Hành trình thương mại hoá các nghiên cứu khoa học của nữ tri thức vẫn gặp khó
Thiếu vốn, số lượng nữ tri thức tham gia nghiên cứu khoa học khiêm tốn, xã hội chưa tin tưởng, thiếu quy chế cụ thể trong chuyển giao công nghệ và thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tiềm ẩn nhiều tranh chấp pháp lý khi triển khai thương mại hoá… là những rào cản khiến việc ứng dụng, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu của nữ tri thức vẫn hạn chế.
Đó là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo “Nâng cao hiệu quả nghiên cứu và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của nữ trí thức để phát triển đất nước: Thực trạng và Giải pháp” do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Hội Nữ trí thức Việt Nam phố hợp tổ chức mới đây.
"Nút thắt" về cơ chế và vốn
Một trong những "nút thắt" khiến tốc độ, số lượng các nghiên cứu và kết quả nghiên cứu của nữ tri thức được áp dụng, thương mại hoá trong những năm qua còn thấp là do nguồn vốn eo hẹp, nhiều dự án có đầu tư, cũng chưa đến ngưỡng. Trong bối cảnh “giật gấu vá vai” đó, các nữ tri thức vẫn vượt qua những khó khăn cống hiến nhiều công trình, kết quả nghiên cứu có ý nghĩa hiệu quả đối với sự nghiệp phát triển đất nước.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh khẳng định, Đảng và Nhà nước quan tâm đến công tác bình đẳng giới từ sớm đã tạo môi trường thuận lợi giúp các cán bộ nữ phát huy được tiềm năng của mình. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều rào cản, khó khăn đối với nữ trí thức khi tham gia vào lĩnh vực khoa học và công nghệ. Hiện nay số lượng nữ trí thức trong lĩnh vực khoa học và công nghệ còn rất khiêm tốn và trong bối cảnh sự nhìn nhận của xã hội vẫn còn chưa đủ tin tưởng với việc nữ trí thức tham gia làm khoa học. Bởi nghiên cứu khoa học là một công việc vất vả, nếu không đủ đam mê thì khó có thể làm được. Hơn nữa, trong nghiên cứu khoa học luôn luôn có rủi ro. Mà khi đã thành công tạo ra sản phẩm lại phải làm sao để ứng dụng các kết quả đó trong thực tiễn, được thị trường, doanh nghiệp ủng hộ, người dân công nhận.

Theo Báo cáo của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, những rào cản trong việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ trong thực tiễn để phát triển đất nước là từ hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Một số công trình nghiên cứu chưa xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, thị trường nên khả năng ứng dụng và thương mại hóa hạn chế. Thời gian thưc hiện mỗi nhiệm vụ khoa học và công nghệ thông thường từ 2 đến 3 năm; thiếu sự ưu tiên, tính liên tục trong nghiên cứu một vấn đề cốt lõi, phức tạp nên chưa khuyến khích các nhà khoa học theo đuổi đến sản phẩm công nghệ hoàn thiện cuối cùng, khó đào tạo được chuyên gia, công trình sư giỏi.
Công nghệ chuyển giao, sản phẩm thương mại hóa đa phần ở quy mô nhỏ, giá trị công nghệ không cao, chưa tạo ra các tác động mạnh mẽ đến việc gia tăng năng suất, doanh thu của doanh nghiệp hay tác động mạnh mẽ đến ngành, lĩnh vực.
Các doanh nghiệp trong nước chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ năng lực tài chính và khoa học còn hạn chế nên ít quan tâm đến đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Mặc dù các nhiệm vụ có sự tham gia của các doanh nghiệp ngày càng tăng, tuy nhiên, các doanh nghiệp chỉ mua các thiết bị, vật liệu riêng lẻ chứ không đầu tư nhận chuyển giao công nghệ.
Ngoài ra, những thách thức và rào cản còn đến từ chính sách trong thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Sự khác biệt giữa các chế tài trong hệ thống luật của Việt Nam đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ trong khối đơn vị sự nghiệp nghiên cứu khoa học và công nghệ. Báo cáo chỉ ra những khó khăn khiến việc ứng dụng kết quả nghiên cứu của nữ trí thức còn hạn chế là vì hiện nay, vẫn thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng trong việc chuyển giao công nghệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ (như định giá kết quả nghiên cứu, trách nhiệm, thẩm quyền thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giao quyền đối với tài sản là kết quả nghiên cứu…); tiềm ẩn những tranh chấp pháp lý khi triển khai thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ. Điều này còn cản trở hoạt động của các tổ chức trung gian làm cầu nối cho chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ.
Áp dụng nhiều giải pháp gỡ khó
Ðể đẩy mạnh phong trào nghiên cứu khoa học, nâng cao việc ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học của các nữ trí thức vào thực tiễn cần áp dụng nhiều giải pháp về chính sách và phát huy nội lực.
GS.TS. Đặng Kim Chi (Chi Hội Nữ trí thức Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, cần có chính sách và biện pháp khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học, gắn với yêu cầu về phát triển bền vững, áp dụng thành công và hiệu quả kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, khuyến khích các nhà khoa học nữ, nữ trí thức tham gia trong lĩnh vực nghiên cứu này. Tạo điều kiện cho các nhà khoa học nữ tham gia nghiên cứu khoa học và công nghệ bảo vệ môi trường, tổ chức giao lưu, kết nối trao đổi các kinh nghiệm nghiên cứu, tạo mạng lưới các nhà khoa học thuộc các lĩnh vực khác nhau có điều kiện hợp tác. Tăng mức đầu tư và ưu tiên cho các đề tài, nhiệm vụ khoa học và công nghệ quốc gia, cấp bộ, ngành, các tỉnh thành phố đông dân.

Chủ tịch Hội Nữ trí thức tỉnh Đồng Nai, NGƯT. TS. Nguyễn Thị Thu Lan cũng cho rằng, cần nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của nữ trí thức nói chung, nữ trí thức trong nghiên cứu khoa học nói riêng thông qua các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Cần đổi mới, đa dạng hóa về hình thức thể hiện và nội dung tuyên truyền về bình đẳng giới trên nhiều phương tiện, môi trường khác nhau, từng bước thay đổi quan niệm về việc thực hiện chức năng nuôi dạy con, chăm sóc gia đình không phải là việc riêng của người phụ nữ, người vợ mà đó là công việc chung của cả nam và nữ, của cả vợ và chồng.
Còn Phó Trưởng ban Ứng dụng và Triển khai công nghệ Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam Vũ Thị Thu Lan thì cho rằng, Nhà nước cần tăng cường đầu tư, bố trí ngân sách cho các lĩnh vực ưu tiên, đột phá, phù hợp với từng giai đoạn phát triển, làm trụ cột cho công nghiệp trong nước. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, nắm bắt công nghệ lõi, phát triển công nghệ mới đồng thời xây dựng các chương trình hợp tác trong đào tạo, trao đổi nhân lực, nghiên cứu khoa học với các tổ chức, đơn vị nước ngoài…
Ngoài ra, cần xây dựng hành lang pháp lý thúc đẩy thương mại hoá kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; rà soát, điều chỉnh thống nhất các quy định, chế tài trong văn bản pháp lý liên quan như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ…; bổ sung một số quy định, chế tài để tạo khung pháp lý và khuyến khích hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu.