Thái Nguyên: Nhiều giải pháp kết nối cung – cầu lao động

Bảo Ngân 04/05/2023 15:41

Để tạo việc làm cho người lao động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến khẳng định, tỉnh Thái Nguyên luôn quán triệt quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp”.

Theo đó, Thái Nguyên đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với nhiều tập đoàn kinh tế lớn của các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc...  

Tạo việc làm tăng thêm cho gần 25.000 người

Theo ông Lê Quang Tiến, trong những năm qua, tỉnh Thái Nguyên đã và đang có sự phát triển toàn diện, là cực tăng trưởng mạnh của cả nước, là động lực phát triển của Vùng Thủ đô Hà Nội, trung tâm phát triển của Vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trên địa bàn tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Cụ thể, năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thái Nguyên đạt 8,59%, vượt kế hoạch đề ra và cao hơn bình quân chung cả nước; thu ngân sách có sự tăng trưởng nổi bật, lần đầu tiên vượt mốc 19 nghìn tỷ đồng, vượt trên 30% so với dự toán Trung ương giao. Kết quả thu hút đầu tư, chuyển đổi số, cải cách hành chính đều tăng bậc so với các địa phương top đầu trên bảng xếp hạng của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người đạt 107 triệu đồng/người/năm, tăng 12,5% so với năm 2021. Thái Nguyên là một trong 10 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,35%; tạo việc làm tăng thêm cho gần 25.000 người. Công tác an sinh xã hội được quan tâm, tạo niềm tin vững chắc trong nhân dân.

Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn chung do dịch bệnh, sự biến động trên thế giới và khu vực. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Tiến, Thái Nguyên vẫn đạt được kết quả trên  là nhờ sự đoàn kết, năng động sáng tạo của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân. Nhờ đó, nhiều thành tựu quan trọng trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Thái Nguyên vẫn giữ vững. Trong đó, kinh tế - xã hội đang trên đà phát triển, nhiều chỉ tiêu có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ. …

Cùng với đó, theo ông Lê Quang Tiến, với quan điểm xuyên suốt “đồng hành cùng các nhà đầu tư, doanh nghiệp”, tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước, từng bước đưa địa phương vươn lên vị trí là một trong những tỉnh dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư FDI với nhiều tập đoàn kinh tế lớn của các nước như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Singapore, Trung Quốc...

Trên địa bàn tỉnh hiện có 178 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 10,4 tỷ USD. Nhiều dự án có vốn đầu tư lớn đã và đang được triển khai, phát huy hiệu quả, góp phần vào thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ tính ngay trong quý I năm 2023, UBND tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Sunny (Trung Quốc) đã ký Bản ghi nhớ về việc triển khai đầu tư Dự án Trung tâm Công nghiệp Sunny Group tại Khu công nghiệp Yên Bình. Theo kế hoạch, dự án có vốn đầu tư khoảng 2-2,5 tỷ USD, doanh thu hàng năm dự kiến 5 tỷ USD, thu hút khoảng 15.000 lao động thường xuyên.

Kích cầu tuyển dụng lao động

Hiện nay, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đa số có quy mô lớn cả về số lao động, diện tích đất sử dụng và vốn đăng ký, tập trung nhiều vào lĩnh vực đầu tư khu du lịch sinh thái, đầu tư hạ tầng: Khu công nghiệp, đường giao thông, khu đô thị… Chính vì vậy, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp tại địa phương, kể cả lao động có chuyên môn kỹ thuật và lao động phổ thông ngày càng tăng.

Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Tiến hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh, nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn dẫn đến nhu cầu tuyển dụng có xu hướng giảm rõ rệt. Theo kết quả thu thập thông tin thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị, doanh nghiệp là 29.157 lao động, giảm 13.879 lao động, chỉ bằng 67,8% so với nhu cầu tuyển dụng năm 2021.

Chính vì vậy, với việc tổ chức Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động năm 2023 được tỉnh Thái Nguyên tổ chức mới đây kỳ vọng sẽ là đòn bẩy kích cầu nhu cầu tuyển dụng năm 2023 của các đơn vị, doanh nghiệp, là cầu nối giữa các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với người lao động. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thông tin, quảng bá về thương hiệu, sản phẩm của mình. Đồng thời, có thể tư vấn và phỏng vấn tuyển dụng lao động trực tiếp và trực tuyến kết nối các tỉnh khu vực phía Bắc theo nhu cầu của đơn vị. Qua đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tiến hành định hướng cho công tác đào tạo và ký kết hợp đồng đào tạo; người lao động được tư vấn về việc làm, nghề nghiệp và các chế độ chính sách liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của mình. Đặc biệt, sau Tuần cao điểm kết nối cung - cầu lao động sẽ có nhiều lao động tìm kiếm được việc làm hoặc lựa chọn được nghề học phù hợp với bản thân.

Để đạt được mục tiêu như kỳ vọng, ông Lê Quang Tiến cho rằng, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cấp, các ngành, cộng đồng xã hội, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp và người lao động trên địa bàn tỉnh cần triển khai và thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trong đó, các sở, ngành và chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác truyền thông các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, của tỉnh về giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác nghề nghiệp, việc làm và khởi nghiệp.

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10.1.2023 của Chính phủ về phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; Kế hoạch số 227/KH-UBND ngày 14/12/2021 thực hiện Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đến năm 2030; triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là tiểu Dự án hỗ trợ việc làm bền vững, phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần tổ chức tốt công tác tư vấn cho người lao động các chính sách pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm thất nghiệp, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước và của tỉnh về việc làm, học nghề. Bên cạnh đó, chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đẩy mạnh các hoạt động giao dịch việc làm, nâng quy mô, tần suất phiên giao dịch việc làm và các hoạt động giao dịch việc làm khác tạo thuận lợi cho người lao động, người sử dụng lao động tiếp cận thông tin, tìm kiếm cơ hội việc làm. Phát triển các hình thức giao dịch việc làm theo hướng hiện đại trên nền tảng công nghệ số; thu hút lao động tại chỗ, đào tạo, đào tạo lại cho lực lượng lao động đang làm việc thích ứng với những biến động bất thường.

Đối với các đơn vị, doanh nghiệp cần thực hiện việc tư vấn, cung cấp đầy đủ các thông tin về doanh nghiệp, về ngành nghề sản xuất, kinh doanh, vị trí, nhu cầu cần tuyển, số lượng, yêu cầu, điều kiện làm việc của người lao động để thông qua đó người lao động có thể tìm hiểu, nắm bắt và lựa chọn tham gia phỏng vấn, tuyển dụng. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần đẩy mạnh tiến hành nắm bắt các thông tin về thị trường lao động của tỉnh để có thể định hướng, xây dựng kế hoạch đào tạo đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Người lao động cần thu thập, tìm hiểu, nắm bắt đầy đủ thông tin của các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để lựa chọn cho mình công việc hoặc ngành nghề đào tạo phù hợp.

“Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp trên thì việc kết nối cung - cầu lao động sẽ tiếp tục thu được nhiều kết quả ngay trong năm 2023”,  ông Lê Quang Tiến khẳng định.

Bảo Ngân