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích phi nông nghiệp là tất yếu. Trước mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, thích ứng với biến đổi khí hậu, yêu cầu bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ được đặt ra hơn lúc nào hết. Nghị quyết 18-NQ/TW đã nêu rõ "phải tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên". Nhưng, tại dự thảo Luật, nội dung này thể hiện còn khá mờ nhạt, tiêu chí chuyển mục đích mới chỉ căn cứ mang tính hình thức mà chưa quy định tiêu chí về nội dung.

Để tiếp tục hoàn thiện, đề nghị dự thảo Luật cần quy định việc điều tra, đánh giá, thống kê, kiểm đếm, lượng hóa và hạch toán đầy đủ, hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trong nền kinh tế. Trong dự thảo Luật đã quy định nhiều nội dung nhưng cần gom lại một chương về vấn đề này.

Tại Điều 122, đề nghị không giao Chính phủ mà quy định ngay trong Luật tiêu chí, điều kiện chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng sang mục đích khác, là cơ sở quan trọng để địa phương thực thi thống nhất trong phạm vi cả nước.

Về một số tiêu chí, điều kiện đối với chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tôi đề xuất: Không được chuyển mục đích đất nông nghiệp sau khi đã được tích tụ, tập trung sang phi nông nghiệp, nhất là thực hiện dự án đầu tư nhằm khuyến khích đầu tư sản xuất nông nghiệp chân chính, hiệu quả, tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư vào nông nghiệp. Có báo cáo đánh giá tác động, tính hiệu quả, khả thi của dự án gắn trách nhiệm của chủ dự án với cộng đồng. Có quy định về quy mô dự án gắn với điều kiện về tài chính phù hợp với diện tích đất trồng lúa, đất rừng cần chuyển mục đích sử dụng, có phương án bóc tách tầng đất mặt của đất trồng lúa khi xây dựng công trình, không loại trừ bất kỳ dự án nào vì tầng đất mặt của đất trồng lúa là đất tốt, giàu dinh dưỡng, mất hàng trăm năm để hình thành nên cần được bảo vệ và sử dụng vào mục đích nông nghiệp.

Về thẩm quyền chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đề nghị xem xét việc phân cấp, phân quyền có kiểm soát để tránh cục bộ, nguy cơ ảnh hưởng tới an ninh lương thực, suy giảm đa dạng sinh học. Cân nhắc kỹ lưỡng để phân cấp theo quy mô diện tích, chuyển mục đích sử dụng những dự án yêu cầu lớn về đất đai vẫn cần sự chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ hoặc của Quốc hội. Theo đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích các loại đất này bằng việc đưa ra các tiêu chí, điều kiện cụ thể, bổ sung quy định hạn chế việc chia nhỏ các dự án có chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên, tránh việc "lách luật".

ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình):
Bổ sung cơ chế điều chỉnh trường hợp doanh nghiệp không thể tự thỏa thuận với người dân

Nghị quyết 18-NQ/TW quy định tiếp tục thực hiện cơ chế tự thỏa thuận giữa người dân và doanh nghiệp trong chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại. Dự thảo Luật đã thể chế hóa quan điểm này tại Điều 127 về các trường hợp sử dụng đất thực hiện dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất.

Bảo vệ, kiểm soát nghiêm ngặt diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng -0
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình). Ảnh: Lâm Hiển

Đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, bổ sung quy định để có cơ chế điều chỉnh chặt chẽ, phù hợp, khả thi đối với những dự án doanh nghiệp không thể thỏa thuận được vì trong vùng dự án có một số người sử dụng đất cố tình không hợp tác, ngăn cản việc thực hiện dự án, dẫn đến tình trạng dự án không triển khai được, chậm tiến độ, gây lãng phí nguồn lực đất đai và quyền lợi của số đông người dân đã đồng thuận với mục tiêu của dự án. Theo đó, cần rà soát, nghiên cứu quy định vấn đề này theo hướng, các dự án nhà ở thương mại, dự án đô thị doanh nghiệp tự thỏa thuận với người có đất bị thu hồi, nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân, nhà nước và doanh nghiệp. Trường hợp khi doanh nghiệp đã thực hiện tự thỏa thuận với người dân nhưng vẫn còn một phần hộ dân không đồng tình thì khi đó Nhà nước sẽ thực hiện thu hồi đất đối với phần diện tích đất chủ đầu tư và người sử dụng đất không thỏa thuận được.

Để quy định này bảo đảm chặt chẽ, công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên, cần quy định trong dự thảo Luật một số điều kiện khi Nhà nước thực hiện thu hồi phần diện tích đất còn lại của dự án, công trình không thỏa thuận được. Đó là chỉ thực hiện đối với các dự án đủ các điều kiện, như không điều chỉnh được quy mô sử dụng đất để thực hiện dự án nếu bỏ lại phần diện tích không thỏa thuận được, tỷ lệ diện tích đất trong dự án mà chủ đầu tư và người sử dụng đất không thỏa thuận được chỉ chiếm từ 10 - 15% diện tích đất thực hiện dự án.

Để bảo đảm chặt chẽ, dự thảo Luật cũng cần quy định về trình tự, thủ tục thu hồi phần diện tích đất còn lại của dự án không thỏa thuận được, như Nhà nước cùng với chủ đầu tư thực hiện đối thoại với người sử dụng đất trong khu vực đất không thỏa thuận được; trường hợp đối thoại không đạt kết quả, thì Nhà nước thực hiện thu hồi đất để giao, cho thuê cho chủ đầu tư thực hiện dự án không phải thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, không phải đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Đồng thời, dự thảo Luật cũng phải quy định về xác định giá đất cụ thể đối với phần diện tích còn lại của dự án không thỏa thuận được và phương án hỗ trợ, tái định cư cho người có đất bị thu hồi. Theo đó, giá đất cụ thể đối với phần diện tích còn lại của dự án không thỏa thuận được xác định theo nguyên tắc không vượt quá giá đất cao nhất đã thỏa thuận được. Phương án hỗ trợ tái định cư cho người có đất bị thu hồi cần được xây dựng theo nguyên tắc phù hợp với phong tục, tập quán, điều kiện thực tế của địa phương.

Nguyễn Vũ lược ghi