Trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đình Khoa 25/04/2023 09:41

Theo thống kê của Bộ Tư pháp, từ 1.1.2018 - 31.10.2022, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 157.504 vụ việc cho 157.504 lượt người, trong đó có 49.569 người dân tộc thiểu số.

Từ biết luật đến sử dụng luật

Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 và các văn bản pháp luật liên quan, đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý là đồng bào dân tộc thiểu số rất rộng. Chẳng hạn, theo Quyết định số 1010/QĐ-TTg ngày 10.8.2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về đơn vị hành chính cấp xã thuộc vùng khó khăn; xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi là các xã khu vực III được quy định tại Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04.6.2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025.

Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ninh phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh - Nguồn: ITN
Cán bộ Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ninh phát tờ gấp tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh. Nguồn: ITN

Ngoài ra, còn có các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo là các xã được quy định tại Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15.03.2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2021 - 2025; thôn đặc biệt khó khăn: được quy định tại Quyết định số 612/QĐ-UBDT ngày 16.9.2021 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh, các vùng địa lý hành chính nêu trên, người dân tộc thiểu số thuộc một trong các diện sau đây cũng được trợ giúp pháp lý mà không phụ thuộc vào nơi cư trú: người dân tộc thiểu số là người có công với cách mạng; người dân tộc thiểu số là người thuộc hộ nghèo; người dân tộc thiểu số là trẻ em; người dân tộc thiểu số là người bị buộc tội từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi; người dân tộc thiểu số là người bị buộc tội thuộc hộ cận nghèo; người dân tộc thiểu số là người thuộc một trong 8 diện người thuộc nhóm có khó khăn về tài chính: cha đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con của liệt sĩ và người có công nuôi dưỡng khi liệt sĩ còn nhỏ; người nhiễm chất độc da cam; người cao tuổi; người khuyết tật; người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi là bị hại trong vụ án hình sự; nạn nhân trong vụ việc bạo lực gia đình; nạn nhân của hành vi mua bán người theo quy định của Luật Phòng, Chống mua bán người; người nhiễm HIV.

Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Yên Nguyễn Thị Khánh Duy cho hay, tạo điều kiện cho người nghèo, người dân tộc thiểu số biết và sử dụng tối đa quyền được trợ giúp pháp lý là nhiệm vụ trọng tâm được Trung tâm đặt ra thời gian qua. Ngoài việc tổ chức các đợt dịch vụ hỗ trợ thông tin, trợ giúp pháp lý cho bà con, Trung tâm Trợ giúp pháp lý còn tăng cường hoạt động tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật; triển khai dịch vụ hỗ trợ thông tin, thực hiện trợ giúp pháp lý…

Qua hoạt động trợ giúp, trợ giúp viên pháp lý không chỉ giải đáp những vướng mắc pháp luật thông qua vụ việc cụ thể mà tăng cường khả năng tiếp cận pháp luật, thực hiện việc tuyên truyền phổ biến pháp luật cho bà con.

Chú trọng trợ giúp viên pháp lý tại nguồn

Tuy nhiên, phản ánh từ các địa phương cho thấy, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn nên đã ảnh hưởng rất lớn đến việc triển khai hoạt động, sự tiếp cận của người dân với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí của Nhà nước. Trong khi đó, năng lực tổ chức bộ máy cán bộ để triển khai thực hiện trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế do số lượng người thực hiện trợ giúp pháp lý biết tiếng dân tộc còn ít nên một số trường hợp thực hiện trợ giúp pháp lý phải thông qua lực lượng cán bộ tại chỗ.

Chính sách phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý còn gặp nhiều khó khăn, nhất là công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc thiểu sốđể kịp thời hỗ trợ pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng là người dân tộc thiểu số (bằng ngôn ngữ của họ) khi có nhu cầu.

Chính vì thế, chưa xây dựng được lực lượng này đủ để bảo đảm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý đồng bộ, hiệu quả như quy định tại Điều 17, Luật Trợ giúp pháp lý; Khoản 3, Điều 17, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật.

Liên quan đến vấn đề này, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14.01.2011 của Chính phủ về công tác dân tộc là: sửa đổi, bổ sung Khoản 1, Điều 18 theo hướng quy định đối tượng được hưởng các dịch vụ trợ giúp pháp lý cho thống nhất, đồng bộ với Luật Trợ giúp pháp lý; bổ sung Khoản 3a, Điều 18 quy định về “Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ trợ giúp viên pháp lý, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật là người dân tộc thiểu số, biết tiếng dân tộc thiểu số để hỗ trợ kịp thời hỗ trợ pháp lý, phổ biến giáo dục pháp luật cho đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số”.

Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm xây dựng, củng cố, đào tạo, bồi dưỡng và huy động lực lượng này tham gia trợ giúp pháp lý, phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số đảm bảo triển khai thực hiện công tác này hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế. Phó Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp Vũ Thị Hoàng Hà cho rằng, cần chú trọng vào một số hoạt động như huy động các tổ chức hành nghề luật sư, luật sư tham gia thực hiện trợ giúp pháp lý, đa dạng hóa các nguồn lực và kênh thông tin, tăng cường khả năng tiếp cận để trợ giúp pháp lý cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đồng tình với ý kiến này, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Kiên Giang Bùi Đức Độ bổ sung, việc tập huấn, tăng cường hiểu biết về trợ giúp pháp lý cho những người có điều kiện tiếp xúc hàng ngày với người dân như cán bộ xã, phường, giáo viên trên địa bàn, công an xã, trưởng thôn, cán bộ hòa giải, cán bộ Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, già làng, trưởng bản… là hết sức cần thiết. Bởi đây là cách bắt nhịp nhanh nhất trong việc giải thích cho người dân về quyền được trợ giúp pháp lý, hướng dẫn người được trợ giúp pháp lý cần phải gửi đơn hoặc liên hệ với ai, cần phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, từ đó hạn chế những hậu quả pháp lý ngoài mong muốn.

Đình Khoa