Kể chuyện nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn

Thái Minh 24/04/2023 18:44

150 hiện vật trong triển lãm "Sắc mộc" ẩn chứa nét đẹp văn hóa, câu chuyện lịch sử, đồng thời thể hiện tài hoa, tư duy thẩm mỹ tinh tế của nghệ nhân xưa.

Điêu khắc gỗ là một trong những nghề thủ công truyền thống lâu đời của người Việt. Nghề gỗ khảm trai, ốc xuất hiện từ thời Lý - Trần ở vùng đất Thăng Long. Đến thế kỷ XVII, các chúa Nguyễn vào Nam mở cõi, nghề khảm cũng theo vào và phát triển rực rỡ.

Kể chuyện nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn -0

Giai đoạn này loại hình gỗ khảm ốc xà cừ chủ yếu là đồ thờ như hoành phi, câu đối, bình phong và đồ dùng sinh hoạt như bàn ghế, tủ, đặc biệt là các loại khay hộp. Đề tài trang trí mang ý nghĩa cát tường: tứ linh, tứ quý, tích truyện kèm thơ minh họa... 

Trưng bày chuyên đề Sắc mộc - nghệ thuật điêu khắc gỗ thời Nguyễn, tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giới thiệu đến công chúng hơn 150 hiện vật tiêu biểu trong số này.

Đáng chú ý là bộ đồ thờ gồm: hộp ấn, cây bút, thanh kiếm… có kích cỡ nhỏ, thường xuất hiện tại đình làng Nam bộ. Mỗi đồ vật đều mang ý nghĩa cát tường như: bút, cuốn thư hàm ý đại diện cho văn chương thi phú của nhà Nho; kiếm và các binh khí thể hiện cho sức mạnh của nhà võ; quạt, gậy như ý là pháp bảo của các vị tiên thể hiện điềm lành, bình an. 

Tổng hòa ý nghĩa của bộ đồ thờ thể hiện sự bình an và văn võ song toàn. Đặc biệt, hộp ấn và kiếm gỗ còn được sử dụng trong lễ Tôn vương - một nghi thức của lễ Kỳ yên của đình làng Nam bộ, với ý nghĩa chọn được vị minh quân, đức độ ban phúc lành cho nhân dân.

Thông qua triển lãm là dịp để công chúng nhìn lại một thời phát triển rực rỡ của nghệ thuật chạm khắc gỗ thời Nguyễn, với phong cách riêng, góp mặt cùng các nghề thủ công tinh xảo khác để định hình một dòng chảy mỹ thuật: Mỹ thuật Huế và Mỹ thuật Nguyễn. Những giá trị văn hóa từ các tác phẩm nghệ thuật vẫn luôn được kế thừa và phát triển cho đến ngày nay.

Triển lãm khai mạc sáng mai, 25.4, dự kiến kéo dài đến hết 30.6, tại Bảo tàng Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh. 

Thái Minh