Ổn định chính sách, kiên định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục

Nhật An 28/04/2023 03:04

Thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” và xã hội hóa trong việc biên soạn sách giáo khoa là một trong những nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhận được sự quan tâm, theo dõi của các đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân. Thực tiễn triển khai cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, thì việc xã hội hóa công tác biên soạn, thẩm định, in, phát hành, lựa chọn sách giáo khoa còn một số tồn tại, hạn chế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 24.4.2023 Ảnh: Hồ Long
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại cuộc làm việc
với Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 24.4.2023. Ảnh: Hồ Long

Từ thực tế này, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông" đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá kỹ lưỡng việc xã hội hóa công tác biên soạn, thực nghiệm sách giáo khoa, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị nhằm thực hiện tốt hơn chủ trương này. Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng đoàn.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa

Một trong những nội dung đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, xã hội hóa trong biên soạn sách giáo khoa, tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các bộ sách, giao quyền chủ động lựa chọn sách giáo khoa cho các trường theo đúng xu thế quốc tế.

Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, Bộ đã soạn thảo và ban hành các thông tư quy định tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa; tiêu chuẩn Hội đồng thẩm định sách giáo khoa và quy trình thẩm định sách giáo khoa, tạo hành lang pháp lý nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn sách giáo khoa.

Theo Báo cáo bổ sung của Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi Đoàn giám sát cho biết, hiện nay các tổ chức, cá nhân đang hoàn thành bản mẫu sách giáo khoa các lớp cuối cùng của mỗi cấp học (lớp 5, lớp 9 và lớp 12) trình Bộ thẩm định và phê duyệt sách giáo khoa cho năm học 2024 - 2025. Như vậy, việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương của Quốc hội đến nay đã bảo đảm có đủ sách giáo khoa ở tất cả các lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) để triển khai Chương trình mới theo đúng lộ trình quy định của Quốc hội. Việc chọn sách giáo khoa và sử dụng sách giáo khoa mới của giáo viên, cơ sở giáo dục đã qua giai đoạn bỡ ngỡ, dần đi vào ổn định.

Sau 2 năm thực hiện, Bộ tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 33, Thông tư số 23 và ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BGDĐT bổ sung quy định về quy trình biên soạn sách giáo khoa theo hướng dẫn chiếu cụ thể hơn về nội dung và cấu trúc sách giáo khoa theo Tiêu chuẩn quốc gia về sách, góp phần hạ giá thành sách giáo khoa. Cùng với đó là quy định về tổ chức, cá nhân biên soạn được đề nghị thẩm định sách giáo khoa, bổ sung quy định về thực nghiệm sách giáo khoa…

Theo Nghị quyết 88 của Quốc hội, quyền lựa chọn sách giáo khoa là người đứng đầu cơ sở giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Thực hiện Luật Giáo dục năm 2019, có hiệu lực từ tháng 7.2020, thẩm quyền lựa chọn sách giáo khoa là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT ngày 26.8.2020. Theo đó, UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn. Việc lựa chọn sách giáo khoa bảo đảm tính khoa học, công khai, dân chủ, phù hợp với điều kiện tổ chức dạy và học tại các cơ sở giáo dục.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều cố gắng trong tổ chức triển khai biên soạn sách giáo khoa nhằm cụ thể hóa và đáp ứng các yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Khẳng định điều này, các thành viên Đoàn giám sát nêu rõ, các yêu cầu cơ bản của Nghị quyết 88 về nội dung nêu trên đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo cụ thể hóa và hướng dẫn thực hiện, cụ thể là đã xây dựng được các bộ sách giáo khoa để triển khai Chương trình theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, thì tiến độ biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa còn chậm. Quy trình thẩm định đối với một số sách giáo khoa chưa chặt chẽ, dẫn tới chất lượng một số sách chưa bảo đảm. Liên quan đến việc lựa chọn một bộ sách giáo khoa làm tài liệu giảng dạy, học tập chính, Đoàn giám sát đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo rõ hơn việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” và quan điểm của Bộ về việc không biên soạn một bộ sách giáo khoa nữa.

Đánh giá thấu đáo việc điều chỉnh chính sách giữa chừng

Giải trình, làm rõ những vấn đề Đoàn giám sát nêu về việc thực hiện chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa”, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ khi triển khai đề án của Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, trong đó có đề xuất chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đến nay, việc thực hiện chủ trương này đã đi từ “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” đến “một chương trình, nhiều bộ sách, trong đó Bộ biên soạn một bộ”, rồi "một chương trình, nhiều bộ sách, trong đó Bộ không soạn một bộ" và đến bây giờ chúng ta đặt vấn đề là: Bộ có cần biên soạn một bộ sách nữa hay không?

Nêu quan điểm của Bộ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, ở thời điểm biên soạn và ban hành Chương trình mới, giới chuyên môn cũng đã bàn thảo rất nhiều trước khi đưa ra quyết định. Từ góc độ chính sách, chủ trương “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” nhằm tạo sự thống nhất về mặt triết lý của đổi mới: Thống nhất trong đa dạng và đa dạng trong thống nhất. Bộ sách sách giáo khoa có tính mở và việc có nhiều bộ sách giáo khoa là tập trung trí tuệ, sức lực, sự quan tâm từ nhiều phía trong xã hội. Việc ban hành “một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa” cũng "phù hợp với thông lệ quốc tế”, đề cao tính chủ động, sáng tạo và hoạt động của nhà trường cũng như của giáo viên. “Nếu coi Chương trình là thống nhất, sách giáo khoa là học liệu, thì học liệu đa dạng sẽ tốt hơn là chỉ có một học liệu”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Việc triển khai chủ trương này đã đi được nửa chặng đường và đến năm 2025 sẽ kết thúc. Từ góc độ chính sách, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, nếu điều chỉnh chính sách tại thời điểm này, thì cũng chưa có đánh giá đầy đủ, vì thực tế chưa kết thúc quá trình triển khai. Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị, cần đánh giá thấu đáo, bởi việc điều chỉnh chính sách giữa chừng càng phải tính đến các tác động, đặc biệt là trên phương diện xã hội, tác động với tâm lý và sự ủng hộ của người dân... Còn từ góc độ thực tiễn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng thừa nhận, "mặc dù vài năm đầu triển khai còn bỡ ngỡ và lúng túng, nhưng đến nay việc triển khai đã tạm ổn. Các địa phương đã chọn nhiều bộ sách giáo khoa và giáo viên cũng bắt đầu quen với việc có nhiều bộ sách. Việc này bắt đầu trở thành thói quen và đang dần trở thành chuyện bình thường".

Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị, Quốc hội tiếp tục ổn định về chính sách để bảo đảm sự kiên định theo chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã được xác định tại Nghị quyết 29 của Đảng và Nghị quyết 88 của Quốc hội. Theo đó, tiếp tục thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo chủ trương đã được Quốc hội cho phép tại Nghị quyết số 122/2020/QH15 ngày 19.6.2020: “Khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019/QH14, thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó”.

Nhật An