Bài 1: Truyền thừa trang sử ngàn năm
Nhiều làng xưa của Hà Nội giờ đã lên phố, nhưng văn hóa làng vẫn là mạch ngầm chảy mãi, bồi đắp, điểm tô nét đẹp mảnh đất, con người nơi đây.
Giêng hai kéo dài đến giữa năm, nếp xưa vẫn quen, cư dân phố thị lại hòa mình vào các lễ hội mang đậm giá trị cổ truyền. Ở đó, lịch sử hào hùng, những nét đặc sắc của văn hóa làng xưa được phô diễn, tiếp nối.
Hội theo lệ cổ
“Anh hùng đất Việt - đức Phùng Hưng/Bố Cái Đại vương tiếng lẫy lừng...” những câu thơ ca ngợi công đức của anh hùng dân tộc Phùng Hưng trong bản Thần phả - Thần tích vang lên tại lễ hội đình Kim Mã, đưa dân làng trở về với lịch sử hàng nghìn năm trước.
Mồng 10 tháng Giêng, đình Kim Mã mở hội theo lệ cổ. Ngôi đình tọa lạc tại con ngõ nhỏ 221 phố Kim Mã đông vui, rộn ràng hơn thường ngày. Trưởng Tiểu ban Quản lý di tích lịch sử văn hóa đình Kim Mã Nguyễn Đình Chuyền cho biết để tưởng nhớ công ơn của Đức Thánh Phùng Hưng, dân làng Kim Mã từ xa xưa cứ mỗi độ Tết đến xuân về lại tổ chức lễ kỷ niệm ngày tức vị, ngày lên ngôi của Đương Cảnh Thành Hoàng Đức Thánh Phùng Hưng tức Bố Cái Đại Vương để mãi mãi ghi nhớ công ơn to lớn của ngài đã anh dũng đánh đuổi giặc ngoại xâm, giữ gìn giang sơn. Là ngôi làng cổ đất Thăng Long xưa, mỗi dịp hội làng Kim Mã cũng là thời điểm các làng “Thập tam trại” (13 trại) tương truyền được lập từ thế kỷ XI ở phía tây của kinh thành Thăng Long tề tựu.
12 tháng Hai âm lịch, lối vào các con phố, ngõ xóm, cờ ngũ sắc bay phấp phới. Dáng hình cổng làng xưa được dựng ngay đầu phố Quan Nhân, chào đón du khách thập phương về dự Lễ hội 5 làng Mọc. Làng Mọc là tên gọi nôm của một khu dân cư xuất hiện lâu đời bên bờ Nam sông Tô Lịch, phía Tây Nam của kinh thành Thăng Long. Lễ hội 5 làng Mọc được hình thành từ tục kết chạ giữa năm làng Giáp Nhất, Chính Kinh, Cự Lộc, Chính Kinh, Quan Nhân và Phùng Khoang, vừa kết thân, vừa tương trợ lẫn nhau. Thời xưa vào những năm phong đăng hỏa cốc, dân làng mới đủ điều kiện tổ chức lễ hội 5 làng Mọc. Từ năm 1992, dân các làng thống nhất 5 năm tổ chức hội một lần vào ngày 11 - 12 tháng Hai âm lịch, luân phiên từng làng làm cai. Những năm không phải hội lớn, từng làng vẫn tổ chức hội làng theo tập tục.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, sau 8 năm, năm nay lễ hội 5 làng Mọc mới mở trở lại. Vẫn theo lệ cũ, các làng rước Thánh du xuân từ đình làng mình về đình Quan Nhân - nơi đăng cai năm nay. Trên hành trình “kiệu quay”, “kiệu bay”, “các Thánh vui mừng hội ngộ”… dân làng vừa dõi theo các kiệu, chắp tay vái, vừa nói với nhau.
Rời lễ hội Mọc, rong chơi phố cổ, lại gặp hội đền Bạch Mã (phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, ngày 12 - 13 tháng Hai). Qua ngày hội mà thêm hiểu về việc xây dựng kinh thành Thăng Long xưa, tưởng nhớ công ơn của thần Long Đỗ, Quốc đô định bang thành hoàng đại vương (tức thành hoàng của cả kinh thành Thăng Long). Vẫn là không khí trang nghiêm, thành kính giữa phố phường đông đúc. Đoàn rước kiệu đi trật tự, thu hút cả người nước ngoài cùng chiêm ngưỡng các nghi thức mang đậm dấu ấn văn hóa vùng đất ngàn năm văn hiến. Trong đoàn rước còn có mục đồng và mô hình trâu với kích thước bằng trâu thật để làm lễ tiến Xuân Ngưu (lễ hội dâng trâu mùa xuân).
Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Buồm Trần Thị Nga cho biết, lễ hội đền Bạch Mã gắn liền với lễ tiến Xuân Ngưu của đất Thăng Long. Nghi lễ này có ý nghĩa là tống tiễn mùa đông và đón nhận mùa xuân. Nhưng trong thực tế sản xuất, con trâu còn là "đầu cơ nghiệp", là sức kéo cơ bản trong nông nghiệp nên rước trâu còn có ý nghĩa khuyến nông. Đây là một phong tục vừa có tính nghi thức cung đình, vừa có tính tín ngưỡng dân gian của kinh thành Thăng Long, góp phần làm giàu thêm giá trị di sản lễ hội đền Bạch Mã được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác…

Không quên tích xưa truyền lại
Những ngày hội, các trang sử của Thăng Long - Hà Nội được mở ra thêm một lần để nhắc nhớ, lưu truyền một cách sinh động, gắn với không gian thiêng Tứ trấn (hội đền Bạch Mã, đền Voi Phục, đền Trấn Vũ, đền Kim Liên); gắn với thời kỳ khai hoang lập trại mở rộng diện tích phía Tây kinh thành Thăng Long thế kỷ XI (lễ hội thập tam trại); tưởng niệm các anh hùng dân tộc như Quang Trung, An Dương Vương, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng, Thánh Mẫu…; tưởng nhớ thành hoàng làng là các vị thần, tiền nhân đã bảo trợ cho cộng đồng; tôn vinh các ông tổ của làng nghề, phố nghề đã tạo nên nền văn minh của kinh đô…
Qua biến thiên lịch sử, nhiều tục xưa, lệ cũ đã phai mờ, nhưng lễ hội Hà Nội vẫn mang những nét đặc sắc, mà ở đó, cả phần lễ và phần hội phô bày các biểu tượng, biểu trưng, và ẩn giấu điều huyền bí, thiêng liêng gắn với tích xưa. Như diễn xướng chạy cờ tái hiện cuộc tập trận của Bố Cái Đại Vương và múa bồng khích lệ tinh thần quân lính xưa ở hội làng Triều Khúc, múa hát Ải Lao (Hội Gióng), múa giảo long, đánh cá thờ - giá trị văn hóa độc đáo trong lễ hội làng Lệ Mật, đua thuyền trong lễ hội làng Đăm gắn với sự tích vị thành hoàng làng, hội đền Kim Liên thi cỗ bảy tầng… Một cách tự nhiên, sinh hoạt này đã trở thành nếp văn hóa sâu đậm trong tâm thức người dân.
Không giống phần lớn lễ hội miền Bắc chủ yếu diễn ra vào dịp Giêng, Hai, hội Chèm (phường Thụy Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được tổ chức giữa cái nắng đổ lửa của tháng 5 âm lịch. Chính hội ngày 14 - 16 nhưng việc làng đã bàn giao ngay từ đầu năm. Theo các cụ trong làng, hội Chèm do ba làng kết nghĩa tổ chức. Làng Chèm thờ chính gọi là anh cả, làng Hoàng Xá và Hoàng Liên thờ vọng gọi là anh hai, anh ba. Trung tâm của lễ hội là đình Chèm, có niên đại khoảng 2.000 năm, thờ Thượng đẳng Thiên vương Lý Ông Trọng - đức thánh Chèm. Dù qua thời gian đã có nhiều biến đổi nhưng các giá trị căn cốt vẫn được giữ gìn.
Hà Nội được ví như vùng trung tâm của lễ hội vùng đồng bằng sông Hồng, với 1.206 lễ hội dân gian trải dài trong năm, tập trung vào mùa xuân, một số vào mùa thu, số ít vào mùa hè. Mặc dù là phố, nhưng rõ ràng, lễ hội Hà Nội vẫn chịu sự chi phối theo nông lịch. Mặc dù là phố nhưng trong mỗi câu chuyện của các cụ già, của các nam thanh nữ tú tham gia lễ hội vẫn cứ gọi thân mật là “hội làng tôi”.
Gọi là hội làng, bởi người ta vẫn không quên tích xưa truyền lại, vẫn khắc ghi điều căn cốt hạt nhân của Hà Nội được bắt đầu từ làng, quần tụ nhiều làng để trở thành thành phố quy mô như bây giờ.